Trong những năm qua, truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu lãng phí và suy thoái đạo đức, lối sống..., giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông chính sách vẫn còn một số hạn chế như hình thức thông tin chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào một số hình thức truyền thống như tổ chức hội nghị tập huấn, báo cáo viên, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở… dẫn tới phạm vi cung cấp thông tin chưa sâu, rộng, chất lượng nội dung thông tin còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Chủ thể của công tác truyền thông chính sách là các cơ quan nhà nước còn chưa tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác truyền thông chính sách còn thiếu, đặc biệt việc ứng dụng và triển khai công nghệ mới trong truyền thông chính sách còn chậm trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hiện nay, bên cạnh các phương tiện truyền thông chính thống thì mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Với nhiều tính năng vượt trội, hiện đại, thuận tiện trong giao tiếp, thông tin được chia sẻ nhanh chóng, không giới hạn và đặc biệt là tính năng tương tác, chia sẻ quan điểm, ý kiến cá nhân của người đọc đã khiến mạng xã hội đã và đang thu hút một khối lượng lớn người sử dụng và trở thành một kênh truyền thông rất hiệu quả.
Ngoài ra, xu hướng của độc giả hiện nay là đọc sách, báo, cập nhật tin tức qua mạng bằng cách tiếp nhận những thông tin được đăng tải trên fanpage của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, hoặc vào những đường link được chia sẻ trên mạng xã hội, thay vì tìm đến trang chủ của các tờ báo. Do đó việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước đang dần trở thành phổ biến, phù hợp với xu thế của thời đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì mạng xã hội cũng có những mặt trái, cũng chứa đựng nhiều thông tin sai trái, thông tin giả mạo, thông tin xấu, độc do các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng đưa lên để lừa đảo, trục lợi, gây hoang mang dư luận, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo... đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất. Và để đấu tranh với những mặt trái, tiêu cực của mạng xã hội thì cách đấu tranh hiệu quả nhất là chủ động đấu tranh ngay trên chính mặt trận mà tin giả phát tán - mạng xã hội với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu’, tạo môi trường phát triển nội dung thông tin tốt nhằm bao trùm và lấn át nội dung thông tin tiêu cực trên không gian mạng.
Vì vậy, sử dụng MXH để truyền thông chính sách đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, lựa chọn và coi đó là kênh thông tin quan trọng để truyền thông chính sách, quảng bá hình ảnh. Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với thông tin trên không gian mạng, mạng xã hội, thời gian qua, đã đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trên các các trang thông tin điện tử, các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, các kênh video trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Zalo đến người dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Năm 2015, Sở đã thiết lập trang facebook “Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định”, thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các hoạt động của Sở. Đến nay, trang đã có 1.151 lượt thích trang và 1.200 lượt người theo dõi trang.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XX về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nhằm tập trung xây dựng, phát triển chính quyền số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Và một trong những giải pháp được Sở Thông tin và Truyền thông triển khai có hiệu quả đó là công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trên mạng xã hội. Trong năm 2022, Sở đã linh hoạt tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền các kiến thức chuyển đổi số kết hợp với hình thức livestream (Phát trực tiếp trên nền tảng Cốc Cốc và Mạng xã hội) qua trang facebook của Sở và trên Youtube. Hình thức này đã lan toả rộng rãi các nội dung cần tuyên truyền đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Với 05 hội nghị được tổ chức và livestream, bình quân mỗi hội nghị có khoảng từ 4.000 đến 15.000 lượt người xem đã lan toả mạnh mẽ chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của tỉnh Nam Định đến người dân trong và ngoài tỉnh.
Năm 2020, 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới diễn biến căng thẳng, công tác phòng, chống dịch không chỉ trên mặt trận y tế, kinh tế… mà trên mặt trận thông tin, tuyên truyền cũng rất phức tạp khi tin giả, tin sai sự thật tràn lan, gây hoang mang trong nhân dân. Bên cạnh các kênh tuyên truyền chính thống như báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, Sở cũng đã thiết lập trang Zalo của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh; phối hợp với Sở Y tế để cập nhật và đưa thông tin chính thống, kịp thời về tình hình diễn biến dịch và công tác phòng chống dịch bệnh của trung ương, của tỉnh. Bình quân trong 1 tháng, số lượt xem bài viết là 5.916.169 lượt, chia sẻ: 34.004 lượt, thích bài viết là 36.896 lượt. Có thể nói, việc chủ động cung cấp thông tin hàng ngày tới từng người dân thông qua tài khoản mạng zalo về công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu tình trạng thông tin không đúng sự thật, tin giả về tình hình, diễn biến dịch bệnh, giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số cơ quan đơn vị xây dựng các trang mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh, của cơ quan đơn vị, đồng thời cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh phản bác lại các thông tin xấu độc của các thế lực phản động trên mạng xã hội facebook. Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh xây dựng trang facebook “Nông dân Nam Định”, thường xuyên đăng tải các thông tin hoạt động của Hội. Đến nay, trang Nông dân Nam Định có tổng số lượt theo dõi là 1.513 người. Trong năm 2022, Hội đã đăng tải 164 bài; đã có 145 tài khoản tham gia bình luận; thu hút được 3.955 lượt like, 193 lượt share. Nội dung tuyên truyền về các hoạt động của Hội, các chủ trương chính sách của trung ương, của tỉnh, điển hình như các bài viết tuyên truyền về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định, giai đoạn 2022-2025; gương người tốt việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua của Hội phát động... Bên cạnh đó, còn có một số cơ quan khác như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh thực hiện tuyên truyền chính sách trên nền tảng mạng xã hội Facebook; UBND huyện Vụ Bản xây dựng trang Zalo “Văn hoá Thông tin Vụ Bản Nam Định” để tuyên truyền, quảng bá về huyện...
Có thể nói, bên cạnh các kênh truyền thông chính thống như báo chí, hệ thống thông tin cơ sở thì mạng xã hội đã trở thành một phương tiện truyền thông chính sách hữu hiệu, đồng thời cũng là công cụ đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch một cách kịp thời, hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm nước ta đang thực hiện công tác chuyển đổi số mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay. Việc truyền tải các thông tin tích cực, chính thống trên mạng xã hội sẽ tạo nên môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các cơ quan, đơn vị sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách chưa nhiều; nội dung thông tin được đăng tải còn dài, chưa thực sự thu hút người đọc.
Để sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cơ quan đơn vị, đơn vị cần quan tâm đến một số vấn đề:
Xây dựng một đội ngũ cán bộ thành thạo về CNTT, có kỹ năng thiết kế ấn phẩm tuyên truyền, kỹ năng viết tin, bài, truyền thông, sử dụng mạng an toàn... để tạo ra các sản phẩm truyền thông chủ trương, chính sách kịp thời, hấp dẫn trên mạng xã hội, bởi xu hướng của độc giả mạng là thích tin ngắn, bằng hình ảnh, ngại đọc những vấn đề lý luận trừu tượng.
Nội dung thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội cần phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, chính thống, gắn với thực tiễn cuộc sống; cách viết thì phải ngắn gọn, thu hút người đọc. Đó phải là những thông tin mang tính thời sự, phản ánh các chính sách, chủ trương mới, sự kiện mới…, có sự chọn lọc, mang tính định hướng, thúc đẩy cái đẹp, phê phán, đấu tranh với cái xấu, thông tin tiêu cực.
Ngoài ra để đấu tranh kịp thời với thông tin xấu độc trên mạng xã hội, đòi hỏi các cơ quan đơn vị phải thường xuyên theo dõi, rà soát, theo dõi thông tin trên mạng internet nói chung, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có định hướng tuyên truyền kịp thời. Khi xuất hiện tin giả, thông tin xấu, độc, phải kịp thời thông tin nhanh chóng bằng nguồn tin xác thực, tin cậy giúp người dân nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên internet và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng internet, mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định pháp luật trong cung cấp, sử dụng thông tin trên internet, mạng xã hội.
Nêu cao tính gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng MXH, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo; phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực; trong việc theo dõi, quản lý thông tin trên internet, mạng xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm quy định trong việc của pháp luật.
Đặng Hải Đường
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định