Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM; phấn đấu hoàn thành 2 tuyến trên trong giai đoạn 2021-2025.
Đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TPHCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TPHCM.
Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TPHCM, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Đến nay, tuyến Vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km; tuyến Vành đai 4 hoàn thành 11 km/197,6 km. Việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và khu vực...
Để sớm hoàn thành 2 tuyến đường này đáp ứng tiến độ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến cho phù hợp để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng (nếu có). Đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp..., thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc cần thực hiện theo hình thức không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.
Các địa phương rà soát quỹ đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng (bao gồm cả quỹ đất hai bên đường), cương quyết thu hồi các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết để thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, triển khai ngay phương án tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, chú ý tái định cư tại chỗ; di dời hạ tầng kỹ thuật để kịp tiến độ giải phóng mặt bằng.
Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4.
Bộ Giao thông vận tải xây dựng báo cáo tổng thể kế hoạch triển khai thực hiện, lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2021. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (trong đó tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM), trình các cấp có thẩm quyền quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng chung. Phấn đấu tuyến Vành đai 4 hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
* Trong cuộc họp tại TPHCM vào sáng 14/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, với tuyến đường Vành đai 2, TPHCM phải hoàn thành trong năm 2022, tuyến đường Vành đai 3 phải xong trước 2025.