Khánh Hòa là một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Khánh Hòa có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi tắm đẹp trải dọc theo bờ biển dài 385km, được phân bố đều ba vịnh: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, các vịnh đều được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế. Nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, có các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế Cam Ranh có lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, Khánh Hoà còn là cửa ngõ giao thông đường hàng không quan trọng cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Khánh Hòa là một trong 07 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển trong cả nước, thành phố Nha Trang là Đô thị du lịch, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh là Khu du lịch quốc gia, Trường Sa là Điểm du lịch quốc gia; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa, du lịch được xác định đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Do đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Khánh Hoà đã kịp thời ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện, phát triển du lịch tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Với thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi về biển đảo, Khánh Hoà đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và hướng đến phát triển bền vững, phát triển du lịch gắn với kinh tế xã hội. Với các sản phẩm chất lượng cao, với những tiềm năng, thế mạnh hiện có thì hiện nay ngoài việc đầu tư sản phẩm thì việc phát triển du lịch bền vững được xác định trong một cái nhiệm vụ mà chúng tôi hướng đến, đó là du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững. Ngoài phát triển du lịch biển đảo, thì chúng tôi còn phát triển các khu vực lân cận với mô hình du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, nhằm phát huy giá trị truyền thống văn hoá lịch sử thì chúng tôi cũng đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam…
Trải qua quá trình nỗ lực phấn đấu, đến nay ngành du lịch đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch được phát triển mạnh theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.147 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 52.000 phòng; trong đó số lượng phòng của khách sạn 4-5 sao chiếm đến 40%. Toàn tỉnh có 148 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 119 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; Với hơn 380 tuyến xe cố định, 1.300 xe hợp đồng các loại và hơn 700 phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của du khách. Tạo việc làm cho trên 120.000 lao động trong ngành du lịch. Phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao kết hợp với vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm và khám phá đại dương phát triển ở dải không gian ven biển. Đặc biệt trong những năm gần đây, du lịch sinh thái núi, sông suối ở khu vực phía Tây Nha Trang được quan tâm đầu tư khai thác, đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa…
Sự tăng trưởng của ngành Du lịch đã góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác và đặc biệt là hiệu quả xã hội từ hoạt động du lịch mang lại, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Nghị quyết số 09-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Khánh Hoà xem là kim chỉ nam, là động lực để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, tạo cơ chế đột phá cho Khánh Hòa phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Với mục tiêu đưa Du lịch Khánh Hoà thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch Khánh Hòa trở thành một trong 07 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển trong cả nước. Khánh Hoà đã xây dựng một số giải pháp cụ thể, trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, Tập trung xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng 2050 đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra và Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Triển khai thực hiện đồng bộ về công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững du lịch Khánh Hòa theo định hướng ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; Ưu tiên đầu tư và khuyến khích mọi nguồn lực tham gia đầu tư, nâng cấp về hạ tầng giao thông, kỹ thuật điện, nước, xử lý rác thải, chất thải, các điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng, trung tâm hội nghị mang tầm quốc gia, quốc tế; khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, sản phẩm dịch vụ mang tính độc đáo, bền vững…; Triển khai gắn các dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách theo chuỗi giá trị liên ngành trong giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030; Đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, dựa trên nền tảng kinh tế số và ứng dụng thành quả công nghệ trên thế giới, đây có thể xem là bước đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch; đồng thời ứng dụng trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch rất hữu ích, tiện lợi…Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Thế Hùng - Võ Hà