Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nội dung trong Kế hoạch thực hiện Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Theo Kế hoạch, trong năm 2021-2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát hoàn thiện các quy định liên quan đến chế tài áp dụng cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi phân biệt đối xử chống tổ chức đại diện người lao động theo hướng nghiêm khắc hơn nhằm răn đe đối với hành vi phân biệt đối xử chống tổ chức đại diện người lao động của người sử dụng lao động.
Đồng thời, rà soát để bổ sung những quy định liên quan đến chế tài áp dụng và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động theo hướng nghiêm khắc hơn nhằm răn đe đối với hành vi can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động của người sử dụng lao động; rà soát hoàn thiện các quy định liên quan đến chế tài áp dụng cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm về thương lượng tập thể.
Ảnh minh họa
Xây dựng mô hình quan hệ lao động hiệu quả
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng triển khai một số công việc như nội luật hóa các quy định của Công ước số 98, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan để triển khai đầy đủ, toàn diện các quy định, tiêu chuẩn của Công ước số 98.
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; nghiên cứu, xây dựng mô hình quan hệ lao động khả thi và hiệu quả trên cơ sở thương lượng tập thể được thúc đẩy thực hiện một cách thực chất, hiệu quả trên thực tế.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các bên liên quan đến thương lượng tập thể, bao gồm ngành lao động-thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.
Xây dựng và cung cấp thông tin dữ liệu thị trường lao động, quan hệ lao động để hỗ trợ cho công tác thương lượng tập thể đạt hiệu quả.
Tăng cường năng lực của thanh tra lao động và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi phân biệt đối xử chống tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động; giải quyết hiệu quả các khiếu nại, khiếu kiện có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên; thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện…