Trao đổi với phóng viên VNHN, ông Châu Ngô Anh Nhân – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay; Thời điểm sau đại dịch Covid-19, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo từng ngành, địa phương đôn đốc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công của tỉnh. Ước thực hiện năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Khánh Hòa tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang); GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,91 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.600 triệu USD, tăng 22,9%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.700 triệu USD, tăng 54,1%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 15.700 tỷ đồng, tăng 11,5%. Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa có sự hồi phục ấn tượng với doanh thu du lịch năm 2022 ước đạt 13.500 tỷ đồng, bằng 560,8% so với năm 2021, lượng khách quốc tế bằng 625% kế hoạch năm 2022. Lũy kế đến nay tỉnh Khánh Hòa thu hút được 112 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,855 tỷ USD, trong đó: KKT, KCN là 47 dự án với tổng vốn đăng ký là 3,09 tỷ USD.
Trong tháng 10 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia cùng Đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa làm việc tại Pháp và Hàn Quốc nhằm giới thiệu đến với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa và kêu gọi đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực như: công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, điện tử; dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, .... Đặc biệt, tại các buổi làm việc với các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài, Đoàn công tác đã giới thiệu về mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, Tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với công tác lập quy hoạch, gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm; Quy hoạch phân khu thuộc đô thị mới Cam Lâm. Phê duyệt hoàn thành các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; triển khai Kế hoạch phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị và các quy hoạch chi tiết trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh và Chương trình phát triển đô thị tại các địa phương phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị, làm cơ sở để thu hút đầu tư, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, khi các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa dự kiến vào tháng 9/2023.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư, phát triển tại Khánh Hoà
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á, là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không.
Theo ông Châu Ngô Anh Nhân – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để cụ thể hóa mục tiêu, tầm nhìn mà Nghị quyết 09-NQ/TW đã đề ra, tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh công tác lập các quy hoạch như nêu trên theo định hướng: thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước…
Đồng thời, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2022 cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo đó có 06 ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong như: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; ) Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên…
Cùng với chính sách ưu đãi chung của Trung ương trong việc thu hút nguồn lực, phát triển các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 07/12/2020 về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 đã tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp của tỉnh và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Riêng KKT Vân Phong được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, các ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư vào KKT tập trung chủ yếu về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiền thuê đất (dự án được nhà nước cho thuê đất). Việc đa dạng hóa các hình thức ưu đãi thuế và mức ưu đãi thuế tại KKT, KCN cao hơn các khu vực khác đã giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế, góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, qua đó, tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế…
Võ Hà - Hà Cường