Định hướng phát triển nông nghiệp sạch
Trao đổi với Tạp chí Việt Nam hội nhập, ông Hồ Xuân Hòe - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tâm sự: "Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển đối với ngành nông nghiệp Quảng Trị, mặc dù đã trải qua rất nhiều lần sắp xếp lại tổ chức, vừa phải đối mặt với những khó khăn thiên tai, hạn hán, lụt bão, sâu bệnh, dịch hại..
Thế nhưng, với quyết tâm dân với Đảng một lòng, định hướng sản xuất nông nghiệp sạch, kết nối theo chuỗi sản phẩm đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực và đột phá theo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa".
Bên cạnh đó, Quảng Trị đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng chuyên canh, thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất, manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành liền vùng, áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ bền vững trên mọi sản phẩm, hạn chế phân bón vô cơ, hạn chế xuống mức thấp nhất đối với loại thuốc bảo vệ thực vật, biến điều kiện khí hậu khắc nghiệt thành lợi thế để phát triển nông nghiệp theo môi trường chủ động trong sản xuất cây, con theo mùa vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Hà Sỹ Đồng thông tin: "Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, Quảng Trị xác định mục tiêu Phát triển một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, từng bước thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, là khâu then chốt để có cơ sở định hướng phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài".
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, trước lúc thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ”, tỉnh đã chủ động thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có khả năng đầu tư liên kết với nông dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, Quảng Trị lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là: gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê Arabica Khe Sanh, Hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản, các loài rau, củ, quả...
Ngoài ra, để định hình một nền sản xuất nông nghiệp mới, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp, tạo sản phẩm quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên mỗi sản phẩm.
Nông dân là điểm tựa cho sự nghiệp phát triển
Hiện thực hóa những chủ trương trên, nhiều mô hình cá nhân, tổ hợp tác xã đã đẩy mạnh làm nông nghiệp hữu cơ, trên mọi sản phẩm nông nghiệp như: chè, hạt tiêu, cà phê, rau củ quả, nước mắm, gạo…tất cả đề được mang nhãn mác thương hiệu nông nghiệp Quảng Trị, đều có mặt tại các gian hàng hội chợ trưng bày về sản phẩm nông nghiệp sạch trong và ngoài nước được khách hàng ghi nhân, đánh giá cao.
Để minh chứng điều đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Hồng Phương dẫn chúng tôi tới cánh đồng canh tác gạo sạch ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong. Thật may cho chúng tôi được chứng kiến giữa lúc giám đốc Hợp tác xã đứng giữa cánh đồng lớn cấp phát thuốc chế phẩm sinh học cho từng hộ dân. Ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi đã có thuốc để kịp thời chặn đứng các loài sâu bệnh cho cả cánh đồng lúa hữu cơ bắt đầu vào kỳ con gái, hướng tới vụ mùa xuân đông bội thu.
Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, Nguyễn Hữu Đạt hồ hởi chia sẻ: "Những tín hiệu vui ngày hôm nay là thành quả xứng đáng cho sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực không ngừng của tập thể Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên của xã Triệu Phong chúng tôi, nông dân rất phấn khởi bởi khi sản xuất cánh đồng lúa hữu cơ, người nông dân chúng tôi không phải tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật như trước đây nữa".
Chủ tịch UBND xã Triệu Tài Nguyễn Văn Hùng, phấn khởi khoe với chúng tôi, năm 2016, bà con nông dân huyện Triệu Phong được cán bộ, nhân viên Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương giới thiệu, tập huấn về mô hình sản xuất lúa theo phương thức canh tác tự nhiên. Buổi đầu, chỉ vỏn vẹn có 10 hộ dân đăng ký trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha. Mọi thứ đều mới mẻ đối với bà con. Lần đầu tiên, họ làm quen với việc sản xuất lúa không sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, nên cần phải học để tạo ra các chế phẩm bảo vệ cây lúa từ tỏi, ớt, gừng, đường…
Công đoạn tốn nhiều thời gian, công sức nhất là làm cỏ. Có thời điểm, một số thành viên mất lòng tin, chán nản vì thấy cây lúa sinh trưởng chậm. Thấy thế, ông Nguyễn Hữu Đạt, bấy giờ là trưởng nhóm sản xuất liền báo cáo với nhân viên phụ trách kỹ thuật tập hợp mọi người lại để làm “công tác tư tưởng”, đồng thời hướng dẫn tỉ mỉ hơn quy trình, kỹ thuật chăm bón. Việc giám sát sản xuất được siết chặt.
Kết quả là ngay vụ đầu tiên, bà con được mùa với năng suất đạt 230 kg/sào. So sánh với sản xuất thông thường, canh tác tự nhiên mang lại giá trị cao hơn từ 1,5 - 1,7 lần. Đặc biệt, bà con yên tâm hơn khi không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật như trước. Đó là động lực để họ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lúa theo phương thức canh tác tự nhiên trong những vụ sau.
Phấn khởi trước những kết quả đạt được, xã viên HTX Nguyễn Lượng kể: "Lúc trước nhà tôi cũng do dự lắm, nhưng nhờ ông Đạt với mấy ông bên dự án thuyết phục nên nhà tôi làm thử, năm đầu tiên, vừa cực, vừa không có hiệu quả, hai vợ chồng nghĩ bụng chắc phải quay làm vô cơ như trước vì cả nhà nhờ vào ruộng là chính. Nhưng thấy ai nấy quyết tâm theo đến cùng nên gia đình tôi quyết định “đâm lao theo lao”. Ngờ đâu vụ thứ 2, thứ 3 như trúng số, cây lúa phát triển ổn định, đem lại năng suất cao, khâu tiêu thụ dễ dàng, được giá nên từ đó đến giờ nhà tôi chỉ theo làm nông nghiệp hữu cơ toàn phần trên mỗi diện tích, không màng đến vô vơ, xa lánh được thuốc bảo vệ thực vật, đưa lại sức khỏe cho nhà nông chúng tôi".
Đến nay, đã là vụ thứ 8, diện tích của hợp tác xã đã tăng lên con số đạt trên 50ha, gấp 45 lần so với trước, thị trường ngày càng mở rộng trong và ngoài nước.