VNHN - Gần đây, nhiều người vẫn thường dùng khái niệm “Sống chung với lũ” để chỉ trạng thái thụ động, buộc phải chấp nhận những hạn chế của thói đời, của cơ chế.
Bởi lẽ, hiện có nhiều vấn đề từ một việc bất cập, nhiều việc bất cập rồi vấn nạn tham nhũng, quen dần và trở thành mãn tính, buộc người ta phải chấp nhận và lựa chọn theo cách đó. Cấp nào chưa biết, chứ bình dân thì cứ tranh thủ, chọn khe hở và tận dụng mọi cái có thể để sống. Bí quá, kẻ bần cùng buộc phải làm liều. Do đó, tệ nạn xã hội gia tăng ở mọi phương diện, đạo đức xã hội bị xuống cấp khá nghiêm trọng.
Nhưng lũ là hiện tượng tự nhiên mà ta coi là rủi ro bất khả kháng, còn các việc do con người điều phối thì đâu phải là bất khả kháng, mà buộc ta phải sống chung. Cái cốt của sự gia tăng xuống cấp đạo đức cũng như thói vô cảm chính là cơ chế mà theo đó làm cho ranh giới giàu nghèo ngày càng bộc lộ nhanh chóng. Các quyền lợi và nghĩa vụ hay nhu cầu hưởng thụ của người giàu trong sinh hoạt đã và đang buộc người thu nhu nhập thấp phải ráng theo. Ví dụ, hai khoản chi bắt buộc như chi phí khám chữa bệnh và đóng học cho con em bị túi tiền của người giàu điều phối, tạo dựng thói quen cho những người hành nghề và gây khó cho người nghèo.
Hai mươi năm qua, nhiều đạo luật được ban hành, nhiều kì sửa đổi theo hướng cởi mở, đan xen, chồng chéo, hối thúc khả năng phát triển và tinh thần thăng tiến cao, ít phổ cập, có thể nói không tương đồng với mặt bằng Kinh tế - Văn hóa… đã nảy sinh các quan hệ theo mảng và theo nhóm lợi ích, tranh thủ cơ chế, đầu mối kiếm việc theo cách xin - cho, cách gia tăng và bớt xén định mức, cái định mức vốn đã không hẳn đúng với thực tế. Ở một số lĩnh vực ngành nghề đặc biệt, ưu tiên phát triển, cơ chế áp dụng và chỉ tiêu, định mức ưu đãi lại là nhóm cơ quan, doanh nghiệp không sản xuất ra của cải vật chất. Có thể kể qua như ngành điện lực, ngân hàng, khai thác viễn thông, khai thác dầu khí và dịch vụ bất động sản… Đại đa số cán bộ ngành này được hưởng mức lương khá cao, có cán bộ tới vài ba trăm triệu đồng/ tháng. Tết đến, có người còn được hưởng nhiều hơn. Ấy là chưa kể đến việc có ngành còn được dôi dư đảm trách kinh phí cho cả đội bóng, có lúc hỗ trợ từ thiện hàng tỷ đồng…
Trong lĩnh vực kinh doanh xây dựng, nhất là đầu tư xây dựng phát triển nhà gắn liền với việc quy hoạch giao thông, đô thị đã và đang thể hiện chiến lược và xu hướng xã hội mới. Tuy nhiên, ta thấy quá rõ tốc độ gia tăng dân cư tại các thành phố lớn đang làm mất cân đối cung cầu và an toàn xã hội. Tại Hà Nội, số người về nhập cư mỗi năm tăng bằng dân số một huyện (khoảng 200.000 người). Mật độ dân số lên tới 3.490 người/km² - gấp 100 lần mật độ chuẩn. Số người thực sinh sống ở Hà Nội chắc chắn còn cao hơn nhiều. Các khu chung cư ở ngoại thành, chất lượng rất kém đang tiếp tục mọc lên và rao bán. Trước hết là các chung cư cao tầng, nằm sát hè đường. Người dân địa phương - thông thường vì có con em theo học, dự tính xin việc làm ở thành phố, bòn mót, vay nợ, trực tiếp hoặc qua người nhà, qua môi giới về mua nhà. Rồi hằng ngày họ cùng xuống đường, đông quá, khiến giao thông bị tắc nghẽn. Tới đây hàng loạt chung cư phía sau mọc lên, còn gấp bội lần, không hiểu nổi cục diện rồi sẽ ra sao. Nhà đầu tư thì đã “tiền trao - cháo múc”. Vì lợi nhuận, mỗi căn nhà trong chung cư đều để ngỏ một hai tầng dưới để cho thuê hay bán hàng. Như vậy một công ty đầu tư xây dựng làm chung cư ở nhiều nơi họ được sở hữu bao nhiêu nguồn lợi?.
Đất đã nhận phần, quây rào hàng trăm ngàn ha, hàng chục năm trời. Cỏ dại, sâu bọ ruồi muỗi sinh sôi, nảy nở khắp các đầu ô (trong khi dân ngoại thành, ngoại tỉnh, ngay cả anh chị em ruột cũng đã có không ít vụ tranh chấp nhau từng mét đất canh tác). Nhà thầu nhận làm cầu cống rồi bỏ bê, ngăn đường, quây đắp ép sát lối đi lại, mưa bụi, tắc nghẽn, bẩn tưởi, người người phóng xe tràn lên vỉa hè, chẳng ai ngăn được. Tai nạn giao thông xảy ra liên miên, thương vong nhiều như thời đánh giặc; nhiều ao hồ sạch rộng bị xâm lấn, đổ phế thải, bị quây chặt bằng tấm nhôm dài hàng km mỗi bề. Họ đã được cấp thẩm quyền cho phép, đêm đêm san lấp dần, hốt được hàng ngàn triệu đô la. Giá xăng lên nhanh, xuống chậm, đánh vào người đi xe. Người làm nông nghiệp phải trang trải mọi khoản quá sức, được mạch nước bơm độc tố cho lợn gà, tôm cá và rau quả lớn nhanh như thổi. Thịt ôi thành tươi. Qua chợ nào ai biết đâu là thực phẩm bẩn! Nạn ung thư hoành hành khắp nơi. Đôi khi người dân tự phát hiện, qua thông tin truyền thông, một số nhà chức trách, lãnh đạo cục, viện lên giải thích, khuyên bảo như hát hay - rất có lý, chỉ tại không biết mà cứ dùng. Mỗi việc làm như vậy, kẻ trục lợi đang xây cao thêm bức tường đặc lợi, tạo thêm sự cách biệt giữa giàu và nghèo. Sao gọi là “Sống chung với lũ” được.
Tiến nhanh, tiến vững chắc luôn là phương châm xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa của Đảng ta. Tiến nhanh, không phải là hối thúc bằng mọi cách? Không nên nói một chiều là “khát vọng đưa đất nước cất cánh” mà không tự lượng sức. Vay nợ nhiều không phải là thực giàu. Chính nó tác động đến xu hướng ứng xử, lối sống của thế hệ mới trở lên thô kệch, tâm lý được - thua hủy hoại các giá trị đạo đức phổ biến. Thiết nghĩ, Quốc hội khóa XIV của Nhà nước ta cần có biện pháp cân đối, đánh giá điều phối lại một số định mức theo hướng giảm dần áp lực, tạo điều kiện cho sự phát triển tự nhiên, lành mạnh để tạo ra cân bằng trong xã hội.