VNHN - Nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về những hành vi ngang ngược trên Biển Đông thì khả năng thắng của Việt Nam còn cao hơn Philippines năm 2016.
Vị trí của bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn so với các đảo trên Biển Đông
Nguồn: Phan Văn Song/Đồ họa: Du Sơn
Việt Nam và thế giới đang theo dõi và quyết liệt phản đối nhóm tàu Trung Quốc tiến hành thăm dò địa chấn trái phép tại khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam cũng như thông tin về hành vi quấy rối hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp tại lô 06-01 Bồn trũng Nam Côn Sơn. Đến nay, trong các tuyên bố ngày 19 và 25.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh: “Vị trí của lô 06-01 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc nhiều lần xâm phạm chủ quyền Việt Nam và tạo nên các sự đã rồi như xâm chiếm, cải tạo các đảo, đá và thực thể trên Biển Đông, Việt Nam cần xem xét tất cả giải pháp, trong đó có giải pháp pháp lý, tức kiện ra tòa. Một trong các biện pháp là sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc ở Phụ lục VII của UNCLOS liên quan đến bãi Tư Chính và Nam Côn Sơn. Đây là cách mà Philippines làm năm 2016 và đã thắng kiện.
Nếu đưa ra tòa thì khả năng thắng của Việt Nam sẽ còn cao hơn vì khu vực bãi Tư Chính và Nam Côn Sơn cách Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hơn 200 hải lý. Đảo lớn gần nhất với Tư Chính và Nam Côn Sơn là Trường Sa Lớn, mà đây chỉ là đảo lớn thứ tư ở Trường Sa. Phán quyết năm 2016 đã khẳng định Ba Bình không tạo cho Trung Quốc cơ sở để đòi quyền về EEZ hay thềm lục địa, vì vậy các thẩm phán giờ đây khó có thể cho rằng Trường Sa Lớn có vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, có thể nói bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một thực thể nào đang thuộc quần đảo Trường Sa. Ngược lại, vùng Tư Chính/Nam Côn Sơn nằm hoàn toàn trong các vòng tròn 200 hải lý từ các đảo Dinh, Phú Quý, Côn Sơn của Việt Nam.
Kết quả của phiên tòa sẽ khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam, cũng như giới hạn hay ít nhất sẽ làm rõ bán kính ảnh hưởng trong các tuyên bố phi lý của Trung Quốc đòi quyền về EEZ từ các thực thể đang tranh chấp ở Trường Sa. Từ đó, đóng khung vùng biển có khả năng bị tranh chấp, dẫu sao vẫn nhỏ hơn nhiều so với đường chữ U chiếm hơn 80% Biển Đông của Trung Quốc. Kết quả này cùng với kết quả phiên tòa giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016 một lần nữa khẳng định sự vô lý và phi pháp của yêu sách đường chữ U.
Dĩ nhiên chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc cũng không phải là chiến thắng sau cùng vì họ sẽ khó từ bỏ tham vọng lâu đời của mình. Tuy nhiên nó sẽ khẳng định lập trường chính nghĩa rõ ràng của Việt Nam, được công nhận bởi bạn bè quốc tế. Tranh thủ dư luận quốc tế cũng là điều quan trọng trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, góp phần làm thất bại mưu đồ tung hỏa mù, biến cái không tranh chấp thành tranh chấp của Trung Quốc. Ngoài ra, thêm một phán quyết bất lợi từ Tòa trọng tài quốc tế sẽ khiến Trung Quốc e dè hơn trong các hành vi xâm lấn trên Biển Đông.
Trong giải quyết tranh chấp, kiện là cách văn minh và duy lý, văn minh hơn cái cách mà Trung Quốc đang làm. Lâu nay, về ngoại giao, chúng ta có phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, ngụ ý cần kiên định, nắm những nét lớn và không sa vào những diễn biến tức thời. Nếu vậy thì có thể thấy rằng những diễn biến trên Biển Đông từ ít nhất 10 năm nay khẳng định nét quan trọng là tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có vế thứ hai ít được nhắc đến hơn là “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, tức cần biết tâm của người dân là gì để lấy làm tâm của mình. Trong vấn đề Biển Đông, tâm của người dân có lẽ chưa bao giờ rõ hơn.
Lê Trung Tĩnh, Phan Văn Song, Dương Danh Huy, Lê Vĩnh Trương