11/01/2025 lúc 02:46 (GMT+7)
Breaking News

Sản xuất khẩu trang vải là “giải pháp tình thế" hữu hiệu của Doanh nghiệp dệt may

VNHN - Việc chuyển hướng, sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp dệt may giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

VNHN - Việc chuyển hướng, sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp dệt may giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên; 1,2 tỷ m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày.

Nếu tính trung bình, 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang vải, thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại.

Ngoài ra, lượng vải còn tồn lại khá lớn, chưa kể nguồn vải từ Trung Quốc đã bắt đầu được nhập về. Do vậy có thể khẳng định, Việt Nam không thiếu vải để may khẩu trang vải.

Sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp dệt may giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. 
Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, về năng lực sản xuất khẩu trang vải, mỗi tháng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có thể sản xuất được 50 triệu khẩu trang vải. Toàn ngành có thể sản xuất khoảng 150 - 200 triệu khẩu trang vải mỗi tháng. Năng lực sản xuất khẩu trang vải có thể tăng thêm, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 4, Tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đã có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải.

Ông Việt cũng nhấn mạnh, việc sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải là giải pháp tình thế hữu hiệu cho các doanh nghiệp dệt may hiện nay. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn tăng cao do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việt Nam lại là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu dệt may nên chuyển sang sản xuất khẩu trang sẽ giúp doanh nghiệp cầm cự qua mùa dịch và phần nào giảm bớt khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cũng đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nhanh nhạy khi sản xuất được khẩu trang vải thông thường, sử dụng vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là tránh được tia UV.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu trang và các đồ bảo hộ y tế sẽ gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu nằm ở đầu ra. Thời điểm này dịch đang căng thẳng, nhu cầu khẩu trang thế giới là rất lớn, thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hàng lại không biết bán ở đâu.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác để thực hiện rà soát, xây dựng, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất khẩu trang vải.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ đã đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài và cũng đang chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương tìm kiếm đối tác mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam.

Nhu cầu khẩu trang có thể kéo dài đến hết năm, nhưng sẽ giảm dần. Sản xuất khẩu trang là mặt hàng chỉ mang tính thời điểm. Về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may vẫn phải chú trọng vào các sản phẩm dệt may truyền thống./.