19/12/2024 lúc 18:12 (GMT+7)
Breaking News

Reviewer - con dao hai lưỡi cần cẩn trọng

Reviewer đang nổi lên như là một nghề hot, thu hút được sự chú ý lớn, đặc biệt là từ phía các bạn trẻ. Tuy nhiên bên cạnh những hiệu ứng tích cực thì công việc review này cũng tồn tại không ít những góc khuất tiêu cực.

Xu hướng làn sóng reviewer nở rộ

Reviewer là một thuật ngữ tiếng Anh chỉ những người chia sẻ nội dung trên mạng xã hội về những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm, dịch vụ nhất định. Reviewer có thể làm nội dung xoay quanh rất nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, điện ảnh, âm nhạc cho đến làm đẹp, công nghệ, du lịch,... Công việc của các reviewer bản chất chính là đưa ra những nhận xét, đánh giá, bình luận theo cảm nhận cá nhân về trải nghiệm của mình.

Nghề review nổi lên từ chính nhu cầu mua hàng trực tuyến ngày càng tăng cao của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Khi muốn mua sản phẩm mà đắn đo không biết chất lượng sản phẩm ra sao, người tiêu dùng sẽ thường đến những video hay bài viết của những người dùng đã trải nghiệm sản phẩm đó trước mình. Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các clip review xuất hiện với tần suất khá liên tục. Những cái tên như “Chiến thần review” Võ Hà Linh, Ninh Tito, Kiên Review hay Hứa Ngân có lẽ là đã không còn xa lạ với những người sử dụng mạng xã hội bởi những clip review triệu view, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của hàng nghìn người theo dõi.

Reviewer - liều thuốc hồi sinh nhiều doanh nghiệp?

Review chân thực chính là một trong những hình thức có thể mang lại sự tin tưởng cao hơn cho khách hàng. Nhiều quán xá dường như sắp rơi vào cảnh “phá sản” đã được “hồi sinh”, các cửa hàng, quán ăn ít tiếng tăm được biết đến nhiều hơn nhờ vào các video review có tâm trên Tiktok, Facebook. Điển hình là quán trà sữa Vy Anh với món nước làm mưa làm gió thời gian gần đây - trà mãng cầu, đã trở thành tâm điểm trên Tiktok, từ doanh thu chỉ vài chục cốc giờ đây mỗi ngày Vy Anh có thể bán được từ 200 đến 300 cốc. Có những khách hàng thậm chí còn từ Sài Gòn về Long An chỉ để thưởng thức trà mãng cầu của quán theo những clip review trên Tiktok.

Những workshop, triển lãm, bảo tàng lịch sử mà trước đây giới trẻ không biết, hoặc ít quan tâm đến giờ đây lại là những địa điểm thu hút, thành “trend” cũng nhờ review. Minh chứng gần nhất là việc  “thăm nhà tù Hỏa Lò” đã trở thành hot-trend trên mạng xã hội và việc check-in tại di tích lịch sử này được xem là trào lưu sang chảnh của giới trẻ sau một loạt clip review trở thành xu hướng trên nền tảng Tiktok. Đây cũng có thể coi là một mặt vô cùng tích cực của review, nó đã đưa các bạn trẻ gần hơn với lịch sử của dân tộc.

Đi thăm Nhà tù Hoả Lò trở thành "trend" Tiktok qua review (ảnh: chụp màn hình tiktok)
Đi thăm Nhà tù Hoả Lò trở thành "trend" Tiktok qua review (ảnh: chụp màn hình tiktok)

 

Reviewer - đối tác hay đối đầu?

Bên cạnh những reviewer có tâm với những nhận xét, đánh giá chân thực, khách quan, mong muốn giúp cho doanh nghiệp ngày một phát triển hơn thì lại một số reviewer sẵn sàng bất chấp vì để nổi tiếng hoặc vì tiền mà đưa đến người tiêu dùng những thông tin sai sự thật.

Điển hình phải kể đến sự việc của Tiktoker (người dùng mạng xã hội Tiktok) Nờ Ô Nô vào cuối năm 2022, khi Tiktoker này đã đăng tải một video với hàng loạt từ ngữ xúc phạm, thiếu tôn trọng với người lớn tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn: “bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, "nghèo mà còn chê đồ ăn" hay "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu". Thực chất, ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động trên nền tảng Tiktok, Nờ Ô Nô đã luôn là một cái tên gây tranh cãi bởi những clip review phản cảm với thái độ cáu gắt, trịch thượng, thiếu thiện chí. Vậy nên, chiếc video vượt quá các tiêu chuẩn về đạo đức kia của Nờ Ô Nô có thể coi là “giọt nước tràn ly” khiến cho công chúng phẫn nộ, đồng loạt tẩy chay Tiktoker này.

Tiktoker Nờ Ô Nô trong video gây tranh cãi. (Ảnh: chụp màn hình Tiktok)
Tiktoker Nờ Ô Nô trong video gây tranh cãi. (Ảnh: chụp màn hình Tiktok)

 

Tương tự với trường hợp của Nờ Ô Nô, gần đây cư dân mạng cũng xôn xao vì trường hợp của Tiktoker Hoàng Sỏi với phát ngôn “câu view” mở đầu clip review quán ăn Sà Bì Chưởng: “Đây có lẽ là cái quán mình ngại review nhất vì nhiều trẻ trâu lắm các bạn”.

“Những video như này thế là tôi đã cảm thấy người ta muốn phải làm như thế để nó có tính tương tác qua lại, để gây ý kiến trái chiều. Và có vẻ như công thức này càng ngày càng bị làm quá lên ở đoạn mở bài.” Độ Mixi - một streamer có tiếng đồng thời cũng là một trong ba người chủ của quán ăn - chia sẻ sau khi sự việc xảy ra.

Các reviewer, đặc biệt là những người sở hữu tài khoản cá nhân có lượng theo dõi lớn có tác động rất lớn đến quyết định của người tiêu dùng. Một đánh giá tiêu cực của reviewer có thể khiến người tiêu dùng, trải nghiệm quay lưng, thậm chí là tẩy chay sản phẩm, dịch vụ, điều đó khiến không ít đơn vị doanh nghiệp gặp khó khăn, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và danh tiếng của đơn vị doanh nghiệp mà có thể khiến họ mất đi khách hàng và doanh thu.

Nâng cao cảnh giác để chấm dứt review “bẩn”

Là một người sử dụng Tik Tok thường xuyên, thậm chí khi rảnh rỗi có thể “lướt” Tik Tok liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, chị Thu Trang cho biết: “Tôi cũng thường hay xem những clip ngắn trên Tiktok về nội dung review địa điểm ăn uống, vui chơi, check in, chụp ảnh,...

Hiện nay, reviewer là một nghề mới và thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm, vì vậy không khó để bắt gặp những video clip về review với nội dung rất phong phú, đa dạng, tôi thấy chỉ cần có kỹ năng quay chụp ổn một chút, khả năng ăn nói lưu loát là bất cứ ai sở hữu tài khoản Tiktok cũng có thể đi trải nghiệm các dịch vụ và đưa ra đánh giá của mình rồi, từ đó nghề review xuất hiện. Tuy nhiên có thể thấy cũng chính vì nghề này không đòi hỏi quá cao về chuyên môn hay trình độ nhất định nên hiện nay xuất hiện tràn lan khá nhiều reviewer không có tâm, hoặc là review theo kiểu vô trách nhiệm, khen hoặc chê thái quá, gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng và người kinh doanh dịch vụ.”

Chị Thu Trang trả lời phỏng vấn của phóng viên về review trên mạng xã hội (Ảnh: Phương Anh)
Chị Thu Trang trả lời phỏng vấn của phóng viên về review trên mạng xã hội (Ảnh: Phương Anh)

 

Chị Thu Trang cũng chia sẻ thêm: “Về trải nghiệm cá nhân, tôi cũng có một vài lần tin lời review trên Tik Tok và đến trải nghiệm tại một vài quán ăn nhưng khi đến nơi thì kém xa so với tưởng tượng, thật sự là các bạn reviewer quay chụp, edit rồi chỉnh màu quá bắt mắt và khen hết lời rất cuốn hút người xem, tôi nghĩ trải nghiệm không tốt đó cũng là để mình rút kinh nghiệm trước những nội dung review mang tính quảng cáo trá hình, câu kéo người xem như vậy. Nhưng tôi cũng nghĩ không phải nội dung review nào cũng là xấu, độc, vẫn có rất nhiều nội dung được đăng tải với mục đích tốt đẹp ví dụ như reviewer đi trải nghiệm những buổi hòa nhạc gây quỹ cho trẻ em, những buổi workshop về trải nghiệm sản phẩm miễn phí,... để lan tỏa đến những người có chung sở thích.”

Những buổi workshop ý nghĩa được đăng tải và review trên mạng xã hội Tiktok (Ảnh: chụp màn hình clip Tik Tok)
Những buổi workshop ý nghĩa được đăng tải và review trên mạng xã hội Tiktok (Ảnh: chụp màn hình clip Tik Tok)

 

Trước thực trạng đáng lo ngại về nội dung review, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “Khi nhận được đánh giá, phản hồi từ những reviewer, những cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh nên xác định đúng tính chất của những đánh giá đó.

Nếu đó là những đánh giá thiếu tính khách quan, mang tính tiêu cực, thiếu thiện chí, thiếu tính xây dựng để bên kinh doanh có thể cải thiện chất lượng thì bên kinh doanh sản phẩm, dịch vụ có thể công khai tiếp thu ý kiến và mời khách hàng trở lại để trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ mới và sau cùng là liên hệ với các reviewer để nhờ họ gỡ bài đánh giá tiêu cực. Nếu trong quá trình liên hệ và làm việc với bên reviewer mà họ không hợp tác hoặc tỏ thái độ vô trách nhiệm với sản phẩm review của mình thì đề nghị bên kinh doanh sản phẩm, dịch vụ liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng để tham gia giải quyết, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để rà soát các trường hợp nội dung review xấu, độc, gây ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng.”

Ông Lê Quang Tự Do phát biểu trước báo chí. (Ảnh: Báo thanh niên)
Ông Lê Quang Tự Do phát biểu trước báo chí. (Ảnh: Báo thanh niên)

 

Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng và các bên liên quan trong việc quản lý nội dung review trên mạng xã hội, GS.TS Vũ Gia Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hoá - Du lịch cũng đưa ra khuyến cáo đối với những người sử dụng và trải nghiệm dịch vụ qua reviewer: “Người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những người trẻ cũng cần tự ý thức việc nâng cao dân trí khi sử dụng mạng xã hội, nâng cao khả năng phán đoán, nhận diện những đánh giá xấu, độc hại, mang tính chất hạ bệ những dịch vụ và sản phẩm trên thị trường. Xem review chỉ để chúng ta có cái nhìn khách quan hơn đối với mọi sản phẩm, chúng ta nhìn thấy ưu, nhược điểm của nó ở nhiều khía cạnh, góc độ hơn và tự đưa ra đánh giá dựa trên sở thích, tiêu chí của mình, chứ không phải chỉ lắng nghe review một cách thụ động.”

Trong thời đại 4.0 với lượng thông tin dày đặc, đa chiều, sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý các luồng thông tin. Rõ ràng lúc này, thông tin được các reviewer đưa ra chỉ mang tính tham khảo. Mỗi người đều sẽ có cảm nhận, trải nghiệm riêng của cá nhân mình đối với từng sản phẩm, dịch vụ và sản phẩm phù hợp với người này nhưng chưa chắc đã phù hợp với người kia. Bởi vậy nên, bản thân mỗi người càng cần có kiến thức, lập trường và bản lĩnh để đưa ra những quyết định chính xác, có nên tin vào các lời review hay không. Mặt khác, các reviewer cũng cần phải nhận thức được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của mình, từ đó có trách nhiệm với những lời nhận xét, đánh giá mình đưa ra.

Phương Anh