23/11/2024 lúc 04:15 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới: Tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo cho các KCN

Đối với các KCN mới, nên xây dựng thành các KCN sinh thái ngay từ đầu trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.
Ảnh minh họa - TL

1. Các vấn đề hậu công nghiệp tại các tỉnh/thành Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển liên tục kể từ sau thời kỳ Đổi Mới. Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ gần 4 thập niên và đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp nhưng năng suất chất lượng và hiệu quả và đặc biệt là tính bền vững đang còn nhiều bất cập. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ và thương mại với các quốc gia trên Thế giới vào năm 1995 cho đến năm 2020 trung bình khoảng 6,3%, đời sống của người dân dần được cải thiện một cách rõ rệt khi mức thu nhập trung bình của người dân từ 273 USD/người vào năm 1995 lên hơn 2750 USD/người vào năm 2020 (World Bank, 2021). Tuy nhiên, song hành với tốc độ tăng trưởng nhanh là những bất ổn về mặt môi trường và xã hội và xét về dài hạn thì mô hình tăng trưởng đang tập trung tìm ra động lực mới.

Theo nghiên cứu của Tôn Nữ Trà Mi và cộng sự (2018), một số người dân mắc các bệnh nan y (6,7%) và một số bệnh lý khác như tai mũi họng (88,33%), hô hấp (66,7%), tiêu hóa (33,33%), ngoài da (66,7%), mắt (16,7%), phụ khoa (16,7%) khi người dân sống gần các khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn 2000 - 2015. Bên cạnh đó những vấn đề quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội của các KCN của các tỉnh/Thành có mật độ dân số cao và đô thị hóa cũng như dịch vụ hóa cao như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang ngày càng lộ rõ trong hai năm trải qua đại dịch Covid-19 dẫn đến các địa phương này đối diện nhiều rủi ro về dịch bệnh và sức khỏe người lao động. Mặc dù vậy, cho đến hiện nay gần 4 thập niên thu hút đầu tư FDI và phát triển công nghiệp, hầu hết tỉnh thành nào cũng có KCN và tỉ lệ lấp đầy vẫn là ưu tiên hàng đầu hơn là các ưu tiên chính sách về tiêu chí môi trường và xã hội.

Do vậy phát triển công nghiệp bằng các mô hình KCN truyền thống không còn phù hợp trong bối cảnh mới như chuyển đổi số, tiêu dùng bền vững và sức khỏe người lao động trở thành vốn quý của xã hội và chất lượng sống con người ngày càng được quan tâm bên cạnh sức ép tăng trưởng thu nhập.

2. Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn của Việt Nam về phát triển công nghiệp theo mô hình KCN-KCX     

Đúc kết các mô hình KCN-KCX trên thế giới đối chiếu với hiện trạng các KCN Việt Nam, theo nghiên cứu Hepza (2021), hiện nay, các KCX-KCN của Việt Nam thuộc mô hình hỗn hợp và đa ngành, và rất ít KCX-KCN có mô hình vườn ươm. Nếu có cũng chỉ mới xuất hiện trong 10 năm gần đây, do vậy năng lực đổi mới sáng tạo từ KCX-KCN của Việt Nam hiện nay là rất thấp và điều đó ảnh hưởng đến năng suất và tính bền vững về môi trường chung.

Mô hình phố công nghiệp Marshall trong bối cảnh Việt Nam khi đối chiếu với các KCX-KCN bao gồm khá nhiều doanh nghiệp nội địa nhỏ, nhưng tính liên kết trong và ngoài KCX-KCN còn rất hạn chế, năng lực hoạt động của các hiệp hội trong KCX-KCN còn yếu và thiếu liên kết, vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương trong các chính sách phát triển công nghiệp chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp tại các KCX-KCN vì các doanh nghiệp này là các nhà đầu tư thứ cấp dựa trên đầu tư ban đầu của nhà đầu tư sơ cấp về cơ sở hạ tầng chủ yếu là đất đai, do vậy các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận độc lập thiếu liên kết và hạn chế phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn là điều kiện ban đầu nhưng rất quan trọng của mô hình KCN sinh thái.

Mô hình thành phố công nghiệp phức hợp  khi đối chiếu với các KCX-KCN Việt Nam cũng có điểm tương đồng là bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và cả các doanh nghiệp nhỏ nội địa, nhưng có sự khác biệt là các KCX-KCN là sự kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa nhỏ với doanh nghiệp lớn và FDI còn hạn chế do đó việc thúc đẩy điều kiện ban đầu mô hình cộng sinh công nghiệp thì hầu như không có.

Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone - SEZ) quốc tế thì Việt Nam nói chung và Tp.Hồ Chí Minh nói riêng chỉ có KCX Tân Thuận với mục tiêu ban đầu là thu hút nguồn vốn FDI nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm, tạo tính lan tỏa về quản trị và công nghệ; nhưng cho đến nay, kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận cho thấy mặc dù đã thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, nhưng quá trình đổi mới công nghệ khá chậm chạp, và vai trò của KCX trở nên yếu đi khi có nhiều KCN mới hình thành và có nhiều nguồn vốn FDI khác tham gia tại các KCN khác, nên vai trò của các FDI và các doanh nghiệp hoạt động tại KCX Tân Thuận đang có tính cạnh tranh rất cao và đặc biệt quá trình đô thị hóa tại các phụ cận của KCX Tân Thuận đã tạo áp lực về cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng xã hội. Hạn chế lớn nhất của KCX đã hình thành tại Việt Nam là chậm đổi mới công nghệ và điều này dẫn đến tính bền vững công nghiệp trong bối cảnh mới sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi hay nâng cấp công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, đặc biệt các doanh nghiệp trong KCX đã có thời hạn hợp đồng kép dài thêm ít nhất 20 năm tính từ thời điểm hiện nay.

Xét về KCN sinh thái thì Việt Nam hiện chưa có KCN nào là KCN sinh thái thực sự. Nghị định 82 của Bộ Kế hoạch đầu tư về các tiêu chuẩn của KCN sinh thái theo tiếp cận của UNIDO vẫn còn rất khó thực hiện và chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy vậy, bài viết này đề xuất rằng đây là mô hình tương lai mà các KCX-KCN của Việt Nam phải từng bước chuyển đổi theo hướng cộng sinh công nghiệp tiệm cận dần với các tiêu chuẩn quan trọng của KCN sinh thái. Các tập đoàn lớn toàn cầu hiện nay rất chú trọng đến yếu tố công nghiệp bền vững khi dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á lân cận như Việt Nam, do đó mô hình KCN sinh thái mang tính tiêu biểu và xu hướng trong 10 năm tới và các năm sau nữa khi các tập đoàn lớn định hướng sản xuất bền vững cho các sản phẩm của họ. Đồng thời, với vị thế siêu đô thị như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành khác của Việt Nam, đất đai là tài nguyên khan hiếm, nên muốn duy trì yếu tố công nghiệp trong tương lai thì mô hình KCN sinh thái trong 10-20 năm tới phải là mô hình theo đuổi kiểu mẫu do các địa phương này tốc độ đô thị hóa cao, dân số tập trung đông, kinh tế dịch vụ đang chiếm ưu thế chứ không phải phát triển công nghiệp truyền thống thâm dụng các yếu tố đầu vào.

Mô hình Phố sáng tạo (Innovation District) là một mô hình thích hợp các tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa lớn của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Theo đó, các KCN Việt Nam chuyển dần từ thâm dụng lao động/đất đai/nguyên liệu đầu vào đang dần mất ưu thế và không còn phù hợp với xu thế mới, sang các KCN bao gồm các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, có thể tận dụng thành quả tri thức mà các siêu đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao đang sở hữu, cùng với rất nhiều tiềm năng về nguồn nhân lực khoa học công nghệ cũng như hệ thống viện nghiên cứu và trường đại học. Mô hình Phố sáng tạo này không tập trung một KCN cụ thể nào, mà mục tiêu của nó là quy hoạch một khu vực thuộc các siêu đô thị với mục đích thu hút tài năng và các doanh nghiệp có yếu tố ICT, gắn phát triển công nghiệp với tri thức, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giúp hình thành nguồn lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Xét theo tiến trình phát triển công nghiệp với GDP bình quân đầu người thì các siêu đô thị hoặc các tỉnh thành có tốc độ đô thị hóa nhanh và dịch vụ hóa cao thì các địa phương này đã đi vào giai đoạn hậu công nghiệp nhưng chất lượng và tính bền vững công nghiệp chưa hình thành rõ nét. Các KCN của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức là chuyển dần từ việc sản xuất tận dụng các yếu tố đầu vào (như: vốn, lao động, tài nguyên) về mặt số lượng sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào vì GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay là 2.700 USD/người. Tuy nhiên, các KCX-KCN các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao đã chuyển sang giai đoạn 2 (giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào), bằng chứng thu nhập bình quân đầu người tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao dao động trung bình 5.000-6.000 USD/người, và vai trò động lực góp phần tăng trưởng từ yếu tố đầu vào và hiệu quả chiếm 90%, trong đó yếu tố đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng địa phương chỉ mới đạt 10%. Nói cách khác, các KCX-KCN các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao đã bước sang giai đoạn hậu công nghiệp, có nghĩa là đã đạt được ngưỡng cao của giai đoạn 2 là giai đoạn hiệu quả các yếu tố đầu vào, và bước đầu chuyển tiếp sang giai đoạn 3 là giai đoạn đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp trong các KCX-KCN của Việt Nam nếu không đổi mới công nghệ, cũng như các KCX-KCN không đầu tư phát triển các yếu tố bền vững về cơ sở hạ tầng xã hội trong KCN. Hệ quả có thể là giai đoạn 3 sẽ chuyển đổi chậm và thời gian hậu công nghiệp kéo dài, dẫn đến sự kém hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, và đặc biệt là không tạo ra động lực tăng trưởng mới từ phát triển công nghiệp cho các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao trong 10 - 20 năm tới.

3. Đúc kết các mô hình KCN thích hợp Việt Nam trong bối cảnh mới

Đúc kết 1: Mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp của các KCX-KCN Việt Nam là mô hình KCN sinh thái với các biến thể kết hợp liên quan đến đô thị/thương mại/dịch vụ. Tất cả các KCX-KCN hiện hữu tại Việt Nam phải có lộ trình từng bước tiệm cận với KCN sinh thái, vì đó là xu hướng tất yếu trên thế giới về phía cung và về phía cầu. KCN sinh thái phù hợp với bối cảnh chuyển dịch cơ cấu từ công nghiệp sang dịch vụ, phù hợp với trình độ thu nhập bình quân đầu người trên 5.000 USD của các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao hiện nay, phù hợp với xu thế tất yếu phải chuyển sang động lực đổi mới sáng tạo, và đồng thời phù hợp với đề xuất của UNIDO theo dự án xây dựng KCN sinh thái cho Việt Nam.

Kinh nghiệm thế giới chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã diễn ra tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ai Cập, Trung Quốc (Tian & các cộng sự, 2014). Ngoài ra, chuyển đổi các KCX-KCN, cũng như các khu kinh tế thành KCN, KCX hay KCN sinh thái là một trong các khuyến nghị quan trọng của UNIDO đối với Việt Nam (UNIDO, 2015). Khoảng từ năm 2013-2015, với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (Global Environment Facility), Cơ quan phát triển Thụy Sỹ (Swiss Development Agency), UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã triển khai chuyển đổi thí điểm 3 KCN ở 3 địa phương: KCN Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (tỉnh Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (thành phố Cần Thơ).

Đúc kết 2: Trong các mô hình KCN hiện hữu cần xây dựng một hệ sinh thái phát triển công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, học hỏi mô hình Phố sáng tạo theo hướng kết nối các tiềm năng từ các KCN cao, các KCN lân cận với các viện nghiên cứu và hệ thống các trường đại học thuộc các địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao và dịch vụ hóa nhanh, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển từ công nghiệp các địa phương này theo hướng đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi nhanh chóng giai đoạn hậu công nghiệp của sang giai đoạn 3 của hệ thống KCX-KCN dựa trên động lực đổi mới sáng tạo là chủ đạo. Thực tiễn, khuyến nghị thứ hai của UNIDO (2015) đối với Việt Nam là thành lập các phố đổi mới sáng tạo (innovation districts) ở các thành phố lớn nhằm thúc đẩy các thành phố lớn chuyển đổi sang giai đoạn phát triển cao hơn của phát triển công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số.

Đúc kết 3: KCX-KCN hiện hữu của Việt Nam phải từng bước tích hợp các yếu tố tích cực từ các mô hình KCN trên thế giới, vì các mô hình KCX-KCN của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao hiện hữu là các KCN hỗn hợp đa ngành. Trong quá trình chuyển đổi hậu công nghiệp, nếu các địa phương này muốn tiếp tục duy trì KCN hiện hữu thì phải bổ sung các yếu tố tích cực từ các mô hình KCN được lược khảo trong nghiên cứu này bao gồm:

  • Bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp trong KCN, kết nối chuỗi cung ứng trong/ngoài khu vực và quốc tế.
  • Bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi quá trình sản xuất theo hướng đổi mới sáng tạo gắn với quá trình chuyển đổi số và các yếu tố ICT.
  • Bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp và các nhà phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm phát triển từng bước cộng sinh công nghiệp, giảm chi phí sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.
  • Bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội bên trong KCX-KCN và kết nối hạ tầng xã hội ngoài KCX-KCN, đảm bảo từng bước tiệm cận các yêu cầu về mảng xanh và hạ tầng xã hội của mô hình KCN sinh thái.

4. Kết quả triển khai thí điểm khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2019

Tại Việt Nam, Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững” (Dự án) do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2015 – 2019 đã nhằm thí điểm chuyển đổi  4 KCN tại Việt Nam (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, Ninh Bình; KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2, Cần Thơ)  sang mô hình KCN sinh thái. Theo đó, ba phương pháp được đưa ra để xác định các cơ hội hỗ trợ quá trình chuyển đổi này bao gồm: Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp (IS) và nghiên cứu các giải pháp ở cấp độ KCN nhằm góp phần  phổ biến phương thức sản xuất sạch hơn và phát thải ít cácbon, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất gây ô nhiễm nước và đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Kết quả tại 04 KCN thí điểm trên 72 doanh nghiệp (Bảng 1) thực hiện trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm; 18 mạng lưới cộng sinh đã được nghiên cứu điều tra và đề xuất thực hiện. Kết quả bước đầu của việc chuyển đổi KCN sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, huy động được nguồn lực lớn từ khu vực kinh tế tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2019).

Trên cơ sở các kết quả triển khai thí điểm KCN sinh thái giai đoạn 2014-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2020 quy định về quản lý KCN, khu kinh tế, theo đó, quy định cụ thể về khái niệm, mục tiêu phát triển, chính sách khuyến khích, tiêu chí xác định, ưu đãi cho KCN sinh thái và trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái. Ngày 28 tháng 5 năm 2022 Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, khu kinh tế, thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP.

Hộp 1: Trường hợp KCN Nam Cầu Kiền

KCN Nam Cầu Kiều được thành lập vào năm 2008 tại Hải Phỏng. Không chỉ sở hữu vị trí thuận lợi khi tọa lạc ngay một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam cùng với cơ sở hạ tầng hoàn thiện với hệ thống giao thông, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng liên kết với các tỉnh lân cận nhanh chóng và thuận tiện. Với diện tích 263 ha (lấp đầy 100%) và công tác bảo vệ, xây dựng tiện ích môi trường được ưu tiên hàng đầu đã giúp KCN Nam Cầu Kiền thu hút được 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Không những thế, Nam Cầu Kiều còn là đơn vị tiên phong từng bước xây dựng mô hình tiệm cận KCN sinh thái như Ecotown tại Nhật Bản.

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (Hình 1), chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã đi đầu trong việc thể hiện tư tưởng bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế cần phải được hình thanh trong tập quán sản xuất của từng Nhà đầu tư trong KCN. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền cũng nhận thức được tầm quan trọng cũng như đưa vào chiến lược kinh doanh về bảo vệ môi trường nhằm phát triển một cách bền vững trong tương lai.

 

 

Hình 1: Mô hình kinh tế tuần hoàn của KCN Nam Cầu Kiền

Nguồn: Tác giả tổng hợp

KCN Nam Cầu Kiền cũng đi đầu trong việc hình thành cơ chế giám sát quản lý môi trường. Các cán bộ, chuyên gia đều sang Nhật học tập công nghệ môi trường và các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm đảm bảo việc thực thi giám sát đạt hiệu quả tối đa.

Hình 2: Cơ chế giám sát trong quản lý môi trường tại KCN Nam Cầu Kiền

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Lấy ý tưởng từ không gian trưng bày triển lãm của Bảo tàng Môi trường Eco Town, Nhật Bản đơn vị kết nghĩa với KCN Nam Cầu Kiền, không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, đội ngũ Nam Cầu Kiền hướng tới mục tiêu tuyên truyền giáo dục môi trường và hướng nghiệp ngay tại KCN. Với mục đích mang đến 1 không gian giáo dục đào tạo cho các đoàn học sinh thăm quan, học tập về lĩnh vực môi trường, trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất các doanh nghiệp trong KCN.

 

5. Các rào cản phát triển bền vững hậu công nghiệp: trường hợp KCN Tp.HCM

Tp.HCM là địa phương đi tiên phong trong quá trình phát triển công nghiệp từ thập niên 80 bằng các loại hình KCN-KCX. Sau gần 4 thập niên, Tp.HCM đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước trong 19 KCN-KCX tạo việc làm và thu nhập cho người dân và đóng góp vào ngân sách Việt Nam với tỷ trọng cao. Tuy nhiên, hiện nay các KCN-KCX Tp.HCM đang gặp một số rào cản trong giai đoạn hậu công nghiệp, ảnh hưởng đến tính bền vững phát triển công nghiệp và hiệu quả tăng trưởng dài hạn của địa phương.  

Hạ tầng giao thông chưa theo kịp quy mô và tốc độ phát triển kinh tế: Đây là điểm hạn chế lớn nhất và luôn được các doanh nghiệp đề cập và dẫn đến chi phí cao giảm năng lực cạnh tranh, đồng thời thiếu nguồn lực tái đầu tư nâng cấp công nghệ.

Giá thuê đất cao: Giá thuê đất tại các KCN cao hơn các tỉnh khác và có xu hướng tăng nhanh (Bảng 2). Nhà xưởng cao tầng chưa được ủng hộ của các doanh nghiệp quy mô lớn vì máy móc sản xuất có trọng lượng khá nặng.

 

Chi phí lao động cao nhưng lại tập trung phân khúc lao động ít kỹ năng: Chi phí lao động tại KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với các tỉnh lân cận, chẳng hạn như: năm 2019, đối với ngành dệt may, da giày, thu nhập bình quân tại KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh là 10,812 triệu đồng/tháng, gấp 1,2 lần Đồng Nai và 1,27 lần Long An; đối với ngành điện điện tử là 15,28 triệu đồng/tháng, gấp 1,51 lần Đồng Nai và 1,46 lần Long An; đối với ngành cơ khí, thu nhập bình quân là 13,79 triệu đồng/tháng, gấp 1,23 lần Đồng Nai và 1,45 lần Long An; đối với ngành thực phẩm, thu nhập bình quân là 19,86 triệu đồng/tháng, gấp 1,7 lần Đồng Nai và 2,34 lần Long An (Bảng 3).

Nguồn điện cung cấp chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều máy móc, doanh nghiệp có công nghệ caoVới các doanh nghiệp này, chỉ cần nguồn điện bị chập chờn, không ổn định một vài giây là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyển sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Cơ sở hạ tầng xã hội và đô thị chưa đồng bộ như trung tâm thương mại, nhà trẻ bên trong hoặc lân cận KCX-KCN dẫn đến các bất cập về nguồn nhân lực, sức khỏe, môi trường và hiệu quả kết nối doanh nghiệp bên trong và ngoài KCN.Các đặc điểm ngoài KCN hiện nay (Hình 4), đòi hỏi quan trọng nhất của doanh nghiệp liên quan đến nguồn nhân lực, cụ thể là khu lưu trú cho người lao động (chiếm tỷ lệ 94%), và lao động trình độ cao (chiếm tỷ lệ 70%) trên địa bàn. Ngoài ra, với các đặc điểm bên trong KCN, kỳ vọng của doanh nghiệp chủ yếu tập trung (Hình 5) ở các khía cạnh như cơ sở hạ tầng, đất đai, dịch vụ hỗ trợ, vấn đề bảo vệ môi trường, nhà xưởng, mạng lưới nhà cung cấp nguyên vật liệu và khách hàng. Về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp mong muốn chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất - kinh doanh và đời sống người lao động trong KCX-KCN được cải thiện (chiếm tỷ lệ lần lượt là 83% và 63%). Về đất đai, doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều hỗ trợ/ưu đãi về đơn giá thuê đất và các chi phí khác (78%), được thông báo về lộ trinh mở rộng diện tích đất có sẵn trong KCX-KCN (66%) và thời hạn thuê đất (64%). Về dịch vụ hỗ trợ, doanh nghiệp mong muốn có nhà cung cấp dịch vụ nằm trong KCX-KCN (45%), có hiệp hội doanh nghiệp trong KCX-KCN (36%). Về vấn đề bảo vệ môi trường, doanh nghiệp mong muốn KCX-KCN cần có chính sách bảo vệ môi trường trong KCX-KCN (55%).

6. Rào cản trong quá trình chuyển đổi thí điểm mô hình KCN sinh thái:

Công tác thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái trong giai đoạn 2015 – 2019 cho thấy có một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, nhận thức và kỹ năng để thưc hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn: Thưc hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cho sự phát triển của KCN sinh thái và cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở KCN tại Việt Nam đều thiếu các nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc nhân viên kỹ thuật trong áp dụng các giải pháp này. Nhận thức về việc phải áp dụng liên tục các giải pháp RECP trong quá trình sản xuất cũng cần phải được các nhà quản lý doanh nghiệp nâng cao hơn nữa.

Thứ hai, khó khăn trong thực hiện cộng sinh công nghiệp: Thực hiện cộng sinh công nghiệp là một trong những tiêu chí bắt buộc để được công nhận là KCN sinh thái. Vì vậy tăng cường tái sử dụng các chất thải giữa các doanh nghiệp cần được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu một chính sách toàn diện về quản lý chất thải trong đó quy định cụ thể về việc loại chất thải được phép tái sử dụng và hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng đó giữa các doanh nghiệp trong KCN. Điều quan trọng hơn, hầu hết các KCN hiện hữu các doanh nghiệp đều hoạt động gần như độc lập, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng không lên được kịch bản tổng quát quy hoạch hệ sinh thái các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế tuần hoàn, và bộ phận quản lý nhà nước chủ yếu chỉ tập trung vào quản lý hành chính, có nghĩa là hình thành hay chuyển đổi KCN sinh thái tại Việt Nam cực kỳ khó khăn và thực sự chưa có tính hệ thống hoặc chưa hình thành hệ sinh thái rõ ràng kết nối các doanh nghiệp trong KCN và ngoài KCN trong quá trình xử lý chất thải và các phế liệu với mục đích trở thành đầu vào của các doanh nghiệp khác.

Thứ ba, thiếu nguồn tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ: rào cản về tài chính là một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái. Việc cải tiến các quy trình sản xuất ở nhiều doanh nghiệp thông qua thực hiện các giải pháp RECP và các khoản đầu tư nhỏ đã mang lại nhiều cơ hội lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp không thể thực hiện được quá trình đó vì các khoản đầu tư cần thiết vượt quá khả năng của họ. Việc hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết đối với việc thực hiện các mục tiêu tạo lợi ích về môi trường và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái.

Thứ tư, nguồn nhân lực để áp dụng các công nghệ mới: Đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ mới tiếp tục là chìa khóa trong quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái. Khi quá trình chuyển đổi thực hiện và các muc tiêu cao hơn được đặt ra, cần thiết phải có sự đầu tư vào nguồn nhân lực để có thể thực hiện và áp dụng các công nghệ hiện đại.

7. Thảo luận, khuyến nghị và giải pháp phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, Việt Nam lại là một trong những nước chịu rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi các KCN hiện tại sang mô hình sản xuất bền vững hơn, từ phát triển nhờ tài nguyên sang phát triển dựa vào hiệu quả sản xuất và tiến tới lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng là điều rất cần thiết cho phát triển công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới với các xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi số gắn với thay đổi mô hình sản xuất và kinh doanh.

Bằng chứng của UNIDO với các mô hình thử nghiệm đã và đang triển khai tại Việt Nam trong những năm qua, kèm theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các KCN sinh thái có thể là mô hình thúc đẩy phát triển bền vững hơn. Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ KCN sinh thái là đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường. Lợi ích kinh tế được tạo ra từ KCN sinh thái bao gồm tạo việc làm thông qua áp dụng các giải pháp sinh thái và hợp tác công nghiệp, giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp do các doanh nghiệp tại KCN được thiết kế và quản lý tốt có thể tận dụng được hiệu quả tài nguyên, giảm chất thải, gia tăng giá trị và giảm thiểu rủi ro, cũng như tận dụng các dịch vụ sẵn có, do đó, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Bằng chứng và xu hướng dài hạn cho thấy KCN sinh thái có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở phân khúc giá trị gia tăng cao và có tính bền vững hơn. Lợi ích môi trường của KCN sinh thái đạt được thông qua giảm ô nhiễm và phát thải Khí nhà Kính từ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên (nguyên liệu, nước, năng lượng) và giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, từ đó góp phần bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương. Đồng thời, công tác quản lý hóa chất và chất nguy hại trong KCN sinh thái được cải thiện giúp tăng lợi ích môi trường và đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Lợi ích xã hội từ KCN sinh thái bao gồm tăng việc làm có chất lượng tại địa phương thông qua cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cho cộng đồng xung quanh thông qua các cơ sở hạ tầng xã hội như trung tâm đào tạo nghề giúp phát triển kỹ năng và cung cấp thêm dịch vụ cho cộng đồng, cải thiện bình đẳng giới.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái đang có nhiều thuận lợi do có nhiều chính sách hỗ trợ. Đầu tiên phải kể đến là các chính sách về KCN sinh thái đã ra đời và đang dần được hoàn thiện như:

- Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2020 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã đưa ra các tiêu chí xác định cho KCN sinh thái, sau đó được thay thế bởi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

- Kế hoạch Hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 cũng đã đặt ra mục tiêu: “ .... thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế.. ”. Việc xây dựng, áp dụng, phổ biến các mô hình cộng sinh công nghiệp, mô hình KCN sinh thái cũng là được đề cập trong nhiệm vụ chủ yếu của Quyết định này.

Đồng thời, sự phát triển KCN sinh thái đem lại những lợi ích đáng kể về môi trường, kinh tế và xã hội đối với KCN và cộng đồng xung quanh nên sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi khi thực hiện chuyến đổi KCN sang hoặc xây dựng mới KCN sinh thái.

Thông qua các Nghiên cứu và hỗ trợ chuyển đổi KCN sinh thái ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển các khuyến nghị đối với việc phát triển mô hình KCN sinh thái:

Thứ nhất, cần có hướng dẫn và định nghĩa về KCN sinh thái và cụ thể hóa khung quốc tế về KCN sinh thái: Sự phát triển KCN sinh thái có giá trị đối với các nước đang phát triển do mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như cơ sở hạ tầng địa phương. Tuy nhiên ở các nước đang phát triển cần có hướng dẫn và đinh nghĩa rõ ràng về KCN sinh thái để các bên hiểu đúng về các yếu tố cấu thành KCN sinh thái cũng như các định hướng phát triển và chuyển đổi KCN sinh thái. Ngay cả khi KCN áp dụng cộng sinh công nghiệp và có các chính sách thân thiện môi trường thì các doanh nghiệp khác trong khu vẫn có thể gây ô nhiễm nặng. Vì vậy cần phải xem xét bức tranh tổng thể của KCN. Khung quốc tế về KCN sinh thái đưa ra cơ sở để xác định và thiết lập các yêu cầu tiên quyết và yêu cầu nâng cao đối với các KCN chuyển đổi theo hướng KCN sinh thái. Các yêu cầu tiên quyết và nâng cao đều được thể hiện ở 4 hạng mục đó là: kết quả hoạt động quản lý KCN, kết quả hoạt động về môi trường, kết quả hoạt động về xã hội, và kết quả hoạt động về kinh tế. Ở mức cơ sở, KCN sinh thái phải tuân thủ tất cả các quy định pháp luật quốc gia cũng như địa phương hiện hành. Cho đến nay, Khung quốc tế về KCN sinh thái phiên bản thứ 2 được xuất bản vào tháng 1 năm 2021 với mục đích tăng tính áp dụng các tiêu chí về KCN sinh thái. Dựa trên Khung này, các KCN sinh thái tham gia chương trình do UNIDO hỗ trợ được đánh giá hiện trạng để xây dựng các giải pháp hỗ trợ các KCN chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. So với Khung quốc tế về KCN sinh thái phiên bản 2, các tiêu chí về KCN sinh thái được qui định trong Nghị định 82/2018/ND-CP ngày 22/5/2018 và nay là Nghị định 35/2022/NĐ-CP  phù hợp với yêu cầu cơ bản của Khung này. Đồng thời so sánh các văn bản hiện hành tại Việt Nam cũng cho thấy cơ sở pháp lý để thực hiện những yêu cầu nâng cao của các KCN sinh thái theo Khung quốc tế, điều quan trọng đó là việc xây dựng một lộ trình phù hợp đối với các KCN hiện nay tại Việt Nam.

Thứ hai, cần xây dựng cơ sở dữ liệu có thể tương tác về các thông lệ tốt liên quan đến KCN sinh thái (ví dụ để cho tái chế và cộng sinh công nghiệp, ở đây là tình huống KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng, một mô hình KCN tư nhân nhưng đang phát triển tốt theo mô hình tiệm cận sinh thái) và được đăng tải miễn phí trên internet. Các bên liên quan ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận với các giải pháp ít tốn kém cho mục đích xanh hóa KCN hoặc xây dựng KCN sinh thái mới.

Thứ ba, cần đánh giá về các chính sách phù hợp để xanh hóa các KCN hay bắt đầu xây dựng các KCN sinh thái mới. Chính phủ phải nhận thức được rằng xanh hóa các KCN hiện có hay là cố gắng tạo ra các KCN sinh thái mới, việc nào là cấp thiết hơn. Khi có thể nên thành lập KCN sinh thái ngay từ đầu. 

Thứ tư, quy hoạch KCN sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên hoặc gần các khu này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn liền với bảo vệ môi trường và còn phải thận trọng hơn khi gần khu bảo tồn thiên nhiên. Nói chung KCN sinh thái không nên xây dựng gần khu bảo tồn thiên nhiên.

Thứ năm, cần tập trung chuyển đổi nhanh các KCN hiện hữu tiệm cận với KCN sinh thái tại các tỉnh/thành trong giai đoạn hậu công nghiệp đó là các địa phương có truyền thống phát triển công nghiệp lâu đời nhưng hiện nay có tốc độ đô thị hóa cao, siêu đô thị và tỉ trọng dịch vụ cao, cơ sở hạ tầng quá tải, các vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường đang trong thế lưỡng nan. Các giải pháp chuyển đổi đề xuất bao gồm:

  • Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá hiện trạng các KCN trên trên địa bàn Tỉnh/Thành để xác định cơ hội chuyển đổi. Hệ thống các KCN từng địa phương ở tình trạng phát triển rất khác nhau. Vì vậy để xác định xu hướng chuyển đổi với từng KCN cần thiết phải điều tra xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng các KCN. Có thể áp dụng Khung quốc tế về KCN sinh thái với bộ chỉ số đánh giá đã được UNIDO áp dụng để đánh giá tiềm năng chuyển đổi các KCN. Trong quá trình điều tra, dữ liệu về đầu ra/đầu vào liên quan đến năng lượng, nước, vật liệu, hóa chất nguy hại, chất thải rắn và nước thải sẽ được thu thập làm nền tàng để xây dựng cơ sở dữ liệu cho cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn tại các KCN.
  • Xây dựng lộ trình chuyển đổi và thí điểm chuyển đổi: Trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu đã được điều tra và đánh giá về tiềm năng chuyển đổi đối với hệ thống các KCN đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh/Thành, tiến hành xây dựng lộ trình chuyển đổi đối với nhóm các KCN có cùng một thứ hạng đã được xem xét đánh giá có xem xét đến các yếu tố về nguồn lực (tài chính và con người) của doanh nghiệp, KCN và địa phương. Thực hiện thí điểm chuyển đổi với một số KCN sẵn sàng chuyển đổi.
  • Nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về mô hình KCN sinh thái. Nhận thức về mô hình KCN sinh thái trước tiên cần xây dựng cho các doanh nghiệp, công ty hạ tầng về lợi ích KCN sinh thái, sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng chất thải. Nâng cao nhận thức cho các tổ chức tài chính về một nhu cầu tín dụng mới nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi KCN, doanh nghiệp. Tăng cường truyền thông và xây dựng chính sách quảng bá dưới các hình thực hội nghị, hội thảo và thông qua phương tiện truyền thông về ích lợi của mô hình KCN sinh thái.
  • Xây dựng và chuẩn bị các nguồn tài chính phù hợp hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi. Ngoài nguồn ngân sách địa phương, Tỉnh/Thành cần tìm kiếm các nguồn tài chính từ các quỹ tài chính trong và ngoài nước có các chương trình cho vay ưu đãi phù hợp với nhu cầu chuyển đổi sang mô hình sinh thái của các doanh nghiệp và hạ tầng KCN (xây dựng các mạng lưới cộng sinh công nghiệp).
  • Tăng cường nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ sạch, phát thải ít các bon, phát triển các mô hình cộng sinh công nghiệp tái sử dụng chất thải, chuyển chất thải thành năng lượng, đồng xử lý chất thải. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới.
  • Kiến nghị Chính phủ chính sách đối với doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Cuối cùng, Quy hoạch thành lập KCN sinh thái mới đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  Đối với các KCN mới, nên xây dựng thành các KCN sinh thái ngay từ đầu trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện. Quy hoạch các KCN sinh thái cần chú trọng được xây dựng và quản lý dựa trên nguyên tắc sinh thái công nghiệp và cộng sinh công nghiệp, bao gồm: Quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch không gian và đất, kế hoạch đầu tư và tài chính. Quy hoạch mô hình KCN sinh thái mới nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình công nghiệp 4.0 là một bước tiến mới để tạo ra giá trị công nghiệp bền vững hơn. Mô hình chủ yếu tập trung vào kết nối, tự động hóa, kết hợp sản xuất và vận hành thực tế với công nghệ kỹ thuật số thông minh, dữ liệu lớn để tạo hệ sinh thái được kết nối tốt hơn và tổng thể hơn cho các công ty tập trung vào sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Bước tiến này là sự đóng góp quan trọng cho sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Điều này có thể thực hiện được thông qua quá trình triển khai theo hướng áp dụng mô hình cộng sinh với quản lý cơ sở dữ liệu được số hóa, áp dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn với quy trình ra quyết định ở mức độ số hóa. Đây là sự hợp lực giữa con người và máy móc với mục đích tối ưu hóa sự sử dụng nguồn lực về nguyên vật liệu, năng lượng và các quá trình ra quyết định trong sản xuất.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài

Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hepza (2021). Định hướng phát triển KCN-KCX Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ do Hepza và Trường đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cùng phối hợp thực hiện và đã nghiệm thu.

Tôn Nữ Trà My và cộng sự. (2016). Hiện trạng môi trường khu vực xung quanh khu công nghiệp Hòa Khánh-Đà Nẵng và đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.http://data.udn.vn/bitstream/DHDN/125/1/ POLLUTION.pdf

UNIDO (2015). Industrial Parks, Special Economic Zones, Eco-industrial Parks, Innovation District as strategies for Industrial Competitiveness. Hanoi, Vietnam.https://www.unido.org/sites/default/files/201508/UCO_Viet_Nam_Study_FINAL_0.pdf