Bác sĩ Lê Hoàn dưới tượng đài Alexandre Yersin, Trường Đại học Y Hà Nội.
Đến với nghề vì chữ “duyên”, thành công nhờ chữ “thầy”
Gia đình không có người làm ngành Y, nhưng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Lê Hoàn đã mong muốn được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Năm 2000, anh thi đỗ ngành Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, đặt những nền móng đầu tiên cho con đường sự nghiệp của mình. Để 10 năm sau đó, anh tốt nghiệp Bác sĩ nội trú và được Trường Đại học Y Hà Nội giữ lại làm giảng viên bộ môn Nội tổng hợp. Cũng từ đó, anh mang trong mình hai vai: thầy giáo và thầy thuốc.
Trong 1 thập niên tiếp theo, bác sĩ Lê Hoàn tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu. Anh tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên khoa chuyên sâu ngành Hô hấp tại Cộng hòa Pháp vào năm 2013. Sau đó, anh tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản, Australia. Tới năm 2020, anh hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội.
Bác sĩ Lê Hoàn tại Bệnh viện Royal North Shore, Sydney, Australia.
Đến với nghề Y vì một chữ duyên, bác sĩ Lê Hoàn luôn tâm niệm rằng những thành quả bước đầu mà bản thân anh đạt được với nghề, con đường anh đang đi, kế hoạch anh đang thực hiện đều nhờ học tập và noi gương những người thầy. “Không thầy đố mày làm nên. Vai trò của người thầy ở ngành nghề nào cũng quan trọng nhưng với ngành Y thì đặc biệt quan trọng. Với tôi, Giáo sư Ngô Quý Châu và Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu là hai người thầy đã định hình con đường sự nghiệp của tôi. Những người thầy lớn trong ngành luôn là tấm gương để tôi cùng các thế hệ học trò trân trọng và noi theo”, bác sĩ Lê Hoàn chia sẻ.
Tình yêu dành cho nghiên cứu khoa học
Ngay từ khi còn là sinh viên, bác sĩ Lê Hoàn đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Công trình khoa học đầu tiên mà anh công bố khi anh đang là sinh viên năm thứ ba. Anh từng tham gia và đạt giải cao trong Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường Đại học Y Dược Việt Nam, Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội, được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo. Nhiều công trình khoa học của anh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. 17 công bố quốc tế trong hơn 70 bài báo khoa học đã xuất bản của anh cũng là một điểm nhấn đáng chú ý trong hồ sơ xét duyệt danh hiệu Phó giáo sư năm nay.
Một ngày làm việc của bác sĩ Lê Hoàn là lịch trình dày kín của giảng dạy, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh. Anh nói, điều này không có gì đáng kể bởi bác sĩ nào cũng làm việc với cường độ cao như vậy. Sáng sớm đến bệnh viện, đi buồng thăm khám bệnh nhân, rồi họp hội đồng chuyên môn, giảng dạy lâm sàng, hỗ trợ tuyến dưới, hợp tác triển khai nghiên cứu khoa học, hướng dẫn hoàn thành luận văn cho sinh viên, học viên sau đại học, biên soạn các sách giáo trình, sách tham khảo làm tài liệu giảng dạy của nhà trường… Công việc nào cũng đòi hỏi một bác sĩ và một giảng viên phải dành nhiều tâm sức, trí lực và trách nhiệm cao nhất.
Trên cương vị là Trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh cùng với các đồng nghiệp đã xây dựng phương châm hoạt động của Khoa Hô hấp là “Trách nhiệm và Thấu cảm” như một phần trong thông điệp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: “Nơi Tri thức hội tụ cùng Y đức”. Anh tâm niệm, y đức phải được thể hiện ở thái độ, tinh thần trách nhiệm với công việc, hết lòng thương yêu, chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Hoàn đi buồng khám bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Ngoài công việc chuyên môn ở trường và bệnh viện, bác sĩ Lê Hoàn thường dành một phần trong quỹ thời gian ít ỏi của mình cho những chuyến thiện nguyện. Anh bày tỏ, mỗi chuyến đi tới vùng sâu vùng xa, nơi địa đầu tổ quốc giúp anh thấu hiểu những khó khăn của y tế cơ sở hiện nay và có thêm động lực học tập, nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng giúp anh học hỏi thêm nhiều điều về cuộc sống.
Bác sĩ Lê Hoàn khám bệnh thiện nguyện tại cộng đồng.
Chia sẻ về dự định, kế hoạch tương lai, bác sĩ Lê Hoàn cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào bệnh ung thư phổi. Nhiều năm công tác trong chuyên ngành Hô hấp, anh và các đồng nghiệp đã thấu cảm được những gánh nặng bệnh tật đối với người bệnh ung thư phổi. Chính vì vậy, các hướng nghiên cứu chính của anh hiện nay là tập trung vào căn bệnh này với mong muốn sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị tối ưu.