27/04/2024 lúc 13:54 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển công nghiệp góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế hội nhập quốc tế

Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Để đạt được những thành tựu đó, ngành Công nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng. Quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam luôn gắn liền với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng xác định nội hàm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế là: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác”(1).

Chiến lược phát triển công nghiệp

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; Ngành Điện tử và Viễn thông và ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời Chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các vùng lãnh thổ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi  gồm 4 vùng kinh tế trọng điểm và 5 khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cũng xác định: Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chỉ rõ những hạn chế căn bản và nguyên nhân, từ đó có giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế này tiếp tục phát triển theo hướng nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Chiến lược đồng thời đề ra định hướng đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp. Tăng cường phát triển phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc. Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển; Chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lõi sang các vùng đệm công nghiệp. Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sau vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp, mục tiêu, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như: ngành cơ khí - luyện kim; ngành hóa chất; ngành điện tử, công nghệ thông tin; ngành dệt may-da giày; ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; ngành sản xuất vật liệu xây dựng; ngành khai thác và chế biến khoáng sản; ngành điện; ngành than; ngành dầu khí. Bên cạnh đó là phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành gồm cơ khí - luyện kim; điện tử - tin học, dệt may - da giày.

Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện, bao gồm giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Trong đó, về ngắn hạn có các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về công nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu trong các nhóm giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn có 7 nhóm giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn…

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Đây được xem là văn bản thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán và đầy đủ đầu tiên của Đảng để đưa ra những định hướng, mục tiêu cụ thể nhằm phát triển công nghiệp cho đất nước.

Thành tựu đạt được, thực trạng và giải pháp phát triển

Một trong những nhân tố bảo đảm cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Công nghiệp phát triển không những tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực hiện công nghiệp hóa trong bối cảnh của Cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 không chỉ là hiện đại hóa máy móc, công nghệ, mà còn là đổi mới, thông minh hóa quá trình sản xuất; cá thể hóa sản phẩm. Để thực hiện được những mục tiêu này ở nước ta đòi hỏi phải tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng chú trọng xây dựng năng lực nội sinh dựa trên cơ sở tự chủ về nguyên liệu, sản xuất và thị trường...

Trong những năm qua, công nghiệp Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020; đến năm 2022, tỷ trọng chế biến, chế tạo đã đạt khoảng 25% cơ cấu GDP. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành công nghiệp nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó nổi bật là nội lực của các doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu, do nguồn nhân lực hạn chế, sự tự chủ và tính cạnh tranh trong công nghệ nguồn chưa cao. Chúng ta chưa có một danh mục sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh. Hơn nữa, ngành công nghiệp đang phát triển rất mất cân đối, phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Công nghiệp nặng là ngành sản xuất nhiều sản phẩm cơ bản cho nền kinh tế và đóng góp rất lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nhưng, ngành công nghiệp lại chưa đáp ứng được vai trò đó, tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế còn rất thấp.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp Việt Nam phải phát triển tự chủ trong nước, đồng thời phải kết hợp với những thành tựu của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Trong quá trình đó, theo quan điểm của Bộ Công Thương, khi lựa chọn các ngành, các phân ngành để phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Việt Nam phải dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp đang có thế mạnh, đang phát triển và đồng thời phải dựa trên 3 tiêu chí gồm: Thị trường trong nước; Công nghệ sản xuất hiện đại; Xây dựng được những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển theo.

Từ thực tế đó, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: (1) Tạo cho được môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi để đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp; (2) Cùng với việc phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp, phải hình thành được các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế; (3) Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp trên cơ sở hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp; (4) Coi trọng phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát của các ngành công nghiệp./.

                                                                        TS. Đặng Minh Hiển

(Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An)

...