08/11/2024 lúc 19:59 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn

Đến năm 2030, mục tiêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân.

Với vai trò là cơ quan báo chí thông tin đối ngoại về chính sách pháp luật và quản lý, phóng viên Việt Nam Hội Nhập có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT xung quanh nội dung này.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM quốc gia, tỉnh Nam Định tham quan hội chợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định.

PV: Xin chào ông Nguyễn Sinh Tiến, chúc mừng ngành NN – PTNT Nam Định thời gian qua đã có nhiều thành công trong việc thực hiện đưa khoa học kỹ thuật vào quản lý, sản xuất, ông có thể cho biết những kết quả mà nghành đã đạt được ?

Ông Nguyễn SinhTiến: ( cười) Xin cảm ơn Phóng viên.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 Nam Định sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số gắn với các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Nam Định đã xây dựng và phát triển được gần 40 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm; hơn 100 sản phẩm nông nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn. Hiện toàn tỉnh đã có 251 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm này là những sản phẩm có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả… Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: Gạo sạch Toản Xuân, Nếp Bắc Nghĩa Bình, Ngao sạch Lenger, Muối sạch Nam Định...

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 485 mô hình cánh đồng lớn, 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP. Hiện toàn tỉnh có 27 nhà máy, chế biến nông, lâm, thủy sản và muối áp dụng tiêu chuẩn HACCP; trên 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản được thẩm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tỉnh Nam Định có 2 vùng nuôi ngao đủ điều kiện cung cấp cho chế biến xuất khẩu, trong đó vùng nuôi ngao rộng 500ha tại huyện Nghĩa Hưng được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

Sản phẩm nghêu sạch Lenger của Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam, cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) là sản phẩm OCOP tiềm năng nâng hạng lên 5 sao.

PV: Nam Định vốn là tỉnh thuần nông, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất có thuận lợi - khó khăn - hướng giải quyết của Nam Định trong chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới?

Ông Nguyễn Sinh Tiến: Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, quản lý sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm ... Vì vậy, những năm qua, trong lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực được tỉnh Nam Định ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khó khăn đối với lộ trình này không phải là ít như: Nguồn nhân lực có kỹ năng về sử dụng, vận hành thiết bị tự động, thiết bị số còn thiếu và yếu. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế, số hóa dữ liệu còn khó khăn, trình độ công nghệ công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp như: Cơ khí, chế biến sâu…chưa tương xứng với công nghệ số. Để chuyển đổi số thực sự phát huy thế mạnh cần có sự kết hợp đồng bộ giữa việc triển khai các cơ chế, chính sách gắn với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức gắn chuyển đổi tư duy với đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư, đồng thời đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.

Gạo Nếp Bắc Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định, sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao

PV: Mục tiêu, phương hướng thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Nam Định những năm tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Sinh Tiến: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, hướng tới Nông thôn mới thông minh. Thời gian tới, Nam Định sẽ tập trung phát triển chính quyền số, kinh tế số trong toàn ngành, đảm bảo phù hợp và đạt hiệu quả theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tạo động lực để ngành Nông nghiệp và PTNT phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đại diện Nam ĐBSH

...