Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang tạo ra những các tác động tiêu cực, nhưng bù lại, quá trình chuyển đổi năng lượng đã được đẩy nhanh. Đúng là giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến đã thúc đẩy nhu cầu lớn hơn đối với than đá, nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Tuy nhiên, điều này cũng đã khuyến khích người tiêu dùng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Quan trọng hơn, các cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy quá trình đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Năm ngoái, lần đầu tiên, chi tiêu vốn toàn cầu cho các dự án năng lượng Mặt Trời và gió đã vượt qua đầu tư vào các giếng dầu và mỏ khí đốt mới và hiện có. Các chính phủ Mỹ và châu Âu đang chi hàng tỷ đô la trợ cấp cho các công nghệ "sạch" trong thập kỷ tới. Trung Quốc cũng cung cấp các ưu đãi mạnh mẽ. Đây là một hệ quả đáng mừng khiến quá trình chuyển đổi xanh có thể đã được đẩy nhanh hơn từ 5 đến 10 năm.
Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, quá trình này vẫn có thể diễn ra với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn nữa nếu các nước có những động thái thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này. Vậy mà trên thực tế, mặc dù các chính phủ đã nới lỏng hầu bao, nhưng họ cũng bắt đầu giảm ưu đãi đầu tư. Việc tăng chúng trở lại là rất quan trọng, vì theo như tiến trình hiện tại, thế giới khó có thể đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, cột mốc để hạn chế mức tăng nhiệt độ vào năm 2100 lên 1,5°C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.
Những trở ngại về tình trạng quan liêu và tài chính
Một trong những vấn đề bất cập hiện nay là việc cấp giấy phép. Sự chậm trễ trong khâu này đã ngáng trở các công ty muốn đầu tư để bắt đầu triển khai dự án. Điều này từ lâu đã là một trở ngại đối với các dự án mới ở Mỹ và châu Âu. Đáng lo ngại hơn là ngay cả tại một số nơi sôi động cho đến nay cũng đang có những bước thụt lùi. Đan Mạch là một điển hình về phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Nhưng từ ngày 6/2, họ đã ngừng xử lý các dự án tương tự, sau khi nhận ra rằng nó có thể vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU). Các lợi ích của việc giảm thủ tục quan liêu là đáng để quan tâm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tổ chức được xem là đưa ra các dự báo chính thức, đánh giá rằng sản lượng năng lượng tái tạo sẽ tăng 25% vào năm 2027 nếu các trở ngại tài chính và quan liêu được dỡ bỏ.
Một vấn vấn đề khác, đó là giá trần và các loại thuế khác nhau, cũng như chi phí tăng đang là những rào cản khiến các nhà đầu tư cảm thấy nản lòng. Một số nhà cung cấp năng lượng tái tạo hiện đang xem xét lại các khoản đầu tư của họ, vì các dự án năng lượng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, những khó khăn về hậu cần, ảnh hưởng của giai đoạn sau phong tỏa và gián đoạn nguồn cung do chiến tranh đã đẩy giá mọi thứ lên cao, từ giá vận chuyển đến giá kim loại công nghiệp, từ giá mô-đun đến tua-bin năng lượng Mặt Trời. Lãi suất tăng khiến đồng tiền trở nên đắt đỏ hơn - một vấn đề làm đau đầu các nhà xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo, hiện đang đói vốn hơn nhiều so với các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Khi chính phủ ngăn chặn việc chuyển chi phí tăng vào giá bán
Những khoản tăng chi phí này sẽ có thể xử lý được nếu chúng có thể được chuyển vào giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chính phủ can thiệp vào thị trường điện để giữ giá thấp hoặc tăng các khoản thu đối với nhà cung cấp điện. EU đã áp đặt trần giá đối với các nhà sản xuất năng lượng tái tạo và nhiều nước châu Âu đã áp một loại thuế cao đối với lợi nhuận bất ngờ của các nhà sản xuất này. Trên khắp thế giới, các cuộc đấu giá hợp đồng năng lượng tái tạo được thiết kế để giữ điện ở mức giá thấp đến mức các nhà phát điện phải vật lộn để có lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc họ bán điện trên thị trường giao ngay, rủi ro hơn và kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Một số gói thầu khuyến khích các nhà bỏ thầu cạnh tranh về số tiền họ sẵn sàng trả để vận hành các dự án, một hệ thống được gọi là "đặt giá thầu tiêu cực". Điều này có thể khiến các nhà thầu bị tăng chi phí nhiều hơn nữa và hệ quả là lợi nhuận của họ bị siết chặt, thậm chí thua lỗ.
Bốn nhà sản xuất tua-bin lớn nhất phương Tây đang thua lỗ. Vào tháng Một, Orsted, nhà phát triển năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đã ghi nhận khoản phí phải trả là 365 triệu USD cho một dự án lớn của Mỹ. Vào ngày 8/2, chi nhánh năng lượng tái tạo của Equinor, gã khổng lồ năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Na Uy, đã báo cáo khoản lỗ ngày càng tăng trong quý IV/2022, mặc dù doanh thu tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong tuần đó, Duke Energy và Dominion Energy, hai công ty của Mỹ, cũng ghi nhận các khoản phí phải thanh toán lần lượt là 1,3 tỷ USD và 1,5 tỷ USD cho các phần trong danh mục đầu tư năng lượng gió và Mặt Trời của họ.
Dự án đình trệ - lỗi của các chính phủ?
Tình trạng này khiến việc triển khai của các dự án bị ách tắc. Từ châu Mỹ đến châu Á, các nhà phát triển năng lượng gió đang cố gắng sửa đổi hồ sơ dự thầu hoặc đàm phán lại các thỏa thuận tài chính, khiến việc xây dựng bị trì hoãn. Một số đang rút khỏi các cuộc đấu thầu lớn, khi coi các dự án là "không thể bán được". Tại châu Mỹ, nhiều dự án năng lượng Mặt Trời đang bị đình trệ và ở châu Âu, thỏa thuận mua lại điện ít hơn lượng điện được sản xuất ra.
Các chính phủ rất muốn giữ giá điện ở mức thấp hiện nay, nhưng đây có thể trở thành một chính sách kinh tế sai lầm khi mà chiến lược này làm giảm chi tiêu cho năng lượng tái tạo cần thiết cho ngày mai. Khi công suất năng lượng gió và Mặt Trời tăng lên, các nhà phát triển có thể phải đối mặt với việc tăng chi phí lớn hơn: Ví dụ như tình trạng thiếu đồng sẽ đẩy giá cáp và dây điện lên cao và tình trạng thiếu công nhân lành nghề cần thiết cho việc bảo trì và vận hành tua-bin sẽ dẫn đến yêu cầu tăng lương.
Tất cả những điều này có nghĩa là để giữ cho các khoản đầu tư hấp dẫn, năng lượng xanh sẽ phải được bán với giá cao hơn mong muốn của chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm của các chính phủ hiện nay là dù phải thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng cũng không thể chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Đây chính là những nghịch lý trong quá trình chuyển đổi năng lượng./.
Theo TTXVN tại Paris