21/01/2025 lúc 07:46 (GMT+7)
Breaking News

Sớm xây dựng quy trình hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

VNHN - Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức We are the Social Media, Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng những thông tin, hình ảnh, video clip xấu, độc hại tràn lan trên mạng đã và đang là một mối nguy hiểm thường trực, ảnh đang không nhỏ tới trẻ em.

VNHN - Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức We are the Social Media. Nhưng những thông tin, hình ảnh, video clip xấu, độc hại tràn lan trên mạng đã và đang là một mối nguy hiểm thường trực, ảnh đang không nhỏ tới trẻ em.

Theo Báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi 15 - 24. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng nhưng cũng không thể đo đếm được về mức độ phổ biến, quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng.


Hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (60%), nhưng hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin mà không được dạy, tư vấn các kỹ năng an toàn trên môi trường internet. Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nêu thực tế, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trong đời thực. Bởi, thiếu niên và trẻ em là giai đoạn tuổi mà sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều biến động và thiếu ổn định. Mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng rất có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong 3 năm qua, các lực lượng bảo vệ pháp luật mới phát hiện hơn 150 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng với số lượng tương ứng đối tượng. Số lượng này không phải lớn nhưng cũng chưa phải là con số phản ánh tình hình thực tế trẻ em bị lạm dụng và xâm hại trên môi trường mạng và dường như mới là phần nổi của tảng băng chìm.

Nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em

Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á - Việt Nam cho thấy, phần lớn học sinh từ lớp 8 trở lên đã sử dụng điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội nhưng nhiều em cho rằng đó là quyền riêng tư, dẫn đến tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với các em. Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng; kết quả nghiên cứu này nhận thấy có 22% số trẻ em được khảo sát đã từng trải qua việc bị xâm hại tình dục trực tuyến.

Ngoài hệ thống pháp luật khá đầy đủ như Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 với những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN; tháng 12.2019, đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111). Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các thông tin, hình ảnh, video clip xấu độc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em và việc xây dựng “rào chắn” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là việc làm cấp bách. Theo đó, phải có quy định cụ thể quy trình hỗ trợ và can thiệp các nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên mạng, cũng như quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng.

Liên quan đến vấn đề này, kinh nghiệm một số quốc gia như Anh đã có một đơn vị chuyên bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng từ cách đây 10 năm… Chính vì thế, việc xây dựng quy trình hỗ trợ, can thiệp từ việc phối hợp, chuyển tuyến các dịch vụ; phối hợp trong việc hỗ trợ, xác minh, điều tra và xử lý để tăng cường tính phòng ngừa, can thiệp ngay từ khi có nguy cơ là một đề xuất đáng lưu tâm.

Ngoài ra, không gian mạng không chỉ có máy tính, điện thoại thông minh mà còn cả tivi thông minh, nên vai trò của truyền thông, nhà trường, gia đình cũng rất quan trọng. Việc ngăn chặn trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô không dẫn dắt trẻ đi đúng hướng thì vô hình trung đã tạo điều kiện cho vô số đối tượng trong thế giới ảo dẫn dụ các em vào những con đường mà chúng ta không lường được.