VNHN-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Làm lãnh đạo cũng là một nghề, phải rèn đức luyện tài, trong đó đức phải là gốc”! Người lãnh đạo, quản lý là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, xây dựng một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên” là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì thế phẩm chất, nhân cách và năng lực của người lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng. Người xưa quan niệm: được mất, vinh nhục không phải do nghề mà do người hành nghề quyết định. Trong các chức năng chủ yếu của quản lý đối với sự thành công của tổ chức, chức năng điều hành và lãnh đạo con người là quan trọng nhất. Nhà quản lý cũng là người lãnh đạo đồng thời là người điều hành một tổ chức, biết dự kiến, lập kế hoạch, tổ chức, điều động và kiểm tra kết quả, nhằm mục đích làm cho tổ chức thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ và chức năng của mình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ này, đó là "Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân". Để thực hiện mục tiêu đó, những yêu cầu và đòi hỏi về phẩm chất của người cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với những tiêu chí cốt lõi của thời kỳ hội nhập.
Người lãnh đạo là người có khả năng vượt khó (chỉ số AQ), có trí tuệ năng lực (chỉ số IQ) và trí tuệ cảm xúc (chỉ số EQ). Trong đó, EQ được coi là chỉ số thể hiện năng lực quản lý tốt bản thân và các mối quan hệ, bao gồm khả năng tự biết mình, tự quản mình, biết xã hội và kỹ năng xã hội. Những yếu tố như sự tự tin, tự nhận biết và điều tiết cảm xúc của mình, tự đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và tổ chức, có ý thức trách nhiệm và khả năng thích nghi cao, thấu hiểu tổ chức, biết rõ sự vận hành của tổ chức; biết liên kết và chèo lái trong mọi hoàn cảnh khác nhau... là những yếu tố thực sự cần thiết cho mọi cương vị lãnh đạo, quản lý.
Theo quan niệm của nền Nho giáo phương Đông, một nhà lãnh đạo, quản lý phải có những phẩm chất cơ bản như: sự khiêm cung (đúng mực), có khả năng nhẫn nhịn, biết chấp nhận sự khác biệt, có niềm tin, nỗ lực, chịu khó, hào hiệp.
Theo quan niệm của tư duy lý tính phương Tây, nhà lãnh đạo, quản lý phải biết đánh giá cao người khác, biết chấp nhận sự khác biệt, có khả năng sáng tạo dựa trên nền móng vững chắc, có tư duy tổng hợp (bao gồm cả khả năng xử lý mọi thông tin), có chuyên môn sâu của một ngành, có đạo đức xã hội, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Sự khác biệt văn hóa đã hình thành những tiêu chí đánh giá về người lãnh đạo, quản lý rất khác nhau. Văn hóa phương Đông thiên về việc coi trọng những phẩm chất, giá trị tinh thần. Theo đó, sự lựa chọn người lãnh đạo, quản lý cốt ở phẩm chất đạo đức, thiên về định tính. Còn văn hóa phương Tây lại đề cao những kỹ năng chuyên môn với biểu hiện hướng ngoại, mang tính định lượng, giá trị đạo đức được xác định nằm ngay trong khả năng chuyên môn và sự cống hiến cho tổ chức, cộng đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi “thế giới phẳng” xóa nhòa các ranh giới quốc gia, cùng với đó là một “thế giới cong” chứa đựng nhiều hiểm họa, rủi ro bất ngờ. Vì vậy, người lãnh đạo, quản lý phải có tầm nhìn xa nhưng phải gắn với thực tế, có năng lực thích ứng nhanh và phù hợp. Bên cạnh đó là khả năng đánh giá vấn đề một cách tổng thể đồng thời chú ý đến những chi tiết quan trọng, thấy được các mối liên hệ tiềm tàng của vấn đề với phần còn lại của bối cảnh bên trong và bên ngoài tổ chức. Người lãnh đạo, quản lý có phẩm chất có thể đưa ra được giải pháp cụ thể, cân nhắc đầy đủ các mối liên hệ với các yếu tố khách quan và chủ quan, thể hiện sự nhạy cảm với môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa... Hiện nay có nhiều tranh luận về ba phong cách lãnh đạo lớn (phong cách lãnh đạo 3D) với các hình thức như: phong cách lãnh đạo trực tiếp, phong cách lãnh đạo dựa trên sự trao đổi, thảo luận, phong cách lãnh đạo ủy thác, giao phó. Trong đó, nhà lãnh đạo theo phong cách trực tiếp thường đặt ra những yêu cầu rất cụ thể cho cấp dưới; đề cao vai trò gắn trách nhiệm cho từng người, thiết lập các tiêu chuẩn và dự kiến kết quả mà họ mong muốn đạt được. Với phong cách lãnh đạo dựa trên sự trao đổi, thảo luận, người lãnh đạo, quản lý sẽ lắng nghe nhân viên đưa ra các ý kiến, đặt câu hỏi, cung cấp thông tin phản hồi, những giả định về thách thức. Người lãnh đạo, quản lý phải là người đảm bảo chắc chắn các ý kiến đều được thảo luận cặn kẽ và biến thành một cuộc tranh luận thực sự. Họ đóng vai trò như là một nhân tố đảm bảo cho các cuộc thảo luận đi đúng hướng và tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều có cơ hội góp ý kiến. Ở phong cách lãnh đạo ủy thác, giao phó, người lãnh đạo, quản lý thường giải thích hoặc có những cam kết về các công việc cần được thực hiện và khi nào phải hoàn thành công việc đó. Còn cách thức làm việc hoàn toàn do cấp dưới chủ động quyết định. Mỗi phong cách đều chứa đựng những ưu thế khác biệt. Điều quan trọng là mỗi phong cách lãnh đạo cần phù hợp với những đặc thù của từng tổ chức, từng lĩnh vực.
Thực tế công tác cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây vẫn nặng về xem xét, đánh giá những tiêu chí hình thành phẩm chất người lãnh đạo, quản lý, nghĩa là có khuynh hướng định tính hơn là kỹ năng. Do đó, tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành ở những người đã được bổ nhiệm chưa cao. Vẫn còn tình trạng bổ nhiệm những người không có chuyên môn sâu, chỉ thuần túy khả năng hoạt động phong trào, trong nhiều trường hợp còn đề bạt, bổ nhiệm các cương vị lãnh đạo, quản lý xuất phát từ mối quan hệ thân tộc hoặc lợi ích nhóm... Vì vậy, những người thực sự có năng lực không có cơ hội bộc lộ khả năng của mình. Điều đó không tránh khỏi lối tư duy và hoạt động quản lý nặng về thể hiện hình thức, thiếu nền tảng.
Hiện nay, khuynh hướng đánh giá phẩm chất người lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam cũng cần phải có những tố chất như tiêu chí về người lãnh đạo, quản lý ở các quốc gia phát triển. Trước hết, người lãnh đạo, quản lý phải có kỹ năng, bởi lẽ trong bối cảnh hội nhập, năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, đó là sự thông hiểu trên nhiều phương diện, khả năng nắm bắt xu thế và định hướng được sự phát triển hợp lý cho tổ chức, cho xã hội. Thiếu kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý sẽ dẫn tới nguy cơ mắc phải ba hiểm họa: không có tầm nhìn, không tiên liệu trước được tương lai; không thích ứng mau lẹ và hiệu quả với hiện tại do thiếu óc thực tế và khả năng sáng tạo; không chịu rút ra bài học kinh nghiệm từ quá khứ và thất bại do thiếu khả năng suy ngẫm, học hỏi và như vậy sẽ phải đối mặt với sự tụt hậu, đi xuống của tổ chức.
Nhưng chỉ có tài mà không có đức cũng rất nguy hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đức là gốc rễ. Sự vô cảm của người lãnh đạo, quản lý cũng tức là mối hiểm họa với tổ chức, với người dân. Có đức sẽ khiến người lãnh đạo, quản lý biết hy sinh, có trách nhiệm xã hội, biết hướng tới lợi ích cộng đồng, biết sẻ chia, cảm thông, biết khích lệ, động viên… Khi người lãnh đạo, quản lý vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp cả sự an toàn, ổn định, phát triển của tổ chức, của cộng đồng thì đó thực sự là mối họa cho dân, cho nước.
Người lãnh đạo, quản lý phải đóng vai trò của nhà thiết kế chiến lược, tức là người làm việc hiệu quả nhờ vào khả năng dự đoán tương lai, làm chủ các tình huống dựa vào việc nhận thức được các cơ hội và rủi ro. Một người lãnh đạo, quản lý thực sự có tầm chiến lược bao giờ cũng có mối quan tâm hàng đầu đến sự phát triển của toàn bộ hệ thống.
Bên cạnh đó, bản lĩnh chính trị cũng là một tiêu chí quan trọng của người lãnh đạo, quản lý. Khi những cám dỗ vật chất có nguy cơ lung lạc, làm xói mòn đạo đức của nhiều tầng lớp xã hội, hơn hết người lãnh đạo, quản lý phải có khả năng vượt qua thách thức, luôn thể hiện sự kiên định của mình trong mọi tình huống khác nhau.
Các mô hình lãnh đạo thường được quy về hai dạng là lãnh đạo cải biến và lãnh đạo tác vụ với những biểu hiện và tác động sau:
![]() |
Vì vậy, các tổ chức, các cấp, các ngành cần phải có sự hiện diện của kiểu người lãnh đạo cải biến với sự chủ động, có hoài bão, có tầm nhìn, biết trân trọng các cá nhân, biết khích lệ, động viên tinh thần của cấp dưới. Đó là “tuýp” người lãnh đạo dám đột phá, dám tự chịu trách nhiệm, dám đối mặt với thách thức. Đã đến lúc kiểu lãnh đạo tác vụ mang tính thụ động, đối phó, chỉ biết quan tâm đến lợi ích trước mắt, không có khả năng phát hiện, sử dụng nhân lực cần phải bị loại trừ, bởi họ đã trở thành rào cản đối với sự đi lên của tổ chức và do vậy kéo lùi sự phát triển của tổ chức, thậm chí của cả một ngành, một địa phương.
Thay đổi tiêu chí trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ không phải là việc dễ thực hiện, đòi hỏi phải có sự thay đổi mà trước hết là ở tư duy, sự đồng bộ trong chỉ đạo, thực thi, đồng thời phải có chính sách động viên, khen thưởng thỏa đáng để người lãnh đạo, quản lý có động lực cống hiến hết khả năng cho tổ chức.
TS. Nguyễn Thị Hường - Học viện Hành chính Quốc gia
------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Avinash K.Dixit, Bary J. Nalebuff, Tư duy chiến lược, Nxb Tri thức, H.2007.
2. HaroKoontz, Cyril Odonnell, Heinz Weihrich, Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Khoa học và kỹ thuật, H.2004.
3. John P. Kotter, Dẫn dắt sự thay đổi, Nxb Lao động Xã hội, H.2009.
4. First News & Harvard Business School, Các kỹ năng quản lý hiệu quả, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2007.