29/03/2024 lúc 18:21 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động để phát triển kinh tế số và xã hội số. Phát triển kinh tế số, xã hội số giúp người dân giàu có, hạnh phúc hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các Chiến lược phát triển Quốc gia hiện nay.
Ảnh minh họa - Internet
Tình hình phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Sự bùng nổ và phổ biến của các công nghệ kỹ thuật số, như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ sinh học và công nghệ Nano,… đã mang lại nhiều cơ hội kết nối vào thị trường kinh tế số (KTS), cùng với đó là khả năng tiếp cận, chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và cùng hợp tác trong các dự án sản xuất.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và phát triển nền KTS, xã hội số (XHS), như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,…

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển KTS ở mức khá trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a), với hạ tầng viễn thông và CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Qua khảo sát người tiêu dùng cho thấy, khi các ngành công nghiệp chuyển đổi, người tiêu dùng Việt Nam đã, đang thích ứng nhanh chóng và chấp nhận các sản phẩm, dịch vụ mới của nền KTS. Điều này có lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển nền KTS của Việt Nam. Theo báo cáo “Nền KTS Đông Nam Á 2020”, tốc độ tăng trưởng KTS của Việt Nam luôn ở mức hai con số, dẫn đầu khu vực cùng với In-đô-nê-xi-a. Quy mô KTS tại Việt Nam từ 3 tỷ USD trong năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020, dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực, như: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ1.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra năm 2021, Việt Nam đạt kết quả tốt về kết nối, với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet, mặc dù tốc độ kết nối vẫn chưa bằng các quốc gia đi trước… Năm 2021, Việt Nam có 68,72 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số (theo số liệu từ Trung tâm internet Việt Nam). Tuy nhiên, chỉ có 22% người Việt Nam thực hiện hoặc nhận thanh toán điện tử vào năm 2017 và chỉ có 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 20192. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành, lĩnh vực CNTT và truyền thông (ICT). Tổng doanh thu của các DN ICT ước tính khoảng 126 tỷ USD, trong đó bao gồm cả đóng góp của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỉ trọng xuất khẩu ICT chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia. Xuất khẩu ICT Việt Nam hiện chiếm 3% tỉ trọng xuất khẩu ICT toàn cầu. Đây là những điểm sáng trong lĩnh vực ICT của Việt Nam3.

Có thể thấy, KTS đã mang lại rất nhiều ưu thế cho các công ty, tập đoàn lớn, như: tăng trưởng thương mại điện tử; thúc đẩy người dùng sử dụng internet và phát triển hệ thống hàng hóa và dịch vụ KTS,… Bên cạnh đó, phát triển KTS còn giúp bảo đảm tính minh bạch, góp phần phòng, chống tham nhũng thông qua các hoạt động trực tuyến, giúp kiểm soát nền kinh tế tốt hơn. KTS có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các DN vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Trong nền KTS, các doanh nghiệp buộc phải đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu tạo điều kiện để người dân có những năng lực thích ứng với XHS. Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó có Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập” trong điều kiện XHS. Công dân học tập trong XHS cần  phải được trang bị các kỹ năng số; biết sử dụng, điều khiển các thiết bị hiện đại, như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay…để có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi trên môi trường mạng. Việt Nam với gần 100 triệu dân và đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có 69% dân số trong tuổi lao động, đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước4. Số người dùng internet và điện thoại thông minh tiếp tục có xu hướng tăng nhanh, người dân có sự thích ứng nhanh với những thay đổi. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy phát triển XHS.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng internet băng rộng (gồm di động và cố định) của nước ta đã tăng hơn 40%. Tại thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 ở nhiều địa phương (tháng 8/2021), tăng trưởng lưu lượng internet băng rộng di động lên tới 95%. Cuối năm 2021, các nhà mạng có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,79 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,59% so với năm 2020). Số liệu từ Cục Viễn thông cũng cho thấy, đến tháng 10/2021, cả nước có gần 71 triệu người sử dụng internet (chiếm hơn 2/3 dân số)… trong năm 2020, tỷ lệ người dùng truy cập internet qua điện thoại di động lên tới 94% với thời lượng truy cập trung bình mỗi ngày khá cao5. Ngoài ra, người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào KTS thông qua việc bán hàng, mua sắm online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook…. Theo số liệu từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021, số lượng người mua tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã tăng nhanh từ 32,7 triệu người năm 2016 lên 49,3 triệu người năm 2020. Mua sắm trực tuyến đang dần trở thành một thói quen mua sắm của người dân Việt Nam6.

Việt Nam xây dựng mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số, XHS đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần; phát huy sự sáng tạo của người dân trong XHS, đồng thời bảo vệ người dân trước các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường số, XHS. Ngoài những mặt tích cực, XHS cũng đem đến nhiều mối nguy hại trong môi trường số, như: tội phạm công nghệ, lừa đảo trên không gian mạng, bảo mật quyền tiêng tư và dữ liệu thông tin cá nhân… Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ thế hệ Z (gen Z), được mệnh danh là những công dân của thời đại số đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các khía cạnh tiêu cực của phương tiện truyền thông xã hội7.

Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất, được lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính phủ số, KTS và XHS. Điểm đột phá là nghiên cứu ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn.

Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số hướng đến xây dựng chính phủ số, KTS và XHS. Điểm đột phá là nhanh chóng triển khai hạ tầng internet cáp quang băng thông rộng tốc độ cao tới từng hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi DN.

Thứ ba, phát triển nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến, được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng theo suốt cuộc đời khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Thứ tư, phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin mạnh mẽ để thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực tế lên môi trường số. Điểm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và DN.

Thứ năm, thực hiện biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật toàn diện để hình thành nên một XHS công bằng và khơi dậy tiềm năng, niềm tin của người dân trên không gian số.

Thứ sáu, xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển các DN công nghệ, ưu tiên phát triển các DN công nghệ số, DN công nghệ cao; đồng thời,  chuyển đổi các DN truyền thống thành DN số. Điểm đột phá là đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số DN dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái DN số trong các ngành và lĩnh vực.

Thứ bảy, chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh mạng không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở từng cơ quan, đơn vị các cấp và từng DN, nhất là đối với hệ thống tài chính – tiền tệ và các cơ quan chính phủ được triển khai số hóa.

Chú thích:
1. Kinh tế số là gì? Đặc điểm và vai trò của kinh tế số?. https://luatminhkhue.vn, ngày 25/4/2022.

2. Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam. https://baochinhphu.vn, ngày 28/4/2022.
3. Thực trạng và giải pháp phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn, ngày 29/4/2022.
4. Cơ cấu “dân số vàng”, nếu không tận dụng, sẽ lỡ thời cơ. https://moh.gov.vn,ngày 27/11/2020.
5, 6. Phát triển xã hội số – một trong những trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. http://consosukien.vn, ngày 28/4/2022.
7. Thế hệ Z. Bách khoa toàn thư mở Wipikedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thế_hệ_Z.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Luật Công nghệ thông tin năm 2006.

3. Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
4. Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị  về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
5. Quyết định số 749/QĐ-TTgngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
6. Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính  phủ ban hành phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
7. Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi tắt là Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia).
8. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hoàng Thị Hậu
Học viện Hành chính Quốc gia
...