26/04/2024 lúc 14:25 (GMT+7)
Breaking News

Sự “bùng nổ” kỹ thuật số thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Dù sẽ có những thách thức cần vượt qua, song hành trình phát triển này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư trên các lĩnh vực.

Trang eastspring.com (của Eastspring Investments thuộc Prudential plc, một tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu hoạt động tập trung tại châu Á) ngày 10/2 đăng bài nhận định giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bằng kỹ thuật số. Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Dù sẽ có những thách thức cần vượt qua, song hành trình phát triển này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư trên các lĩnh vực.

Sự “bùng nổ” kỹ thuật số thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam được biết đến với dân số “vàng”. Gần 56% người dân Việt Nam dưới 35 tuổi, cao nhất so với các nước trong khu vực có mức thu nhập tương tự. Với việc Thế hệ X và Thế hệ Y đang hình thành hầu hết lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của đất nước, trong khi Thế hệ Z nhanh chóng nổi lên như một làn sóng người tiêu dùng tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030. Tầng lớp người tiêu dùng của Việt Nam dự kiến tăng từ 35 triệu lên 56 triệu người trong thập kỷ này.

Ngoài ra, tầng lớp có thu nhập trung bình ngày càng tăng cũng đang thúc đẩy thị trường tiêu dùng của Việt Nam. Tầng lớp thu nhập trung bình có thu nhập trên 700 USD/tháng ước tính chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030.

Tầng lớp thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho tiêu dùng nội địa đối với dịch vụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Hơn nữa, với tầng lớp trung lưu trẻ luôn sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới như số hóa và tính bền vững. Điều này có thể sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới vào các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và các sản phẩm “xanh”.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng

 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 phản ánh rõ tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này cho thấy mô hình tăng trưởng phải trở nên hiệu quả hơn và chính phủ đã nhận thấy sự chuyển đổi số của nền kinh tế có thể nâng cao đáng kể tốc độ tăng trưởng.

Số hóa đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đang tăng trưởng hai con số và tổng giá trị thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới đã chấp nhận các dịch vụ số kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam được củng cố bởi sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, tài chính số và giáo dục.

Thương mại điện tử là động lực tăng trưởng lớn nhất

 Trước COVID-19, một người dùng Internet ở Việt Nam từng dành 3,1 giờ trên mạng mỗi ngày cho nhu cầu cá nhân. Con số này tăng vọt lên 4,2 giờ trong giai đoạn giãn cách xã hội và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày. 80% người dùng coi công nghệ là thiết yếu trong thời kỳ đại dịch.
Thương mại điện tử được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này khi 88% người dùng Internet mua sắm trực tuyến. Ước tính, 53% dân số mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội, như Facebook và Zalo, hoặc các nền tảng thương mại điện tử, như Lazada, Shopee và Tiki.

Với mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 25% mỗi năm và có giá trị thị trường là 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/10 tổng doanh số bán lẻ theo tầm nhìn dài hạn của Việt Nam.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam. Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Ngân hàng số trên đà phát triển

Là lĩnh vực quan trọng của đất nước, dịch vụ tài chính đang tận dụng xu hướng số hóa. Theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa hoàn toàn, lấy con người làm trung tâm. Do đó, các ngân hàng Việt Nam đang theo đuổi các chiến lược phát triển kỹ thuật số. Các ngân hàng thương mại hàng đầu dành 20%-70% chi tiêu vốn cho việc số hóa. Các chiến lược phát triển kỹ thuật số linh hoạt là rất quan trọng để trở thành người chiến thắng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nơi cho vay bán lẻ và đầu tư đang phát triển nhanh chóng và người dùng trẻ đang đón nhận các giải pháp kỹ thuật số.
Cũng giống như thương mại điện tử, sự dễ dàng và thuận tiện của ngân hàng số sẽ thay đổi cách mọi người thực hiện các giao dịch tài chính. Các dịch vụ tài chính số cũng đang trở thành những động lực quan trọng, với 99% doanh nghiệp hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 72% áp dụng các giải pháp cho vay kỹ thuật số. Số lượng người dùng ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 73% trong 9 tháng đầu năm 2020, mức cao nhất trong toàn khu vực. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của ngân hàng số vẫn ở mức vừa phải, đặc biệt là trong các phân khúc thanh toán điện tử, chuyển tiền kỹ thuật số và đầu tư trực tuyến. Sự gia tăng của thương mại điện tử sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán điện tử. Dịch vụ tài chính số của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển trong trong những năm tới.

Tương lai quyết định bởi thế hệ người tiêu dùng số

Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, 40% tiêu dùng của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi thế hệ ra đời trong giai đoạn kỹ thuật số, tức là sinh ra vào những năm 1980 đến 2012. Nhóm người này có xu hướng sử dụng Internet nhiều và sử dụng điện thoại thông minh. Sở thích và nhu cầu mua hàng của họ được quyết định bởi các yếu tố khác nhau. Ví dụ, một công ty giải trí trực tuyến phải kích hoạt nhiều dịch vụ đầu cuối hơn để tăng trải nghiệm người dùng tổng thể trong khi các kênh ngân hàng trực tuyến phải tạo điều kiện cho giao dịch từ xa để tăng sự hài lòng của khách hàng. Các công ty muốn tận dụng những thay đổi hành vi này sẽ phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo để tăng sự hài lòng của khách hàng./.