08/11/2024 lúc 23:11 (GMT+7)
Breaking News

Quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập và hợp tác quốc tế

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng ta luôn được phát triển và hoàn thiện qua các thời kỳ cách mạng.
Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và tiến hành hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước xã hội chủ nghĩa, theo hướng sâu rộng cả về hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội. Chính sách hội nhập quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong bức thư gửi Liên Hợp quốc năm 1946: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
 b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc”.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội nhập quốc tế bao gồm một số nội dung chính như: Hội nhập quốc tế để giữ vững nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa sức mạnh dân tộc kết hợp với việc phát huy sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại; hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút ngoại lực, mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, dân tộc; hội nhập văn hóa quốc tế làm giàu cho văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của đất nước trong giao lưu quốc tế; Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước với tinh thần trách nhiệm cao.
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã hoạch định và từng bước bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối về hội nhập quốc tế và thực hiện hợp tác quốc tế với các nước và tổ chức quốc tế trên thế giới. Đại hội VI của Đảng đưa ra quan điểm: “Nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế trong chặng đường đầu tiên cũng như sự nghiệp phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa của nước ta tiến hành nhanh hay chậm, điều đó phụ thuộc một phần quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”.
Bước vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ở các Đông Âu, Đảng cộng sản mất vai trò lãnh đạo chính quyền, chế độ chính trị thay đổi. Trong bối cảnh đó, Đại hội VII của Đảng đưa ra quan điểm: “Đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ kinh tế với mọi quốc gia, mọi tổ chức kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Củng cố và tăng cường vị trí ở các thị trường quen thuộc và với các bạn hàng truyền thống, tích cực thâm nhập, tạo chỗ đứng ở các thị trường mới, phát triển các quan hệ mới”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới… Hợp tác nhiều mặt, song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau... Quan điểm này cho thấy Đảng ta đã nhận rõ mối quan hệ giữa hội nhập và phát triển. Hội nhập tạo tiền đề để phát triển, càng phát triển lại càng cần phải hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới do vậy cần phải chủ động hội nhập. Tư tưởng chỉ đạo này đã theo suốt trong các kỳ đại hội tiếp theo của Đảng.
Đặc biệt, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Văn kiện của Đại hội đã có những bước phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận về hội nhập quốc tế, nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn khi nhấn mạnh nội dung chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng. Đại hội XIII đặt ra yêu cầu về tính “toàn diện” và “sâu rộng”. Đó là, hội nhập quốc tế qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân, song phương và đa phương, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Không chỉ rộng mở về không gian, hội nhập quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, triển khai các cam kết quốc tế, trong đó thực hiện hiệu quả các cam kết sâu rộng của các FTA thế hệ mới, “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” vì lợi ích quốc gia- dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng cũng đã nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi... Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: “ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế” với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: “ Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế”. 

Thực tiễn 35 năm đổi mới cho thấy, việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký,… Việt Nam là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên (2019), cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc,…

Những thành tựu đối ngoại nói trên là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Th.S Dương Thị Vân Linh - GV Khoa Lý luận cơ sở

Trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh

...