VNHN – Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035. Từ đó, hướng tới mục tiêu tiếp tục đưa Hồ Hoà Bình trở thành điểm đến hấp dẫn.
Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng thơ mộng hòa trong không gian văn hóa đa sắc màu, KDLQG Hồ Hoà Bình đã và đang trở thành một điểm đến tham quan du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Thiên nhiên ưu đãi tại hồ Hòa Bình
Vùng lòng Hồ Hòa Bình trải dài khoảng 70km, nằm giữa các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình của tỉnh Hòa Bình. Trước khi xây dựng công trình thủy điện, vùng đất ngập nước này là vùng núi đá vôi. Đến nay, những dãy núi trùng điệp hùng vĩ vẫn bao bọc, tạo thành những vách ngăn tự nhiên cho hồ, đồng thời cũng trở thành không gian tạo dựng bản làng cho bà con nơi đây. Theo thống kê, có 47 đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong vùng lòng hồ, nhiều đảo đá vôi đứng sừng sững giữa mặt nước mênh mông, những đảo đất với cây xanh tươi tốt... khiến nơi đây được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”.
Sông nước Hồ Hòa Bình
Đặc biệt, điều hấp dẫn du khách khi đến vùng lòng hồ chính là phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ với hồ rộng núi cao, nhiều hang động tạo tác kỳ thú. Nhiều hoạt động như thăm các hang động đá vôi, trekking trong rừng nguyên sinh, thăm thú bản làng, chèo thuyền kayak... đã trở thành lựa chọn của những du khách ưa khám phá, hiện đã được xây dựng thành tour phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KDLQG Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch khác có liên quan để phát triển Hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Mường và hệ sinh thái lòng hồ.
Phát triển du lịch, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế
Theo nhận định của UBND tỉnh, để có cơ sở lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi nguồn lực đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại KDLQG Hồ Hoà Bình. Đồng thời, cụ thể hóa các không gian phát triển của KDL, trong đó, ngoài phát triển không gian du lịch, còn có các không gian khác như: đô thị, khu dân cư, cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và bảo vệ môi trường…
Vì vậy, việc lập Quy hoạch chung xây dựng KDLQG Hồ Hoà Bình đến năm 2035 là rất thiết, để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Hồ Hoà Bình đến năm 2030, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Từ đó, nhằm mục tiêu phát triển Hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút về du lịch của vùng trung du, miền núi phía Bắc với các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa truyền thống của tỉnh và hệ sinh thái lòng hồ.
Thiên nhiên ưu đãi cho Hòa Bình khung cảnh tuyệt đẹp
Nội dung quy hoạch gồm: phân tích và đánh giá mối liên hệ vùng; các định hướng và dự án quan trọng của quốc gia; điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế xã hội và du lịch; các đặc điểm văn hóa và những yếu tố đặc thù ảnh hưởng tới KDLQG Hồ Hòa Bình; đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án đã có, đang còn hiệu lực. Bên cạnh đó, xác định, làm rõ các định hướng trong quy hoạch ngành có liên quan; định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn khu du lịch, xác định phạm vi, quy mô sử dụng đất trong khu vực theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo khai thác và sử dụng đất đai hiệu quả; định hướng phát triển không gian.
Trong thời gian sắp tới, Hòa Bình sẽ có nhiều thay đổi, hướng đi mới, góp phần phát triển không chỉ du lịch tại Hồ Hòa Bình mà còn đưa nền kinh tế của tỉnh đi lên.