14/09/2024 lúc 12:22 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Trị trên đường chiến thắng - Bài 1: Thành Cổ nơi làm nên kỳ tích 81 ngày đêm lịch sử

Những ngày sắp tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2022). Nhân ý nghĩa trọng đại này. Việt Nam hội nhập xin được giới thiệu phóng sự dài kỳ - những mốc son chói lọi về quá khứ, hiện tại và tương lai của mảnh đất Quảng Trị Anh hùng.
Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt của quân ta với lính Mỹ - Ngụy

Thành cổ Quảng Trị, Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Đường 9… Mỗi khi nhắc lại những địa danh trên, chúng ta không thể quên được bởi đó là vùng đất mưa bom, bão đạn của cuộc chiến tranh tàn khốc. Mùa hè năm 1972, tại nơi đây khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã trút xuống mảnh đất này. Ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực máu và lửa, không một nhành cây, một cành ngọn cỏ nào có thể sống sót. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị như một bản lề quan trọng, góp phần mở ra con đường đi tới chiến thắng 30/4/1975.

Hơn 30 năm sau, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết một lòng, vượt qua bao gian nan và thử thách biến vùng đất lửa thành những cánh đồng nông nghiệp hữu cơ trù phú. Điều gì đã làm nên một Quảng Trị giàu truyền thống lịch sử, cách mạng của ngày hôm nay?

81 ngày đêm bất tử

Quảng Trị được mệnh danh là vùng đất “trấn biên” là “phên dậu”, là cửa ngõ vào Nam ra Bắc, là tiêu điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, ký ức còn đó là Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt năm 1972 giữa một bên là ta quyết giữ từng tấc đất, còn một bên là Mỹ - Ngụy dùng uy lực súng đạn phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại hòng chiếm giữ Thành Cổ bằng mọi giá.

Cột cờ cầu Hiền Lương

Chỉ trong 81 vòng ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Thành Cổ, chúng đã huy động tổng lực các sư đoàn tinh nhuệ với số bom đạn mà quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima Nhật Bản năm 1945. Quân và dân Thành Cổ đã chiến đấu dung cảm, ngoan cường từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972, tiêu diệt gọn cả 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng ống các loại.

Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống hiến trọn tuổi thanh xuân vì một Thành cổ muôn đời. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn thành những giọt phù sa bến bãi, thành cỏ cây, cất lên tiếng gió rì rào trong ánh nắng xuân đất nước.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần làm thay đổi cục diện trên các chiến trường Việt Nam hóa chiến tranh do Mỹ phát động. Đánh tan âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của địch hòng gây sức ép tại Hội nghị Pari. Sau 81 ngày giao tranh ác liệt giữa ta và địch, ta đã thắng.

Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hợp nhất lại thành tỉnh Bình Trị Thiên cùng nhau đồng tâm hợp lực khôi phục những đau thương mất mát do chiến tranh gây nên. Đến năm 1989, Bộ Chính trị ra quyết định số 86-QĐ/TW về chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh trở về như cũ.

Thời bấy giờ Quảng Trị được tái lập chỉ có 4 đơn vị hành chính cấp huyện đó là, thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), huyện Bến Hải thành 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và huyện Triệu Hải nay được phân chia thành thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng, đến cả huyện Hướng Hóa được cũng được phân chia ra thành 2 đơn vị đó là huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông.

Dấu mốc của sự chuyển mình sau cuộc chiến

Nguyên “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng, nay anh là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tâm sự: "Sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính, toàn tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên 459.200ha, tổng dân số 623.215 người. Và cũng từ đó, Đảng bộ và nhân dân luôn đồng lòng đoàn kết bên nhau mang vác hành trang bước vào giai đoạn phát triển mới, với khẩu hiệu “địch phá một - ta làm mười”".

Sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng lòng đoàn kết bên nhau mang vác hành trang bước vào giai đoạn phát triển mới, với khẩu hiệu “địch phá một - ta làm mười”" (Ảnh tư liệu)

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh thời bấy giờ, nhiệm vụ trọng tâm là phải đưa ra được những quyết sách, những chính sách sát sườn, phù hợp nhất để phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài.

Phải ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp, xem phát triển nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế hàng đầu, để tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân có tư liệu sản xuất, bắt tay xây dựng lại cơ đồ trên từng thửa ruộng, trên từng luống cày. Rà phá bom mìn, san lấp hố bom, xây đắp hồ đập chứa nước, kênh mương thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa, quy hoạch phân vùng canh tác thích hợp cho các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng.

Đồng thời phân rõ các vùng tiểu khí hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, định hướng một nền nông nghiệp sạch, trên tổng thể nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Cũng theo ông Hưng, sau 30 năm trăn trở đến nay Quảng Trị chúng tôi tự hào là tỉnh giàu về tiềm năng khai thác đánh bắt thủy hải sản biển và nuôi trồng thủy sản hàng năm đưa lại kinh tế cao.

Anh - Phan