Với PGS.TS Nguyễn Văn Chi, hạnh phúc đối với ông thật bình dị đó chính là được cống hiến cho chuyên môn, để mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân nặng, hiểm nghèo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi
Ngay từ cửa chính bước vào Trung tâm Cấp cứu A9, tôi đã cảm nhận rõ sự hối hả, cường độ làm việc cao và áp lực khổng lồ với các y bác sĩ nơi đây. Ngay từ khi bệnh nhân vào A9, bệnh nhân đã được các bác sĩ tiếp nhận, nhanh chóng khám, đánh giá, xử trí cấp cứu, điều trị tích cực với một thái độ bình tĩnh tự tin, trách nhiệm cao, thể hiện bản lĩnh và năng lực chuyên môn cao của các bác sĩ và nhân viên A9, sau khi xử trí bệnh nhân được chuyển vào các phòng bệnh phía bên trong có chức năng chuyên biệt theo tính chất và mức độ nặng của người bệnh, đội ngũ y, bác sĩ làm việc rất chuyên nghiệp theo một quy trình chuyên môn chặt chẽ, những bệnh nhân nặng, phức tạp được tập trung nhân lực, phương tiện để cấp cứu, hồi sức tích cực, bằng mọi khả năng của A9 để đưa người bệnh vượt qua tình trạng hiểm nghèo. Vừa chủ trì hội đồng chuyên môn của bệnh viện hội chẩn một ca bệnh nặng, phức tạp, PGS.TS Nguyễn Văn Chi lại vội đến hỗ trợ cấp cứu một trường hợp bị nhồi máu cơ tim nặng vừa được đưa vào cấp cứu, thái độ và bản lĩnh lâm sàng của ông đã giúp cho người bệnh nhanh chóng vượt qua tình trạng nguy hiểm, ông truyền cho các học trò của ông sự tự tin, đặc biệt giúp cho người nhà bệnh nhân vượt qua tình trạng hoảng loạn, tuyệt đối tin tưởng vào các bác sĩ và bệnh viện. Guồng quay công việc tất bật cứ thế chiếm hết quỹ thời gian vốn đã hạn hẹp của ông lúc nào không hay.
Sau khi xử lý công việc xong, ông mới có thời gian tiếp tôi. Trong căn phòng làm việc nhỏ, khá giản dị tại A9, PGS. Chi chia sẻ: “Là đơn vị đầu ngành, tuyến cao nhất về hồi sức cấp cứu, mỗi ngày A9 tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, trong đó đa phần là những ca bệnh nặng, phức tạp từ khu vực Hà Nội và các tỉnh chuyển đến. Để thực hiện tốt nhất trách nhiệm bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng“chiến đấu” để giành lại cuộc sống cho người bệnh, bất kể ngày hay đêm”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết ông đến với nghề y như một cái nghiệp đã định trước, làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang quê hương ông là nơi giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học với niềm tự hào là làng quê của đông các đại học sĩ trạng nguyên Giáp Hải. Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, ngay khi còn nhỏ ông đã mơ ước lớn lên được làm bác sĩ, ông đã miệt mài, chăm chỉ học tập, rèn luyện.Một sự cố sức khỏe tưởng chừng như đã làm thay đổi mơ ước của ông đó là gần đến ngày thi tuyển vào THPT, ông bị đau mắt rất nặng tưởng chừng phải bỏ thi do không thể ôn tập được, được các thầy thuốc ở quê ông tận tình điều trị, mắt ông đã phục hồi ngay trước ngày thi và mơ ước trở thành bác sĩ của ông càng cháy bỏng hơn với mong ước được chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Trong suốt thời gian học THPT, ông luôn nỗ lực tập trung học tập, tham gia các đội tuyển thi học sinh giỏi,..và nuôi dưỡng ước mơ được đặt chân vào trường Đại học Y Hà Nội. Và rồi ước mơ ấy đã thành hiện thực, Trường ĐH Y Hà Nội như một biển lớn cho ông thỏa sức vẫy vùng. 6 năm trong trường đại học y là 6 năm của sự nỗ lực học tập không ngừng, mặc dù với muôn vàn khó khăn của thời bao cấp ông tốt nghiệp với thành tích sinh viên tiên tiến toàn khoá và đã đỗ thủ khoa kỳ thi bác sĩ nội trú chuyên ngành hồi sức cấp cứu, đúng chuyên ngành mà ông mơ ước và thần tượng người thầy kiệt xuất GS. Vũ Văn Đính. “Ngay từ những ngày đầu theo học bác sĩ nội trú chuyên ngành hồi sức cấp cứu, tôi may mắn được các thầy cô danh tiếng của A9 dìu dắt, hướng dẫn nên sớm tiếp cận chuyên ngành, hoàn thành tốt các nội dung học tập, thầy Đính với tôi luôn là một tượng đài để hướng tới. Kết thúc khóa học, tôi được nhận về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai và gắn bó đến giờ”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi hồi tưởng lại những ngày đầu tiên trong sự nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi cùng các đại biểu trong nước và quốc tế tại Hội nghị Quốc tế về Y học Cấp cứu và Y học Hồi sức năm 2024
Được biết, với cương vị trưởng khoa A9 năm 2019, PGS.TS Nguyễn Văn Chi đã nỗ lực triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ y tế về đột quỵ não và một năm sau, ông đã đề xuất thành lập Trung tâm đột quỵ trên cơ sở tách đơn vị đột quỵ của Khoa cấp cứu A9 ra và sau đó ông đề xuất thành lập Trung tâm Cấp cứu A9 trên cơ sở sát nhập khoa cấp cứu Ngoại vào khoa cấp cứu A9 ông trở thành giám đốc đầu tiên của Trung tâm Cấp cứu A9. Hiện tại, với vai trò của một chuyên gia chuyên sâu về chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu tại A9 và bệnh viện Bạch Mai, ngọn lửa nhiệt huyết của PGS.TS Nguyễn Văn Chi vẫn luôn rực cháy. Khi được hỏi, điều gì đã giữ chân ông ở lại với A9 và Bạch Mai lâu đến thế, PGS. TS Nguyễn Văn Chi bình dị trả lời: “Từ lúc lựa chọn ngành y, tôi đã mong được làm lâm sàng, làm chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy. Mấy chục năm qua, tôi đã quen với guồng làm việc khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả tại A9 và còn rất nhiều tâm huyết với ngành hồi sức cấp cứu và bệnh viện Bạch Mai nên tôi vẫn tiếp tục làm việc, vẫn là một thành viên trong gia đình A9 và bệnh viện Bạch Mai”.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ trong ngành y tế, năm 2008, bác sĩ Nguyễn Văn Chi được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Năm 2011, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Tăng đường huyết và nhồi máu cơ tim" tại ĐH Y Hà Nội. Năm 2018, ông được phong học hàm Phó Giáo sư. Trong suốt thời gian công tác, bác sĩ Nguyễn Văn Chi tham gia 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với tư cách chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm; 5 nghiên cứu hợp tác quốc tế về đột quỵ não và tăng huyết áp, trong đó có 3 nghiên cứu do ông làm chủ nhiệm đề tài; biên soạn 29 đầu sách y học, công bố trên 100 bài báo và công trình khoa học trong nước, là tác giả và đồng tác giả của 18 bài báo và công trình khoa học đăng tải tại các tạp chí y học quốc tế uy tín, hướng dẫn thành công 23 tiến sĩ, cao học, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú,.. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội cấp cứu Việt Nam VSEM, Phó chủ tịch hội hồi sức cấp cứu Hà Nội và các tỉnh phía bắc, chủ tịch danh dự hội đột quỵ Hà Nội,.. PGS.TS Nguyễn Văn Chi đã tham gia và trực tiếp hỗ trợ các tỉnh, xây dựng và phát triển hệ thống các khoa cấp cứu, khoa đột quỵ, ứng dụng, phát triển nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến trong chuyên môn lâm sàng, tham gia tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về chuyên ngành.
Chia sẻ về lý do chọn hồi sức cấp cứu, không phải những chuyên ngành khác, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho rằng đã theo nghề y, công tác ở lĩnh vực nào cũng phải nỗ lực không ngừng để làm tròn bổn phận người thầy thuốc, để chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Nếu như các lĩnh vực khác chỉ cần giỏi một chuyên khoa thì làm việc ở môi trường đặc biệt như hồi sức cấp cứu lại đòi hỏi người bác sĩ phải có kiến thức tổng hợp ở tất cả các chuyên khoa và phải sử dụng được các kỹ thuật để có thể tiếp cận sớm với các vấn đề bệnh lý của bệnh nhân.
"Khi người bệnh đến A9, hầu hết các trường hợp đều nặng, nguy kịch, thời gian cấp cứu, điều trị tích cực phải rất khẩn trương nên đòi hỏi người bác sĩ phải nắm vững nhiều kiến thức tổng hợp của các chuyên khoa và phải thực hiện được các can thiệp kỹ thuật. Mỗi lần tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu nặng mới, nhìn ánh mắt hy vọng của người nhà bệnh nhân, tôi cùng đồng nghiệp lại càng quyết tâm hơn để tìm cơ hội sống cho người bệnh và càng thấy gắn bó với nghề", PGS. Chi cho biết.
Lật giở từng trang cuốn nhật ký ghi lại những ca bệnh đặc biệt trong hành trình hơn 30 năm theo đuổi sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Chi kể, công việc thường ngày tại A9 là tiếp nhận những bệnh nhân khó, bệnh nhân nặng, nguy kịch, như bệnh nhân N.T.K.C ở HD bị mất máu nguy kịch sau sinh, rối loạn đông máu nặng. Qua nhiều ngày bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, tình trạng mất máu và rối loạn đông máu khó kiểm soát, huyết áp rất khó nâng lên, các chuyên gia đều nhận định khó có khả năng cứu sống bệnh nhân. Song với tâm niệm “Hãy giành cho người bệnh tất cả những gì mà y học có thể làm được cho họ”, ông đã lặng lẽ nghiền ngẫm, suy nghĩ tính toán, đọc tài liệu, trao đổi, hội chẩn với các đồng nghiệp... kiên trì chăm sóc, phối hợp nhiều biện pháp, kỹ thuật...để điều trị cho bệnh nhân. Như một phép màu, sau chuỗi ngày nỗ lực không buông tay, bệnh nhân đã dần hồi phục và trở về cuộc sống bình thường. Hay như dịp gần đây, bệnh nhân Nguyễn Thị H ở BG nhập viện do sốc nhiễm trùng, hôn mê nhiều ngày, suy đa phủ tạng, toan hóa nặng, rối loạn đông máu nặng, đe doạ tử vong. Là người trực tiếp theo dõi, điều trị, ngay từ đầu bác sĩ Nguyễn Văn Chi đãcùng các bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh, đưa ra một phác đồ gồm nhiều biện pháp hồi sức cấp cứu tiên tiến, các phương tiện máy móc, trang thiết bị và phân công cụ thể các bác sĩ, điều dưỡng,..Và nhờ những nỗ lực quý giá đó, bệnh nhân được cứu sống và trở lại cuộc sống bình thường.
Với tôi, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin tưởng của bệnh nhân và người thân của họ” - PGS.TS Nguyễn Văn Chi
Hay như trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Cấp cứu A9 tiếp nhận bệnh nhân bị ngừng tim trước đó. Việc cấp cứu ngừng tim kéo dài suốt 60 phút song không có kết quả, với kinh nghiệm và một linh cảm đặc biệt ông nói với các bác sĩ là ca bệnh này tôi vẫn tin là tim sẽ đập lại, thêm lần nữa, ông động viên kíp cấp cứu tiếp tục ép tim, tìm kiếm sự sống cho người bệnh. “Nếu theo quy định, thời gian cấp cứu ngừng tim chỉ kéo dài trong 60 phút bởi sau thời gian đó, cơ hội sống của bệnh nhân gần như không còn. Bằng kinh nghiệm và linh cảm của mình, tôi vẫn động viên các bác sĩ thay nhau ép tim và điều thần kỳ đã đến”. Sau 120 phút bệnh nhân đã hồi phục tuần hoàn, tim đập lại và sau đợt điều trị tích cực bệnh nhân đã trở về với gia đình. Với ông dường như những ca bệnh nặng và khó lại như một chất xúc tác tạo động lực để ông nỗ lực cho người bệnh. PGS.TS Nguyễn Văn Chi nhớ lại, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông cùng đội ngũ y, bác sĩ A9 và các khoa của Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực hết mình trong công tác điều trị, cấp cứu cho nhiều tỉnh thành, những nơi có dịch covid bùng phát. Khi biết chúng tôi có dự định tìm hiểu về PGS.TS Nguyễn Văn Chi để viết bài, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trước mỗi nhiệm vụ, thầy Chi luôn là người tiên phong, không ngại khó, ngại khổ. Ngay trong đợt dịch Covid-19, thầy dẫn nhiều đoàn cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện xông pha vào các điểm “nóng”, vùng tâm dịch trên cả nước như: Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, An Giang,..để trực tiếp chi viện, hỗ trợ, góp sức điều trị cho bệnh nhân. Chính tinh thần “chiến đấu” của thầy đã tiếp thêm sức mạnh, tinh thần vì cộng đồng của lớp bác sĩ trẻ hôm nay”.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi và Chủ tịch Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) - GS. Jeyaraj Durai Pandian tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2024 tổ chức tại Hà Nội ngày 8-9/11 năm 2024
Bên cạnh công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện, với tấm lòng nhân ái luôn hướng về cộng đồng, hàng năm, PGS.TS Nguyễn Văn Chi lại cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều hoạt động từ thiện. Ông là một trong những sáng lập viên của Câu lạc bộ Bác sĩ và những người bạn - ngôi nhà chung của nhiều bác sĩ, tình nguyện viên của các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Quân y 103, Y học Phòng không - Không quân, Bưu điện…, trong đó có nhiều người là con em quê hương Bắc Giang. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, câu lạc bộ tổ chức 63 chương trình thiện nguyện tại quê nhà Bắc Giang và một số địa phương, đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hơn 17 nghìn người.Là người con quê hương Bắc Giang anh hùng, khi chia sẻ về dự định của mình để góp phần nâng cao chất lượng công tác hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện của Bắc Giang, PGS. TS Nguyễn Văn Chi cho biết: “Tôi cũng như những cán bộ ngành y tế quê hương Bắc Giang luôn mong muốn có thêm nhiều cơ hội kết nối, đóng góp cho ngành y tế tỉnh nhà. Trong nhiều năm qua, tôi cùng các đồng nghiệp đã tổ chức được nhiều chương trình chuyên môn, giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn chuyên môn,.. cho Bắc Giang, trong các cuộc gặp gỡ với ngành y tế tỉnh, tôi đã đề xuất tỉnh nghiên cứu xây dựng trung tâm quản lý đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực y tế để giúp chúng tôi thuận lợi nhất trong việc hỗ trợ chuyên môn cho quê hương. Nếu chương trình triển khai, tôi sẵn sàng về quê hương để thực hiện các chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế”.
Hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi đã có nhiều đóng góp cho ngành Y học nước nhà. Với những cống hiến lớn lao ấy, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và ngành Y trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 05 lần, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế 06 lần, Bằng khen của chủ tịch tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch tỉnh Yên Bái, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh An Giang, Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam, Tổng hội y học Việt Nam, Giấy khen của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chiến si thi đua cấp Bộ Y tế, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 16 năm liên tục, Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ trưởng Bộ Y tế; Giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật, nhiều giải cao cho các báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học. Vinh dự là thế, nhưng ông tâm sự: “Với tôi, phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin tưởng của bệnh nhân và người thân của họ”.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi tham gia Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Y Hà Nội
Dành trọn cả tâm sức, trí lực cùng tấm lòng y đức cho người bệnh, PGS.TS Nguyễn Văn Chi bộc bạch niềm mong mỏi, làm sao có đủ các nguồn lực, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị tốt, điều kiện con người tốt để phát triển nâng tầm hệ thống hồi sức cấp cứu nói riêng và hệ thống y tế nói chung xứng tâm quốc tế. Là người kế thừa truyền thống từ các thế hệ bậc thầy đi trước tại đơn vị mũi nhọn A9 anh hùng, PGS.TS Nguyễn Văn Chi luôn mong muốn truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ tại A9 để tiếp tục nỗ lực xây dựng, phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu ngày càng hiện đại, hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập với thế giới.