27/11/2024 lúc 18:43 (GMT+7)
Breaking News

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững năm 2021

Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững (SDIS) và có phát biểu chính tại Phiên họp “Thúc đẩy lộ trình lương thực với vai trò dẫn dắt của các quốc gia”.

Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững (SDIS) và có phát biểu chính tại Phiên họp “Thúc đẩy lộ trình lương thực với vai trò dẫn dắt của các quốc gia”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong năm 2016

Hội nghị SDIS là sự kiện thường niên được tổ chức nhân dịp Khoá họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Hoa Kỳ với mục tiêu kết nối chương trình nghị sự của WEF và Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hợp tác công-tư nhằm hỗ trợ các nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Hiệp định Paris về khí hậu.

Hội nghị SDIS 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 20-23/9 với chủ đề “Định hình phục hồi công bằng, bao trùm và bền vững”. Hội nghị có sự tham dự của hơn 1000 đại biểu gồm nhiều lãnh đạo các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, các tập đoàn, doanh nghiệp và khối học giả. Với 96 phiên họp khác nhau, Hội nghị năm nay tập trung thảo luận về bốn lĩnh vực chính là: (i) Phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; (ii) Thúc đẩy phục hồi bao trùm; (iii) Tăng cường hành động vì khí hậu; (iv) Xây dựng các hệ thống lương thực của tương lai. Hội nghị lần này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Lương thực thực phẩm (UNFSS 2021) và Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) của Liên Hợp Quốc.

Trong phát biểu dẫn đề phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đang làm suy yếu hệ thống lương thực toàn cầu, các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi bền vững, nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống lương thực quốc gia trong điều kiện “bình thường mới”.

Phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực luôn là trụ đỡ quan trọng trong mỗi giai đoạn phát triển của Việt Nam. Với quan điểm đó, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, Việt Nam xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam coi trọng và cam kết thực hiện chuyển đổi, phát triển hệ thống lương thực-thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực đã nêu đậm một số biện pháp nhằm thúc đẩy lộ trình lương thực với vai trò dẫn dắt của các quốc gia. Thứ nhất, duy trì sự ổn định, thông suốt của các chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, hạn chế các rào cản không cần thiết đối với sản xuất và xuất khẩu, tăng cường kết nối chuỗi giá trị, thúc đẩy thương mại điện tử, cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, hậu cần, vận tải, kiểm soát chất lượng. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh mong muốn phối hợp với các bên trong hợp tác xuất khẩu nông-thủy sản, đưa Việt Nam trở thành giao điểm trong kết nối các chuỗi nông sản khu vực và thế giới.

Thứ hai, tập trung xanh hóa và số hóa ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực của châu Á và sẽ tiếp tục chủ động tham gia vào các sáng kiến về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy nền tảng hợp tác vì nông nghiệp bền vững, khuyến khích sự tham gia, hỗ trợ của các chủ thể, đặc biệt thông qua các dự án công-tư (PPP). Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao Chương trình đối tác công-tư cho nông nghiệp bền vững (Partnership for Sustainable Agriculture) trong Khuôn khổ WEF - cơ chế mà Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập và nhấn mạnh đây là một hình mẫu tốt trong thúc đẩy hợp tác nông nghiệp.

Thứ tư, cần tiếp tục ưu tiên kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp cận vaccine bình đẳng giữa các quốc gia và tăng cường hợp tác sản xuất vaccine và thuốc điều trị.

Trên cơ sở các định hướng trong phát biểu của Việt Nam, phiên họp đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác giữa chính phủ các nước với WEF trong chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ quá trình chuyển đổi và xây dựng hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị SDIS 2021 đã tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề chung toàn cầu cũng như góp phần củng cố quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với WEF, quảng bá hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, góp phần bảo đảm an ninh lượng thực toàn cầu.