23/01/2025 lúc 01:14 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng thành phố sáng tạo ở TP Hồ Chí Minh

Nguồn lực văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển.

Tóm tắt:

Nguồn lực văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Bài viết góp phần làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nghiệp cũng như một số vấn đề đặt ra hiện nay, từ đó phân tích các nguồn lực văn hóa trong xây dựng thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh; văn hóa doanh nghiệp; nguồn lực văn hóa; thành phố sáng tạo; Thành phố Hồ Chí Minh

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra hiện nay

Sinh thời, Hồ Chí Minh cho rằng, bốn lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là quan trọng ngang nhau. Còn trong bối cảnh hiện nay, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[1]. Ngày nay, các doanh nghiệp phải ý thức được rằng, văn hóa không chỉ là kết quả của sự phát triển doanh nghiệp nhanh, bền vững mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình trên nền nhận thức và hiểu biết chung về văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, mà điều có ý nghĩa quan trọng là phát huy và thực hành dân chủ, quản lý dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Một trong những sáng tạo của con người chính là văn hóa. Khi những sáng tạo, sáng kiến đó được áp dụng và khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái. Và khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái thì khuyết điểm cũng bớt dần.

Trước đây, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được vai trò quan trọng của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này mới được Đảng, Nhà nước nêu ra trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, điều có ý nghĩa nhất đó là: Tuy thế giới, đất nước đã có nhiều đổi thay so với lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động, nhưng di sản của Người về doanh nghiệp và doanh nhân vẫn mang giá trị trường tồn. Nếu biết vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân, thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện không chỉ đứng vững, phát triển, mà còn có khả năng cạnh tranh cao trên thế giới.

Văn hóa doanh nghiệp hiện nay cần chú trọng văn hóa đạo đức, nhất là đạo đức của người lãnh đạo cần có, là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nêu cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao là một cách tiếp cận về văn hóa doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng triết lý doanh nghiệp của mình như là nét riêng, bản sắc của doanh nghiệp. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là văn hóa doanh nghiệp, vừa là phát triển bền vững.

Trong văn hóa doanh nghiệp thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Bởi vì con người là gốc của doanh nghiệp. Mọi việc đều do người làm ra. Gắn với văn hóa doanh nhân là văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hoá trong tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị- xã hội của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề lớn, cần được nghiên cứu, khai thác sâu hơn, rộng hơn và cần có nhiều thời gian hơn.

Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp là xây dựng những quan hệ tốt đẹp, đề cao những giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc, nhất là những giá trị lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, còn tồn tại một số vấn đề đặt ra, đó là: Bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, những tác động tiêu cực của đồng tiền, lợi nhuận kiến cho những giá trị tốt đẹp trong truyền thống biến dạng. Vì đồng tiền mà đánh mất lương tri, đạo đức của con người, xem nhẹ những quan hệ truyền thống tốt đẹp, như quan hệ huyết thống, thầy trò, hay tình làng nghĩa xóm. Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp trước hết cần khắc chế những vấn đề của mặt trái kinh tế thị trường bằng việc đề cao các giá trị chân chính của doanh nhân, xây dựng con người mới yêu lao động, lao động có chuyên môn, có kỹ năng, kỷ luật, năng suất cao, lao động vì lợi ích lâu dài của doanh nhân, cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước, đặc biệt là đối với vấn đề văn hóa doanh nghiệp. Xem trọng lợi ích lâu dài của hộ gia đình, doanh nghiệp và quốc gia hơn lợi nhuận trước mắt. Đề cao, tôn vinh những người lao động, doanh nhân chăm chỉ, có tay nghề, có sáng tạo để có thể làm giàu chân chính cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và xã hội. Trong lao động, khuyến khích, đề cao người lao động, doanh nhân biết ứng dụng khoa học công nghệ để phát huy các nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc (lao động chăm chỉ, cần cù, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, giữ và phát huy nghề truyền thống…) đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn minh các quốc gia tiến bộ, xây dựng đạo đức nghề nghiệp mới, nhất là đạo đức kinh doanh, xây dựng các quan hệ kinh tế có văn hóa (đề cao các giá trị con người, doanh nhân, chữ tín trong kinh doanh…). Môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, đề cao giá trị con người, giá trị doanh nhân là cơ sở xây dựng các quan hệ kinh tế lành mạnh, mang lại sự tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường.

2. Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng Thành phố sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 6 tỉnh Đông Nam Bộ, là thành phố phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hạt nhân then chốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để có được vị thế này, trước hết Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều tài nguyên văn hóa, nhiều nguồn lực, bao gồm cả điều kiện về tự nhiên, địa lý, con người và nhất là hệ thống các giá trị văn hóa được tiếp nối trong suốt dòng chảy phát triển của lịch sử nơi này. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định, cần tiếp tục phát triển Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững, hài hoà giữa các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng. Riêng với lĩnh vực văn hóa, Đảng xác định: “Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong xây dựng và phát triển vùng”[2].

Để thực hiện mục tiêu thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh theo quan điểm của Người về văn hóa doanh nghiệp, không thể không quan tâm đến các giá trị văn hóa như là một nguồn lực quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực văn hóa, nhất là đối với các doanh nghiệp là một nguồn lực quan trọng, quyết định trong phát triển đổi mới sáng tạo cũng như phát triển ngành kinh tế mũi nhọn ở Thành phố Hồ Chí minh, góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những địa phương của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Công trình lao động sáng tạo của con người thực chất chính là nguồn lực văn hóa để phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, nguồn lực văn hóa được hiểu là những yếu tố được kết tinh trong các giá trị văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng, được biểu hiện thông qua các giá trị văn hóa vật thể, giá trị văn hóa phi vật thể và trong các hoạt động văn hóa của con người - chủ thể sáng tạo văn hóa[3]. Xem xét từ góc độ này, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sở hữu nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng, là điều kiện quan trọng để phát triển thành phố sáng tạo.

Từ đó có thể thấy: (1) Việc phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nghiệp cũng như nghiên cứu, khai thác nguồn lực văn hóa giúp Thành phố Hồ Chí Minh vừa lan tỏa được các giá trị văn hóa, sức mạnh mềm của doanh nghiệp, doanh nhân địa phương, góp phần đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. (2) Khi các nguồn lực được khai thác một cách hợp lý, khoa học, các giá trị văn hóa không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế, mà còn được giữ gìn, tái tạo và phát huy trong cộng đồng, góp phần giữ gìn bản sắc của cộng đồng, dân tộc và của doanh nghiệp, địa phương. (3) Khi các giá trị văn hóa được phát huy trở thành nguồn lực, phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì đây chính là điều kiện cơ bản để phát triển con người, doanh nhân, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp hài hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tạo ra cơ sở quan trọng vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa phát triển bền vững địa phương.

Thực hiện Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển thành phố mạng lưới sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương (cùng với Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt) có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ngày 07/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định mục tiêu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là: “Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Trên quan điểm, chủ trương này, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030 là: “Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á”; và tầm nhìn đến năm 2045: “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á”.

Trên tinh thần này, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: “Xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”.

Như vậy, có thể thấy được rằng, đôi với vấn đề xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế TPHCM, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế TPHCM nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong thời kỳ đổi mới. Và rộng hơn, văn hóa kinh doanh chính là bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng và hình thành một cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, trường tồn và một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, Bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh đã được công bố và ban hành ngày 14/7/2021. Vì vậy, các doanh nghiệp TPHCM cần hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, để xây dựng một đội ngũ doanh nhân, một lực lượng doanh nghiệp với những chuẩn mực văn hóa văn minh, hội nhập, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo, phát triển bền vững theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực tiễn cho thấy, sau thành công của năm 2021 và 2022, "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" năm 2023 tiếp tục được tổ chức nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã áp dụng, thực thi tốt các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh tại Việt Nam. Tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ ba năm 2023 với chủ đề: “Văn hóa kinh doanh dòng chảy phát triển và hội nhập” đã tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023 cho 20 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt, trong đó có một số doanh nghiệp nổi bật như: Công ty Cổ phần FPT; Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank); Khách sạn Kim Đô (Royal Hotel Saigon)…

Tóm lại, phát huy nguồn lực văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân sẽ mang lại nguồn thu cho Thành phố Hồ Chí Minh, cho kinh tế quốc gia, tạo động lực để phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh - với vai trò là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ, đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì vậy, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Tp. HCM cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp; đồng thời kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của đất nước và con người Việt Nam, gắn với sự phát triển hưng thịnh, bền vững, có trách nhiệm với xã hội; lan tỏa được những hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng kinh doanh; quảng bá được hình ảnh đất nước, văn hoá con người Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Kết luận

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước theo tư tưởng Hồ Chí minh về văn hóa doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng, khai thác nguồn lực văn hóa một cách phù hợp đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Phát huy nguồn lực văn hóa sẽ mang lại nguồn thu cho Thành phố, cho kinh tế quốc gia, tạo động lực để phát triển thành phố sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời có điều kiện để chăm sóc con người Thành phố Hồ Chí Minh, con người Việt Nam phát triển toàn diện, theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình theo tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân./.

TS. Đặng Thanh Tuấn

Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-HH ngày 28/4/2021 của Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

3. Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển thành phố mạng lưới sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO.

4. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

5. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

6. Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú thích:


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2021, tập I, tr.110

[2] Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 7/10/2022, tr.4.

[3] Phạm Duy Đức, Quan điểm của Đảng về phát huy nguồn lực văn hóa, https://www.tapchicongsan.org.vn, 21/5/2021

...