Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp chế tạo đa quốc gia. Tuy nhiên cần có động lực thúc đẩy từ việc thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước và sự liên kết hợp tác sản xuất giữa các nhà cung cấp trong nước với các công ty đa quốc gia.
Quang cảnh Hội thảo
Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo” do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản (AJC) tổ chức chiều ngày 7/3 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực và thế giới. Trong đó ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Công nghiệp chế tạo cũng tạo được sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thể hiện ở vốn FDI vào công nghiệp chế tạo thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký trong thời gian qua.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các nước CLMV của Trung tâm AJC, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thực hiện Báo cáo nghiên cứu về chiến lược phát triển hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo.
Tại Hội thảo, tiến sĩ Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ đã trình bày dự thảo lần đầu Báo cáo nghiên cứu này, cho thấy kết quả khảo sát về hiện trạng liên kết sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia hiện nay.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực chủ yếu của công nghiệp chế tạo tại Việt Nam hiện nay như: công nghiệp sản xuất xe máy, sản xuất ô tô, công nghiệp điện tử... đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty lớn của thế giới đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất này vẫn nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện hoặc mua từ các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; tỷ lệ mua hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp Việt Nam mới chỉ chiếm phần nhỏ.
Khảo sát cũng cho thấy có một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc trở thành nhà cung cấp cho chuỗi giá trị của các công ty đa quốc gia, thông qua việc doanh nghiệp chủ động đầu tư, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng; thực hiện liên doanh, hợp tác đầu tư, mua lại doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp tách ra từ các doanh nghiệp FDI... “Có thể kể đến thành công của các công ty 4P, Thành Long (liên doanh với khách hàng); Thành Long, An Phú Việt (liên doanh sản xuất các công đoạn trong nhà máy); Manutronic (mua lại công ty FDI)... Tuy nhiên số lượng những nhà cung cấp như này rất hiếm hoi”, tiến sĩ Bình chia sẻ.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc liên kết với các công ty FDI chưa thành công có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố kém cạnh tranh về chi phí sản xuất và giá so với các nhà cung cấp nước ngoài; khó khăn về vốn đầu tư dẫn tới khó tăng quy mô sản xuất. Chưa kể, các nhà cung cấp Việt Nam phần lớn mới chỉ cung cấp được linh kiện rời, thiếu các công đoạn gia công để có cụm hoàn chỉnh vốn đòi hỏi sự đầu tư về vốn và công nghệ lớn hơn...
Từ kết quả khảo sát. Dự thảo Báo cáo nghiên cứu nêu ra những giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả mối liên kết này, từ đó phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh một số khuyến nghị chính sách như: Thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu; Ưu tiên, khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, R&D... Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam với các công ty FDI; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị...
Đóng góp với dự thảo Báo cáo, đại diện Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp này trong việc xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất với các nhà cung cấp Việt Nam. Tại đầu cầu Indonesia, đại diện Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lưc trong ngành công nghiệp chế tạo Indonesia cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc đầu tư đào tạo kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực theo mô hình của các công ty Nhật Bản đầu tư tại nước này...
Theo Ban Tổ chức, Dự thảo Báo cáo nghiên cứu sẽ tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn thiện. Đây cũng là bước khởi đầu cho kế hoạch mở rộng, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối thực tiễn trong khuôn khổ Chương trình liên kết các khối doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp.