06/10/2024 lúc 23:26 (GMT+7)
Breaking News

Cuốn sách linh thiêng - Giá trị trường tồn

Sáng nay (20/4), Sở Thông tin và Truyền thông, UBND thị xã Quảng Trị, Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị, Thư viện tỉnh Quảng Trị và Tạp chí Việt Nam Hội Nhập đã tổ chức tọa đàm giới thiệu sách độc bản kỷ lục Châu Á và kỷ lục thế giới “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972”.

Tại tọa đàm, nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có bài phát biểu về pho sách linh thiêng với giá trị trường tồn: "Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972".

Đã có rất nhiều tâm huyết, rất nhiều những kết nối giữa quá khứ và thực tại, giữa hôm qua và hôm nay để làm nên một pho sách đầy ý nghĩa này. Một pho sách linh thiêng với giá trị trường tồn: Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Tròn 5 thập kỷ đã băng qua trên dải đất này, thời gian đi giữa quên và nhớ, giữa nước mắt nhớ thương và sự vô cảm lạnh lùng... Nhưng giá trị của lòng dũng cảm và sự hy sinh xả thân vì nghĩa lớn, vì đất nước vẫn luôn được đặt trang trọng ở thang bậc cao nhất của phẩm giá con người. Chính vì lẽ đó, các liệt sỹ của chúng ta đã trở thành bất tử. Thành cổ Quảng Trị đã trở thành một định danh thời máu lửa lay động mọi trái tim của đồng bào đồng chí cả nước, của những trái tim và lương tri khao khát tự do và hòa bình của cộng đồng quốc tế khi đến với Việt Nam, đến với Quảng Trị.

11 năm với 2 lần xuất bản vào năm 2011, năm 2017 và đặc biệt là pho đại sách mà những người thực hiện xuất bản trao tặng cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Quảng Trị vào đêm tri ân "Tên Anh đã thành tên đất nước".

Ngày 10/7/2011 đã đưa vị trí của cuốn sách lên ý nghĩa linh thiêng cao đẹp - giá trị trường tồn. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Tổ chức Kỷ lục Châu Á; Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo Thế giới; Viện Đại học Kỷ lục thế giới vinh danh pho đại sách không phải đơn thuần về khối lượng và kích cỡ mà cao hơn tất cả đó là sự vinh danh giá trị của sự hy sinh, giá trị của lòng dũng cảm của những con người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước. Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 chính là một tượng đài bằng chữ. Mỗi dòng tên liệt sỹ là một ngôi mộ chữ, ghép nên dòng lịch sử linh thiêng.

" Lưu danh dòng tên liệt sỹ đã ngã xuống trong những ngày đỏ lửa cách đây tròn nửa thế kỷ - đối với những người cầm bút, với Ban biên tập chúng tôi đó chính là mệnh lệnh của trái tim và trách nhiệm sâu nặng. Một trách nhiệm sâu nặng với quá khứ bởi "Sống là vóc dáng, chết để tên!".

Tuổi thanh xuân phơi phới của hàng ngàn chàng trai tuổi đôi mươi đã hòa tan trong mênh mang sông nước và đất đai cỏ cây Thành Cổ, của dòng sông Thạch Hãn - Chính vì lẽ đó mà từng dòng tên các liệt sỹ trong trang sách Huyền thoại Thành cổ đã ghép nên một tượng đài bằng chữ trang trọng và linh thiêng.

Cuốn sách Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị với sứ mệnh thiêng liêng đó đã vượt lên ý nghĩa của một ấn phẩm văn hóa thông thường mà trở thành một cuốn sách thờ thiêng liêng trên bàn thờ liệt sĩ.

Suốt 2 năm trời thực hiện cho lần xuất bản đầu tiên, từng trận chiến lịch sử, từng dòng tên liệt sỹ, từng trang sách thiêng đã trở thành gần gũi và thân thương với Ban Biên tập chúng tôi. Hồn vía của các Anh hùng liệt sỹ đã chở che, dẫn dắt chúng tôi vượt qua bao khó khăn trở ngại để có được dáng vóc một tượng đài bằng chữ linh thiêng với giá trị trường tồn.

- Sẽ không có được cuốn sách nếu không có sự chung tay góp sức, góp trí của các bác, các cô chú cựu chiến binh với nghĩa tình sâu nặng với đồng chí đồng đội.

- Sẽ không có được cuốn sách nếu không có được sự cộng cảm và cộng hưởng của các đồng nghiệp đến từ các Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Thông tấn.

- Sẽ không có được cuốn sách nếu không có những tấm lòng vàng của các doanh nghiệp, doanh nhân chung tay góp sức lan tỏa hàng nghìn bản sách tới thân nhân gia đình liệt sỹ, các cựu chiến binh, tuổi trẻ học đường và lưu giữ các bản sách quý ở Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện của 63 tỉnh thành trong cả nước...

Chúng tôi đã cố gắng trong tất cả những gì có thể để làm được, để lưu danh danh sách 4.154 liệt sỹ qua 2 lần xuất bản và in số điện thoại của Ban Biên tập trong cuốn sách để tiếp tục tiếp nhận thông tin về liệt sỹ nhằm bổ sung trong các lần xuất bản sau, bởi đây mới chỉ là sự khởi đầu - nhiều dòng tên liệt sỹ còn phải tiếp tục được tìm tới, bổ sung và tôn vinh. Danh sách liệt sỹ có thể chưa đầy đủ nhưng mỗi dòng tên liệt sỹ trong cuốn sách được in đúng họ tên, quê quán, được in một cách rõ ràng và trang trọng cũng chính là tâm nguyện và tình cảm thiêng liêng của những người thực hiện cuốn sách. Dù là muộn, nhưng chúng ta đã cùng nhau làm được một công việc có ý nghĩa trước khi ký ức bị bào mòn theo thời gian và quên lãng.

Bằng thế mạnh của thời đại số, sắp tới chúng tôi sẽ mong muốn triển khai bộ sách Huyền thoại Việt Nam trên các nền tảng số để lan tỏa mạnh mẽ giá trị của những cuốn sách thiêng liêng này tới mọi người dân Việt ở trong nước và trên thế giới. Chiến tranh đã tạnh rồi, cây cỏ đã hồi tươi, nhưng nước mắt vẫn chưa khô trong triệu trái tim người...

- Một bác cựu chiến sỹ Thành Cổ đã tâm sự thật xúc động: Bác mỗi ngày tuổi một cao, sức ngày một cạn... không còn đủ sức để về với chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội nén nhang thơm tưởng nhớ. Nhờ cuốn sách này, mà bác như được gặp lại đồng đội hàng ngày trong từng bữa ăn, giấc ngủ...

- Một đồng chí lãnh đạo thế hệ 7x với tâm sự chân thành: Tôi đặt trang trọng cuốn sách trên bàn làm việc của mình, để mỗi ngày, dòng tên liệt sỹ thế hệ cha ông như nhắn nhủ, như nhắc nhớ mình về trách nhiệm, về sự tu dưỡng rèn luyện để sống và làm việc xứng với lớp cha ông, làm được nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước...

Còn gì hạnh phúc hơn khi giá trị của cuốn sách thiêng đã lan tỏa tới sâu thẳm trái tim và khối óc của những người đang sống để góp phần nhân lên những giá trị sống và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc bằng tất cả lòng tự trọng của mỗi người dân Việt trong thời hội nhập.

Tinh thần và giá trị thiêng liêng ấy đã và đang ấm nóng trong mỗi ngày chúng ta đang sống.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị:

Đoàn đại biểu tọa đàm giới thiệu sách độc bản kỷ lục Châu Á và kỷ lục thế giới “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972” dâng hương
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương, Tổng biên tập Tạp chí VNHN phát biểu tại tọa đàm
Thư viện tỉnh Quảng Trị giới thiệu về nội dung Pho Đại sách 
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị tặng hoa thay lời cảm ơn tới nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương tặng ấn phẩm Việt Nam Hội nhập cho Đại diện Sở TT&TT Quảng Trị
Đại biểu tham dự Tọa đàm
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, UBND thị xã Quảng Trị, Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị, Thư viện tỉnh Quảng Trị và Tạp chí Việt Nam Hội Nhập
Đoàn đại biểu của Tạp chí Việt Nam Hội nhập
Đoàn đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Đoàn đại biểu của Tạp chí Việt Nam Hội nhập dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Thanh Bút