21/12/2024 lúc 17:23 (GMT+7)
Breaking News

Phó Thống đốc: NHNN không siết tín dụng bất động sản, chứng khoán

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN chưa bao giờ đưa thông điệp siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán. Xuyên suốt quan điểm của đơn vị này là kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có một số phân khúc của bất động sản và chứng khoán.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị

Ngày 27/5/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.

Hội nghị nhằm quán triệt các nhiệm vụ, nội dung của Nghị định 31, Thông tư 03, hướng dẫn toàn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và tới từng địa phương nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Theo báo cáo của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.

Về dư nợ tín dụng, tính đến 20/5/2022, tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021; cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện các NHTM nhà nước, NHTM cổ phần và ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài đều đồng thuận rằng chương trình giảm lãi suất 2% là quan trọng và sẽ được các ngân hàng quyết liệt triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một vài khó khăn cũng được các ngân hàng đưa ra. Cụ thể, đại diện Agribank bày tỏ lo ngại sẽ xảy ra khiếu kiện nếu các quy định về đối tượng cho vay, điều kiện áp dụng giảm lãi suất không rõ ràng, chi tiết. Ngay cả khi mỗi ngân hàng có một cách hiểu, cách giải thích khác nhau cũng dẫn tới khách hàng có cách hiểu khác nhau, dẫn tới khiếu kiện.

Vì thế, Agribank đề nghị cần làm rõ 11 nhóm ngành được thụ hưởng là những đối tượng doanh nghiệp nào, điều kiện thế nào thì được hỗ trợ để khi áp dụng tránh sai sót, cũng như khiếu kiện và ngân hàng cũng sớm triển khai hoạt động cho vay.

Đại diện BIDV cho biết, khi hỗ trợ khách hàng 2% lãi suất, ngân hàng sẽ phải ứng trước phần lãi suất hỗ trợ cho khách hàng sau đó mới được hoàn lại. Như vậy, thực chất ngân hàng đã phải mất thêm chi phí cho hoạt động hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% sẽ làm cho nhu cầu tín dụng ngân hàng tăng nên. Vì thế, đơn vị này đề xuất NHNN xem xét nhanh chóng nới room tín dụng cho các ngân hàng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng đang xây dựng quy trình, rà soát đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất 2%. Theo tính toán, hiện có khoảng 30% quy mô tín dụng của VietinBank nằm trong nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi này. Vì thế, áp lực cho tăng trưởng tín dụng ngắn, trung, dài hạn của ngân hàng thời gian tới là rất lớn.

Đại diện Vietcombank chia sẻ từ đầu năm đến nay dù chưa có chương trình ưu đãi lãi suất thì tăng trưởng tín dụng 4 tháng của ngân hàng đã rất cao, lên tới hơn 9% so với cuối năm 2021. Ngân hàng ước lượng sẽ có khoảng 30.000 khách hàng được áp dụng quy định của Nghị định 31. Vì vậy, Vietcombank rất mong sớm được NHNN xem xét nới room tín dụng để đảm bảo cung ứng vốn ra nền kinh tế, cũng như thực hiện được yêu cầu của NHNN, Chính phủ.

Đại diện MB Bank nêu vướng mắc, hiện trong Nghị định 31 có quy định những đối tượng được thụ hưởng chương trình ưu đãi này không thuộc nhóm đối tượng đã nhận các ưu đãi khác từ ngân sách. Tuy nhiên, các NHTM không thể nắm được hết các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy, mong muốn có quy định yêu cầu khách hàng phải tự khai và tự chịu trách nhiệm về việc có hay không thuộc nhóm đối tượng được thụ hưởng theo quy định này.

Đại diện 2 NHTM 100% vốn nước ngoài là Shinhan và Standard Chartered đều tỏ ra đồng thuận với các ý kiến nêu trên và mong muốn được tham gia tích cực trong chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ theo Nghị định 31.

Không siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN là trách nhiệm của ngành ngân hàng và nếu không cẩn thận có thể có rủi ro. Tuy nhiên, đây là việc ngành Ngân hàng cần làm ngay.

"Từ nay tới cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng là trọng tâm, trách nhiệm khôi phục nền kinh tế của ngành Ngân hàng. Nhiệm vụ là làm sao vừa tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo các cân đối vĩ mô vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả tín dụng gắn với chính sách giảm 2% lãi suất. Và yếu tố tiên quyết là không hạ chuẩn cho vay", Phó Thống đốc nói.

Chia sẻ về một số quan điểm cho rằng, NHNN đang siết tín dụng bất động sản, Phó Thống đốc khẳng định: NHNN chưa bao giờ nói "siết chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán", quan điểm điều hành xuyên suốt của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát chặt chẽ tín dụng và lĩnh vực rủi ro, trong đó có một số phân khúc thuộc lĩnh vực bất động sản, chứng khoán mang tính đầu cơ, phân khúc cao như resort, nghỉ dưỡng, còn nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp - là những hàng hoá cần thiết thì vẫn khuyến khích và tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cảnh báo, có kiểm soát chặt nhưng cũng chỉ là ở một số NHTM cổ phần, từ nay tới cuối năm NHNN sẽ có đợt kiểm tra, rà soát hoạt động cho vay vào các lĩnh vực rủi ro ở một số NHTM cổ phần nhỏ.

Về việc thực hiện Nghị định 31 và Thông tư 03, Phó Thống đốc chia sẻ, bản thân NHNN cũng đang nằm ở thế khó, vì nền kinh tế vừa ổn định trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu trở nên sôi động. Cộng với chương trình giảm lãi suất 2%, dự kiến tín dụng sẽ tăng trưởng cao, NHNN có thể phải tăng room tín dụng cho các ngân hàng. Nhưng song song với đó vẫn phải kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, trong khi lạm phát tăng cao là hiện hữu. Đây là bài toán khó và NHNN đang làm việc tích cực để giải quyết.

Để thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM quán triệt 4 điểm:

Một là thực hiện trên tinh thần khẩn trương, tích cực, quyết liệt ngay từ hôm nay (Nghị định 31 có hiệu lực từ 20/5).

Thứ 2 là triển khai phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch, rõ ràng; tránh trục lợi, rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng. Nếu giám sát thấy sử dụng sai mục đích, ngân hàng phải thu lại được.

Thứ 3 là hoạt động tín dụng đảm bảo tổ chức hoạt động bình thường, cho vay đảm bảo hài hoà, hợp lý trên tinh thần cơ cấu lại các khoản vay.

Thứ 4 là cần tạo sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt doanh nghiệp được thụ hưởng. Đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội đến Nghị định của Chính phủ. Ngân hàng không được từ chối, trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Có hiện tương đối tượng được hưởng ưu đãi mà không cho vay, NHNN sẽ thanh tra, giám sát.

Châu Hiệp