Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội triển khai 3 năm qua đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh. Tiếp bước những thành công đạt được, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu, giải pháp cụ thể, quyết tâm đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực thành điểm nhấn, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh thu lớn tham gia chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội năm 2020. Trong ảnh: Sản xuất sứ vệ sinh tại Công ty TOTO Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh). Ảnh: Nhật Nam
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, trong năm 2020 đã có 26 sản phẩm của 19 doanh nghiệp được thành phố công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. 19 doanh nghiệp này có doanh thu ước khoảng 67.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm (2018-2020), thành phố Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố (bằng 146,25% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020). Doanh thu của 77 doanh nghiệp trong năm 2020 đạt gần 200.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD.
“Hầu hết doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đây là những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nền tảng, như công nghiệp vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, phần mềm”, ông Đàm Tiến Thắng thông tin.
Thực tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội phát triển. Nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh… Bởi vậy, đã có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn với doanh thu hàng trăm triệu USD/năm tham gia vào chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2020, như Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH TOTO, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam… Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam, thông qua chương trình, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ về đất đai, cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy đổi mới công nghệ. Ngoài ra, đây còn là một cuộc thi đua giữa các doanh nghiệp nhằm cố gắng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên giá trị của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của chương trình
Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse (Khu công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Viết Thành
Thống kê của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 7,7% - gấp 1,75 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2020 (quý I-2020 tăng 4,4%), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%. Điều đó cho thấy đóng góp quan trọng của sản xuất công nghiệp nói chung và sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng vào tăng trưởng chung trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chủ lực, công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Để khai thác hiệu quả những dư địa, thành phố Hà Nội cần có thêm nhiều hơn những cơ chế, chính sách hỗ trợ. "Riêng về công nghiệp chủ lực, các chính sách hỗ trợ của thành phố còn chưa rõ nét, trong khi các chương trình hỗ trợ của sở, ngành chủ yếu là lồng ghép, mà chưa có một chương trình riêng. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện tham gia phát triển sản phẩm", Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Hà Thị Vinh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất, vì vậy, rất mong thành phố thành lập thêm cụm công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vicostone Phạm Anh Tuấn thông tin, trong bối cảnh hội nhập, hàng Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng hàng ngoại nhập trà trộn, gian lận thương hiệu hàng Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND (ngày 11-3-2021) thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2021, với mục tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với 25-30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Đặc biệt, thành phố đề ra yêu cầu phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố; từ đó góp phần đưa giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tăng 10-12% so với năm 2020, đóng góp 35-40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu trên, thành phố Hà Nội đã xây dựng những giải pháp cụ thể, như xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài việc bình chọn, thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Thành phố giao Sở Công Thương Hà Nội làm cơ quan thường trực, chủ trì thực hiện kế hoạch; rà soát, xây dựng chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững...