1. Tinh thần tự lực, tự cường trong hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam
Hệ giá trị tinh thần của mỗi dân tộc là tập hợp các giá trị được cấu trúc theo thứ bậc, được cộng đồng dân tộc thừa nhận, chi phối các thành viên và có tác động tích cực đến sự phát triển của dân tộc. Hệ giá trị tinh thần dân tộc không chỉ thể hiện những giá trị tinh thần được liệt kê theo phép đếm mà là sự gắn kết hữu cơ, biện chứng các giá trị. Hệ giá trị tinh thần thể hiện vị trí, ý nghĩa và mối quan hệ nội tại, phái sinh giữa các giá trị tinh thần của xã hội. Hệ giá trị là hạt nhân của mỗi nền văn hóa, thể hiện đầy đủ, tập trung cốt lõi đời sống tinh thần của dân tộc sinh ra nó. Hệ giá trị tinh thần của dân tộc là tinh hoa văn hóa được cô đúc nên trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc, tạo nên những giá trị truyền thống quý báu. Là sản phẩm của lịch sử, phản ánh đời sống của dân tộc, song sau khi đã hình thành, hệ giá trị tinh thần có đời sống riêng, ổn định tương đối. Những giá trị này thể hiện bản chất, đặc trưng, cốt lõi văn hóa dân tộc tạo nên một sức mạnh tiềm tàng và bền vững.
Giá trị tinh thần được xây dựng trong quan hệ xã hội, do con người tạo ra và quy định nhận thức, thái độ và hành vi của con người trong đời sống xã hội. Giá trị tinh thần của xã hội điều chỉnh mạnh mẽ các mối quan hệ vốn phức tạp của con người, tạo nên sự thống nhất hài hòa trong xã hội. Tất nhiên, giá trị tinh thần của xã hội có cơ sở từ quan hệ kinh tế cơ bản trong mỗi thời kỳ lịch sử và tất yếu phụ thuộc vào quan hệ kinh tế cơ bản ấy. Giá trị tinh thần của xã hội bao giờ cũng phản ánh yêu cầu cơ bản của xã hội, định hướng hành vi con người phù hợp với hoàn cảnh xã hội và với yêu cầu phát triển của xã hội. Giá trị tinh thần không vĩnh cửu, nhất thành bất biến mà thay đổi theo sự biến đổi của hoàn cảnh xã hội và đặc trưng của thời đại.
Hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu thống nhất. Đó là lòng yêu nước, lao động cần cù, tinh thần lạc quan sáng tạo, lòng yêu thương và quý trọng con người...(1), trong đó, tinh thần tự lực, tự cường là một giá trị tinh thần quan trọng trong hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam.
Tinh thần tự lực, tự cường làm nên lịch sử dân tộc, là giá trị cốt lõi, xuyên suốt trong hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc. Tự lực, tự cường là dựa vào mình, làm bằng sức mình, là ý thức làm cho mình mạnh lên để gánh vác và thực thi trách nhiệm. Tự lực, tự cường trái ngược hoàn toàn với sự ỷ lại, dựa dẫm vào lực lượng bên ngoài. Tự lực, tự cường là điều kiện, tiền đề của tự chủ, tự quyết, của tinh thần độc lập, tự do.
Tinh thần tự lực, tự cường có mối quan hệ khăng khít với tất cả các giá trị cơ bản trong thang giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam như lòng yêu nước, đức tính cần cù, lòng nhân ái... Có thể nói, tinh thần tự lực, tự cường có mối quan hệ khăng khít, gắn bó với các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với mỗi giá trị trong bảng thang bậc hệ giá trị tinh thần, tự lực, tự cường là điều kiện, là biểu hiện, động lực làm nên các giá trị nêu trên.
Đơn cử, với giá trị “yêu nước”, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hệ giá trị dân tộc, là “giá trị của mọi giá trị theo cách gọi của các học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Với dân tộc Việt Nam, yêu nước là tình cảm thiêng liêng nhất, là vũ khí tinh thần mạnh mẽ giúp nhân dân Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền và quyền tự quyết dân tộc. Dù với kẻ thù xâm lược mạnh hơn, lịch sử đã chứng minh chúng ta vẫn giữ vững được chủ quyền quốc gia, khẳng định sự độc lập về kinh tế, chính trị, văn hóa... bởi tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước đó được xây dựng vững chắc trên tinh thần tự lực, tự cường, gắn liền với ý thức tự lực, tự cường dân tộc, trở thành ý chí tự lực, tự cường mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Với đức tính cần cù, lạc quan, sáng tạo đã trở thành giá trị được tôn vinh trong thang bảng giá trị truyền thống dân tộc có nền tảng vững chắc từ tinh thần tự lực, tự cường. Trong lao động, dù nhận thức rõ thành quả lao động phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan (thời tiết, thiên nhiên) song người Việt Nam luôn ý thức được giá trị của lao động cần cù, sáng tạo, trên cơ sở sự nỗ lực cố gắng và sức mạnh của mình. Dân tộc Việt Nam sớm ý thức được điều kiện của ấm no, hạnh phúc là lao động. Tinh thần cần cù, sáng tạo thể hiện hàm sâu trong đó là ý thức tự lực, tự cường trong lao động sản xuất.
Tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng được xây dựng trên cơ sở ý thức tự lực, tự cường đã làm nên sức mạnh chống đỡ thiên tai, địch họa. Gia đình - làng xã là kết cấu bền chặt trong cấu trúc xã hội Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Mối quan hệ cá nhân - gia đình - làng xã và Tổ quốc đặc thù đã hình thành nên giá trị cộng đồng, tinh thần nhân ái đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Người Việt luôn ý thức được sự sẻ chia, tương thân, tương ái trong cuộc sống. Người Việt đồng thời cũng ý thức được yếu tố làm nên sức mạnh của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, chính là tinh thần tự lực, tự cường.
Đối với người Việt Nam, sự nỗ lực của mỗi cá nhân không chỉ vì sự khẳng định của cá nhân mà vì sự phát triển, chia sẻ cho gia đình, dòng họ, làng xã... Tinh thần tự lực, tự cường, vì thế, chính là động lực, là điều kiện mà mỗi người Việt Nam nỗ lực để có thể thể hiện được lòng nhân ái, chia sẻ với gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, tinh thần tự lực, tự cường chưa được hiện diện đúng với vị trí, vai trò và ý nghĩa của giá trị này trong thang bậc giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam. Hơn nữa, tinh thần tự lực, tự cường chưa thực sự được tôn vinh như một giá trị tinh thần nền tảng trong hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, khái quát, khẳng định vị trí, vai trò của tinh thần tự lực, tự cường trong hệ giá trị tinh thần truyền thống và nhất là việc phát huy trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết.
2. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong xây dựng và phát triển đất nước theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với nhiệm vụ chính trị mới. Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2).
Như vậy, nỗ lực để Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong hòa bình và ổn định là mục tiêu chung mà chúng ta hướng đến. Quá trình đó đòi hỏi chúng ta phát huy cao nhất sức mạnh nội sinh của dân tộc - sức mạnh của văn hóa, của hệ giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, trong đó khẳng định sức mạnh, tính quyết định đến sự thành công của tinh thần tự lực, tự cường dân tộc. |
Tinh thần tự lực, tự cường khi được xác lập, có tác động mạnh mẽ, đa diện và xuyên suốt mọi giá trị. Trong đó, tinh thần tự lực, tự cường là biểu hiện của lòng yêu nước. Đồng thời, tự lực, tự cường chính là điều kiện thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng đưa đất nước vươn lên. Có thể nói, tinh thần tự lực tự cường làm phong phú nội hàm của phạm trù yêu nước. Đồng thời, tinh thần yêu nước được biểu đạt cụ thể, mang tính thực tiễn cao khi chúng ta xác lập giá trị tự lực, tự cường. |
Hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc được hình thành trên cơ sở kinh tế, lịch sử, xã hội của dân tộc trong lịch sử.Hệ giá trị tinh thần của mỗi dân tộc không phải là giá trị vĩnh cửu. Nó cần được nhận diện, bổ sung, phát triển phù hợp với đặc trưng, tính chất và yêu cầu của thời đại.Vì vậy, việc xác định vị trí, vai trò của tinh thần tự lực, tự cường trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay là thiết thực và có ý nghĩa to lớn, quyết định đến sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Tự lực, tự cường là mình làm cho mình mạnh lên, là tự làm bằng sức mình. Tự lực, tự cường biểu hiện ý thức, ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc. Là một giá trị văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường thể hiện trước hết ở ý thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng sức mạnh của bản thân (cá nhân, tổ chức, quốc gia - dân tộc). Trong bối cảnh hiện nay, tự lực, tự cường là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển đất nước.
Chúng ta chỉ có thể chủ động, khai thác các yếu tố tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu chúng ta đủ mạnh. Trong quá trình đó, ý thức về sự tự lực, tự cường và phát huy tinh thần tự lực, tự cường là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Việt Nam. Bởi, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão và sự thâm nhập của sức mạnh khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang tạo nên sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc từ bên trong, nội tại của nền văn hóa mỗi dân tộc. Sức cạnh tranh trong quá trình phát triển của cá nhân, tổ chức hay quốc gia thể hiện ở sức mạnh tự thân mà cá nhân, tổ chức và quốc gia đó có được.
Để phát huy tinh thần tự lực, tự cường dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, cần nghiên cứu, xác định hệ giá trị tinh thần Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Định vị vai trò, đánh giá ý nghĩa của các giá trị tinh thần truyền thống; bổ sung, phát triển nội hàm các giá trị truyền thống trong bối cảnh thời đại.
Trong đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là xác định cơ sở lý luận và thực tiễn của giá trị tinh thần tự lực, tự cường, định vị giá trị tinh thần tự lực, tự cường trong thang giá trị tinh thần dân tộc, đồng thời nghiên cứu làm rõ mối quan hệ tác động giữa giá trị tự lực, tự cường với các giá trị khác trong hệ giá trị tinh thần Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng, tự lực, tự cường là giá trị tinh thần cốt lõi trong thang bảng giá trị tinh thần Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, để thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, các giá trị nhân văn, dân chủ được phát huy trong bối cảnh mới, chúng ta phải dựa vào sức mạnh nội sinh của dân tộc mình. Tinh thần ấy đã được Đảng ta xác định rõ và nhất quán trong các quan điểm chỉ đạo và được quán triệt trong mọi mặt hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, xã hội, xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam.
Tinh thần tự lực, tự cường khi được xác lập, có tác động mạnh mẽ, đa diện và xuyên suốt mọi giá trị. Trong đó, tinh thần tự lực, tự cường là biểu hiện của lòng yêu nước. Đồng thời, tự lực, tự cường chính là điều kiện thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng đưa đất nước vươn lên. Có thể nói, tinh thần tự lực tự cường làm phong phú nội hàm của phạm trù yêu nước. Đồng thời, tinh thần yêu nước được biểu đạt cụ thể, mang tính thực tiễn cao khi chúng ta xác lập giá trị tự lực, tự cường.
Trong học tập, lao động, quản lý... cần cù, sáng tạo vốn được tôn vinh. Song, cần cù chưa đủ đem lại sự phát triển mang tính đột phá trong các lĩnh vực của đời sống. Sự cần cù, sáng tạo phải dựa vào sức mạnh của khoa học, công nghệ. Tự lực, tự cường tạo nên sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm cho người lao động chiếm lĩnh tri thức, làm chủ công nghệ, thay đổi phương thức làm việc, sáng tạo trong lao động, quản lý... để đem lại hiệu quả lao động cao hơn. Ý thức tự lực, tự cường trong học tập giúp cho người Việt Nam, ngay từ trên ghế nhà trường có ý thức tự học, tự nghiên cứu, tự chủ trong học tập và cuộc sống, tránh tư tưởng ỷ lại, cách sống dựa dẫm.
Tự lực, tự cường cần được coi là giá trị hàng đầu, mang tính phổ biến trong thanh niên Việt Nam hiện nay. Bởi chỉ khi xã hội thực sự coi tự lực, tự cường là giá trị thì mới có cá nhân khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp và môi trường xã hội đổi mới, sáng tạo. Chỉ có thể làm giàu của cải xã hội, nâng cao năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững khi mỗi cá nhân, tổ chức phát huy cao nhất ý chí tự lực, tự cường của chính bản thân mình.
Trong quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội, ý chí tự lực, tự cường một mặt giúp cho giá trị nhân ái, tinh thần nhân đạo được phát huy. Mỗi cá nhân, gia đình và xã hội chỉ có thể“tương thân, tương ái” khi họ là chủ thể vững vàng về vật chất và tinh thần. Tinh thần tự lực, tự cường bổ sung ý nghĩa của tinh thần nhân ái truyền thống. Tinh thần ấy giúp cho mỗi cá nhân và cộng đồng phấn đấu để“áo lành có thể chia sẻ với xã hội nhiều hơn. Đối tượng cần được đùm bọc, nhận sự sẻ chia của xã hội cũng được xác định rõ hơn, thu hẹp hơn. Những người có sức khỏe, có điều kiện lao động nhất định không thể dựa dẫm, ỷ nại vào tình thương của cộng đồng và xã hội.
Tinh thần tự lực, tự cường cũng góp phần hạn chế những biểu hiện không tích cực hiện nay. Chẳng hạn thái độ dựa dẫm vào gia đình, dòng họ kiểu một người làm quan cả họ được nhờ. Như vậy người có năng lực, trình độ có thể có điều kiện và tiềm lực phát triển mạnh hơn nếu bớt đi gánh nặng sẻ chia. Tổ chức, địa phương có tiềm lực phát huy được thế mạnh vốn có, tập trung cho sự phát triển. Trên bình diện quốc gia, dân tộc, ý thức này không chỉ thể hiện cụ thể mà còn là giá trị khái quát, đem lại sự nỗ lực vươn lên của cả dân tộc.
Hai là, tinh thần tự lực, tự cường là giá trị tinh thần - văn hóa làm nên sức mạnh của dân tộc khi biểu hiện toàn diện trên mọi phương diện của xã hội như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”(3). Cần bước đầu khái quát các biểu hiện cụ thể của tinh thần tự lực, tự cường trên các lĩnh vực hoạt động để đề ra các phương thức xây dựng. Cụ thể:
Tự lực, tự cường về chính trị là ý thức về sức mạnh của Đảng cầm quyền, về sức mạnh của hệ thống chính trị. Vấn đề xây dựng Đảng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đang được xác định là yêu cầu cao nhất bảo đảm cho sự ổn định và phát triển. Đồng thời, tự lực, tự cường về chính trị đòi hỏi chú trọng và phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân, lấy dân làm gốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(4). Dựa vào dân, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh nhân dân là phương thức cao nhất phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.
Tự lực, tự cường về kinh tế là ý thức về việc xây dựng nền kinh tế có nội lực đủ mạnh, có sức cạnh tranh cao, có thể chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế thế giới. Tự lực, tự cường về kinh tế đặt ra yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm huy động sức mạnh phát triển kinh tế đất nước.
Tự lực, tự cường về quân sự là điều kiện để bảo đảm cho độc lập và chủ quyền quốc gia và bảo vệ nền hòa bình chung trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, ý thức về sức mạnh của quân đội trung thành, có tính kỷ luật cao. Đồng thời, ý thức về việc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại luôn đặt ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.
Tự lực, tự cường về văn hóa đặt ra yêu cầu nhận thức rõ sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa là trầm tích giá trị lịch sử của mỗi dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc ấy. Một quốc gia có nền văn hóa vừa đặc sắc tính dân tộc, vừa tiên tiến, hiện đại và có tính hội nhập cao tạo nên sức mạnh của quốc gia, dân tộc ấy. Văn hóa vừa là điều kiện, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển Việt Nam hiện nay.
Tự lực, tự cường trong giáo dục, đào tạo luôn là lĩnh vực quan trọng trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của dân tộc. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, xác định rõ triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục và đào tạo, xây dựng nền giáo dục tốt để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đang là yêu cầu đặt ra cấp thiết.
Ba là, phát huy tinh thần tự lực, tự cường dân tộc có quan hệ mật thiết với việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tranh thủ sức mạnh thời đại trong quá trình phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, phát huy tinh thần tự lực, tự cường không có nghĩa là đóng cửa, chỉ dựa vào sức mình. Ngược lại, phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc - yếu tố làm nên sức mạnh bên trong cần được xem xét trong mối quan hệ với các yếu tố bên ngoài một cách hiệu quả. Tinh thần dân chủ, hợp tác, hòa bình và bác ái... là những giá trị chung của nhân loại tiến bộ. Những thành quả của cách mạng khoa học - công nghệ và những phương thức quản lý xã hội tiến bộ, hiệu quả... có thể chia sẻ là những giá trị vật chất, tinh thần chung mà mọi quốc gia, dân tộc có thể học hỏi, vận dụng trên con đường phát triển của mình. Song, càng đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế càng cần xác định đúng triết lý bất biến: Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất, là điều kiện căn cốt của mọi sự hợp tác. Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(5).
Bốn là, xác lập ý chí tự lực, tự cường và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc cần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống nói chung, giá trị tinh thần dân tộc nói riêng. Việc giáo dục giá trị cần triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trong mọi độ tuổi, nhóm xã hội. Giáo dục tinh thần tự lực, tự cường thực hiện trong tất cả các thiết chế, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi, tự lực, tự cường là giá trị tinh thần có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong hệ giá trị tinh thần Việt Nam hiện nay. Tự lực và tự cường cần thể hiện đồng thời từ ý thức của cá nhân, đến tổ chức và quốc gia - dân tộc, từ tinh thần đến ý chí và thái độ tích cực vươn lên, vững mạnh và làm chủ, đồng thời biểu thị ở cách tổ chức và hành động... Trong đó, ý chí tự lực, tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành tinh thần tự lực, tự cường của tập thể, của đất nước, dân tộc.
Nội dung giáo dục tinh thần tự lực, tự cường cần được xác định sâu sắc bao gồm giáo dục ý thức tự lực, tự cường trên từng mặt hoạt động như kinh tế, giáo dục, chính trị, văn hóa... Nội dung giáo dục phù hợp với từng đối tượng về độ tuổi, cá nhân hay tổ chức xã hội.
Phương thức giáo dục tinh thần tự lực, tự cường phong phú, linh hoạt, từ lồng ghép kiến thức giáo dục đạo đức và phẩm chất công dân, thông qua các phương thức tuyên truyền, phổ biến thông tin phong phú hiện nay chuyển tải hiệu quả giá trị của tinh thần tự lực, tự cường cho quần chúng nhân dân. Tôn vinh những tấm gương điển hình về tinh thần tự lực, tự cường và có phương thức phổ biến, nhân rộng những điển hình về tinh thần tự lực, tự cường trong xã hội. Cán bộ, đảng viên cần nêu gương về tinh thần tự lực, tự cường trong học tập, nghiên cứu, lao động, quản lý... Từng bước nghiên cứu đề xuất những chế tài hiệu quả nhằm hạn chế sự ỷ lại, tư tưởng dễ dãi, dựa dẫm, cơ hội đi ngược với tinh thần tự lực, tự cường trong cán bộ, đảng viên, các tổ chức xã hội.
_________________
(1) Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tái bản năm 2011.
(2), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.34, 110-111.
(3) Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao - Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 119.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.453.
PGS, TS HOÀNG ANH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS PHAN THỊ THANH HẢI
Học viện Báo chí và Tuyên truyền