22/11/2024 lúc 16:26 (GMT+7)
Breaking News

Khánh Hòa - Đột phá và phát triển bền vững

Trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn biến phức tạp, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xác định và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Hướng tới mục tiêu triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa thì 2022 sẽ là năm bản lề trong giai đoạn đột phá và chạy nước rút theo định hướng phát triển bền vững, thông minh, bản sắc và kết nối quốc tế. Để có cái nhìn khái quát hơn phóng viên, Tạp Chí Việt Nam Hội nhập đã có buổi phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ảnh:VNHN

Phóng viên; “Thưa đồng chí, để vượt qua những khó khăn của năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh nhà đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xin ông chia sẻ về các kết quả nổi bật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh?”

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Trải qua năm 2021 với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đã phục hồi rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 22,08%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,36%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 57,89%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 28,11%; Doanh thu du lịch ước tăng gấp 5,5 lần, đạt 270% kế hoạch; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 14,13%;... Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, số ca bệnh nặng giảm sâu; đã hoàn thành tiêm trên 3,46 triệu liều vắc xin, đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời thuốc điều trị Covid-19. Các chế độ về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho Nhân dân được thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định; các lĩnh vực xây dựng thể chế, văn hóa, xã hội, tiếp tục được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo quyết liệt, nhằm sớm đưa các Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo đó, hiện nay các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang khẩn trương hoàn chỉnh một số nội dung quan trọng trình cấp thẩm quyền ban hành, cụ thể: Danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Danh mục dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách giai đoạn 2021-2025, Danh mục các dự án kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 – 2025, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, Đề án thành lập trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương, Đề án giảm nghèo đối với huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021-2025 và một số Nghị quyết để triển khai các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương liên quan trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho tỉnh Khánh Hòa.

Quảng trường 2/4 Nha Trang - Khánh Hòa biểu tượng của thành phố biển xinh đẹp - ảnh:VNHN

Phóng viên; Tình hình kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp (ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraina, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Châu Âu, giá dầu leo thang…) Vậy UBND tỉnh đã có những giải pháp trọng tâm nào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn biến phức tạp, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xác định và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tăng tốc độ tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 5 tuổi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm nguồn nhân lực ngành y tế; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế để phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. 

- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế góp phần tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

- Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với công tác lập quy hoạch, gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm; phê duyệt các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm; triển khai Kế hoạch phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị và các quy hoạch chi tiết trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh , Chương trình phát triển nhà ở tỉnh và Chương trình phát triển đô thị tại các địa phương phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị, làm cơ sở để thu hút đầu tư, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó trọng tâm là triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm trong nhiệm kỳ 2021- 2025, danh mục dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách giai đoạn 2021-2025, danh mục các dự án kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các Đề án: Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, Đề án thành lập trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương, Đề án giảm nghèo đối với huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021-2025 để kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Tăng cường xử lý các vướng mắc, bất cập để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc và sớm đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm của của tỉnh, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định, như: Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang (đưa công trình vào hoạt động từ tháng 01/2023), Bệnh viện Ung bướu Khánh Hòa (đưa công trình vào hoạt động trong tháng 12/2022), Tỉnh lộ 3, Đường Vành đai 2 và Nút giao Ngọc Hội, Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án Nha Trang. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; triển khai Dự án xây dựng các khu tái định cư phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn Vân Phong – Nha Trang) và dự án thành phần 1 thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025. Tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tập trung chỉ đạo kiểm tra, xử lý, sớm hoàn thành việc khắc phục các sai phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, nhằm khơi thông nguồn lực; thường xuyên theo dõi tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành, đưa vào hoạt động để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, tích cực thu nợ đọng thuế. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chi công tác phòng chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và an ninh, quốc phòng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khánh Hòa - Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với công tác lập quy hoạch, tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - ảnh:VNHN

Phóng viên; Trước những khó khăn, thách thức như vậy, tỉnh đã có những giải pháp gì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Trước những khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bối cảnh phức tạp thế giới cũng như trong nước, nhằm nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, trợ cấp xã hội thường xuyên và trợ giúp đột xuất cho người dân theo đúng quy định, đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng đúng hạn, không để xảy ra trường hợp địa phương chi trả trợ cấp muộn so với quy định; đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ cho người điều trị Covid-19 (F0), cách ly y tế (F1) đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại nhà trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ;… Ước tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã hỗ trợ khoảng trên 460 nghìn người dân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp, tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách về điều chỉnh, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay, thuế, tiền thuê đất,... Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 5.636 khách hàng được hỗ trợ điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 14.004 tỷ đồng; 24.566 lượt khách hàng được hỗ trợ miễn, giảm lãi, hạ lãi suất vay vốn, với số tiền đã miễn, giảm là 516,15 tỷ đồng; 21 khách hàng được cho vay là người sử dụng lao động với số tiền 12 tỷ đồng để trả lương ngừng việc và phục hồi sản suất kinh doanh; thực hiện miễn giảm thuế, gia hạn thời hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ với số tiền khoảng 200 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ với tổng số tiền khoảng 200 tỷ đồng. Tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Triển khai đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng cho phục hồi kinh tế, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm, thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách về điều chỉnh, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay, thuế, tiền thuê đất,...- ảnh:VNHN

Phóng viên; Với khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi tính kịp thời để các chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn và mang tính khả thi cao, như vậy sẽ đặt ra những yêu cầu gì trong triển khai thực hiện, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Để các chủ trương, chính sách sớm được cụ thể hóa, đi vào thực tiễn và có tính khả thi cao, khối lượng công việc đặt ra đối với tỉnh trong giai đoạn hiện nay là rất lớn và đòi hỏi tính kịp thời nhưng vẫn đảm bảo sự hiệu quả; điều này đặt ra một số yêu cầu trong việc triển khai thực hiện như sau:

- Tăng cường và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương, cần quyết liệt, chủ động và linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, có tinh thần chủ động đổi mới và sáng tạo; tạo được niềm tin, sự đồng thuận của người người dân và doanh nghiệp.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các hành vi trục lợi chính sách.

- Khai thác, phân bổ nguồn lực hợp lý; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng; thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội .

- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đất đai, quy hoạch xây dựng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án; thực hiện công khai, minh bạch quy trình, thủ tục, chế độ chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; triển khai tốt công tác chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; tăng cường vận động, tuyên truyền và tạo sự đồng thuận của người dân.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng xử lý công việc, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập của đất nước và thế giới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch, kính chúc sức khỏe đồng chí.

Nguyễn Hương