27/04/2024 lúc 00:12 (GMT+7)
Breaking News

Phương pháp giảng dạy ngành Lưu trữ học theo hướng hiện đại

Sáng 01/7 tại Hà Nội, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần ngành Lưu trữ học theo hướng hiện đại”. Tham dự và chủ trì Tọa đàm có TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Trần Thị Loan, Trưởng khoa Văn thư - Lưu trữ đồng chủ trì.
TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Đến tham dự Tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học: PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TS. Hoàng Thanh Thúy, Trường Đại học sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Học viện Hành chính Quốc gia; TS.Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia III; ThS.Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I; ThS. Lê Thị Nguyệt Lưu, Giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng viên chức, giảng viên, học viên và sinh viên Khoa Văn thư – Lưu trữ tham dự.

TS.Trần Thị Loan, Trưởng khoa Văn thư – Lưu trữ trình bày báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học đang được coi là vấn đề cấp bách, thực hiện bước chuyển đổi từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học; đổi mới quá trình dạy, từ cách dạy truyền thống trước đây sang phương pháp dạy hiện đại phù hợp với thời đại 4.0 đồng thời kết hợp phương pháp truyền thống có chọn lọc bằng cách chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, phát huy tối đa tiềm năng của người học.

“Việc dạy học thời đại 4.0 không chỉ đóng khung trong giảng đường, lớp học, phòng thực hành, thí nghiệm mà còn cần mở rộng liên kết với bên ngoài với các doanh nghiệp, với thị trường lao động, vận dụng internet để liên kết với thế giới, tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin, giải quyết các vấn đề liên quan tới thực tiễn của cuộc sống đáp ứng trong việc truyền tải kiến thức của ngành Lưu trữ nói riêng và các ngành đào tạo hiện tại của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói chung tới người học, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cho sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng mềm và trình độ chuyên môn khi tốt nghiệp ra trường phục vụ cho nền công vụ và đáp ứng nhu cầu của xã hội” Phó Hiệu trưởng Lê Thanh Huyền nhấn mạnh.

PGS.TS. Hoàng Thanh Thúy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày chủ đề “Dạy học không theo lối mòn” đã thu hút nhiều sự quan tâm và mang lại giá trị, phương pháp mới hữu ích...

Theo chia sẻ của PGS.TS Hoàng Thanh Thúy về chủ đề "Dạy học không theo lối mòn" đã góp phần giúp giảng viên được tiếp cận phương pháp giáo dục Đại học theo hướng hiện đại phát triển kĩ năng cho người học phù hợp với xu thế hiện nay. Bài chia sẻ cũng đã hệ thống phương pháp thiết kế bài giảng hiện đại trong giảng dạy đại học giúp cho người dạy có hệ thống khoa học hơn.

PGS.TS.Vũ Thị Phụng, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổng Biên tập Tạp chí Lưu trữ và Thời đại số phát biểu tại Tọa đàm

Theo cô Vũ Thị Phụng theo góc nhìn của một người đồng hành với ngành Lưu trữ học từ lâu thì trong giảng dạy phải có năng khiếu sư phạm và có duyên với nghề, Khoa cần nghiên cứu để làm thế nào “người dạy dạy ít nhất – người học lại học có kết quả cao” nhưng phải phù hợp với từng thời điểm, hoàn cảnh và với mỗi bài giảng trên lớp.

Ngành Lưu trữ học và chuyên ngành Văn thư - Lưu trữ của khoa được lãnh đạo Nhà trường xác định là ngành học trọng điểm, mũi nhọn của Nhà trường với mục tiêu đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lưu trữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước. Qua đó, đòi hỏi phương pháp giảng dạy cần phải đổi mới, mạnh dạn sử dụng các công cụ như internet, giáo dục trực tuyến, sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu cho người học và thu thập lại kết quả của người học trong quá trình dạy học một cách linh hoạt và liên tục. Việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận để tận dụng hết những cơ hội mà công nghệ 4.0 mang lại là vấn đề cần phải quan tâm.

Các chuyên gia, khách mời tham dự Tọa đàm đã đóng góp ý kiến tham luận theo nhiều góc nhìn chuyên môn của ngành có tính cấp tính như: Xu hướng áp dụng phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại ở bậc đại học; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy bậc đại học; Kết hợp áp dụng các phương pháp để giảng dạy các môn chuyên ngành hiệu quả; Định hướng đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần ngành Lưu trữ học.

Các nhà quản lý, giảng viên của ngành Lưu trữ chia sẻ tại Tọa đàm.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III với góc nhìn của nhà quản lý thì cần phải đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, thực hành trực tiếp đối với sinh viên tại các cơ quan chuyên ngành của ngành trong đó có Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III luôn sẵn sàng tiếp nhận các đoàn kiến tập, thực tập, thực hành làm việc thực tế tại cơ quan; ngoài gia phòng Bảo quản, phòng Tu bổ phục chế, phòng Đọc… của Trung tâm luôn sẵn sàng tạo điều kiện để sinh viên của Khoa Văn thư – Lưu trữ cũng như sinh viên của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đến học tập thực tế tại đây.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và giảng viên của trường cần đổi mới để nắm bắt kịp xu thế công nghệ số hóa, ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo thì việc đổi mới phương pháp dạy và học rất cần thiết cụ thể: Xây dựng công cụ quản lý thông minh, kho tài liệu số, đẩy mạnh liên kết với đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài nước; Cải tiến chất lượng dạy và học, tăng cường thực hành thông qua nghe nhìn, xây dựng phòng văn thư ảo, các phòng kho lưu trữ ảo, mô phỏng công việc của một Văn thư cơ quan, một Lưu trữ cơ quan, mô tả công việc của chức danh Văn thư, Văn thư trung cấp, Văn thư chính, Lưu trữ viên trung cấp, Lưu trữ viên, Lưu trữ viên chính để giúp người học thật sự tiếp cận công việc thực tế; Phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm và nhận thức cho người học; Gia tăng động lực học tập của người học qua các hoạt động thực tế, nghe nhìn trực quan, thúc đẩy quá trình học tập độc lập; Trang bị cho người học cách tự kiểm soát quá trình học và khuyến khích dạy học theo dự án giúp người học tự tạo ra sản phẩm.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

Kết thúc Tọa đàm, TS. Trần Thị Loan, Trưởng khoa Văn thư – Lưu trữ đã gửi lời cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường đã đồng ý, tạo điều kiện để Khoa Văn thư – Lưu trữ tổ chức thành công tọa đàm ngày hôm nay. Qua đó, TS Trần Thị Loan cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, nhà khoa học… đã dành thời gian đến tham dự, đóng góp nhiều ý kiến tham luận bổ ích góp phần giúp cho đội ngũ Khoa Văn thư – Lưu trữ tham khảo, bổ sung và hoàn thiện chương trình giáo dục đào tạo trong tình hình mới hiện nay.

Trước sự thay đổi của xã hội và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ đòi hỏi mỗi giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học không chỉ đối với ngành Lưu trữ mà tất cả các ngành, chuyên ngành đang được Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đào tạo hệ đại học và sau đại học./.

Huy Thủy