19/05/2024 lúc 16:28 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư Thái Bình: Tích cực đồng hành chuyển đổi số quốc gia

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, Thái Bình đã triển khai và hoàn thành các nhóm tiện ích một cách linh hoạt, sáng tạo, khẳng định yếu tố quyết định, bảo đảm sự thành công bước đầu của chuyển đổi số quốc gia.

Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong cả tư duy, nhận thức và hành động, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Công an tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong nội bộ cơ quan đơn vị, đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn với hình thức đa dạng, phong phú như: phát tờ rơi, phát trên sóng phát thanh, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Đề án 06 và định danh điện tử, treo pano, áp phích tại điểm công cộng. Báo Thái Bình đã đưa 408 tin, bài, hình ảnh về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình đã phát 48 chuyên mục "Chuyển đổi số", 161 phóng sự phát thanh và phóng sự truyền hình về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử và 3.410 tin hoạt động của các đơn vị, địa phương về Đề án 06.

Thái Bình xây dựng Cổng chính quyền điện tử trên zalo cung cấp thông tin phục vụ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh thực hiện rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành còn hiệu lực tính đến ngày 22/3/2022 thuộc lĩnh vực quản lý có quy định về thủ tục hành chính và liên quan đến định danh và xác thực điện tử; quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân hoặc xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID. Căn cứ kết quả rà soát của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, tính đến ngày 22/3/2022, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình không ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về thủ tục hành chính và liên quan đến định danh và xác thực điện tử; quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân hoặc xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNeID.

Về dịch vụ công, tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần là 1.561 thủ tục, trong đó: 979 thủ tục đang thực hiện ở mức toàn trình, 582 thủ tục đang thực hiện ở mức một phần. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 64,3%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 61,8%; Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 51,6%. Hiện nay, địa phương đã triển khai thực hiện cung cấp được 23/25 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó,14 thủ tục hành chính thực hiện ở mức độ toàn trình là: Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp 220/380V (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện). 09 thủ tục hành chính thực hiện ở mức độ một phần gồm: Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; Cấp phiếu lý lịch tư pháp; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thông tin và Truyền thông Thái Bình phối hợp với Công ty VNG tích hợp kênh thông tin trên ứng dụng zalo phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn làm điểm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã (hoàn thành trong tháng 01/2023); sau đó, đánh giá hiệu lực, hiệu quả và có phương án nhân rộng triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Về loại dịch vụ công, nhìn chung nhu cầu của người dân trong đăng ký và sử dụng 25 dịch vụ công đều cao, trong đó tập trung vào 11 dịch vụ công của lực lượng công an, 04 dịch vụ công của ngành tư pháp, 02 dịch vụ công của ngành điện lực. Một số thủ tục có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%: Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp 220/380V (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện); Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Một số thủ tục đạt tỷ lệ cao như: Thông báo lưu trú (99,33%); Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu (71,13%); Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD (59%).

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh có 295/295 cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện tra cứu CCCD gắn chíp; có khoảng 40 cơ sở đã sử dụng thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chíp để thay thế cho thẻ BHYT và có 187.993 người sử dụng thẻ CCCD đi khám chữa bệnh, trong đó tra cứu thành công là 116.949 trường hợp, đạt tỷ lệ 62%. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn thành việc cung cấp thiết bị đọc thẻ chíp đối với 295/295 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh trong quý I/2023.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư cũng luôn được Thái Bình quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Về hoàn thiện pháp lý phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư, hiện nay, Thái Bình đã hoàn thiện các hạng mục và hoàn thiện hồ sơ phục vụ kết nối chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định. Về hạ tầng, hệ thống đã được xây dựng tập trung, thống nhất trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trung tâm IOC đang được triển khai thử nghiệm do VNPT Thái Bình cung cấp đã được kết nối với các hệ thống thông tin có liên quan phục vụ công tác báo cáo, phân tích số liệu từ các hệ thống khác nhau như: Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Mạng văn phòng điện tử, hệ thống quản lý F0 tại nhà... và một số hệ thống khác phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Hệ thống đã thiết lập các nhóm chức năng báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19; kinh tế - xã hội; chuyển đổi số...

Thời gian tới, Thái Bình sẽ khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ các quy định liên quan đến xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng 07 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung, đẩy mạnh việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính; triển khai thực hiện hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06 và 28 dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc ứng dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh BHYT thay thế BHYT giấy; triển khai hiệu quả Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số, nhất là trong thanh toán viện phí, học phí, thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước; chỉ đạo triển khai sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM tại chi nhánh các ngân hàng đóng trên địa bàn, các tiện ích khác được tích hợp trên ứng dụng VneID. Công an tỉnh đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, CCCD phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu của các ngành và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp...

Hà Trần