27/07/2024 lúc 13:00 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS Nguyễn Văn Chi: Luôn tận tâm, trách nhiệm và hết lòng vì sức khỏe nhân dân

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi công tác tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu. Suốt mấy chục năm cống hiến cho ngành y, PGS.TS Nguyễn Văn Chi chưa cho phép mình ngơi nghỉ ngày nào. Ông vẫn miệt mài không ngừng với chuyên môn lâm sàng, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp, hội chẩn những ca bệnh khó…

PGS,TS Nguyễn Văn Chi – người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học mẫu mực và là một trong những chuyên gia đầu ngành của cả nước về Hồi sức cấp cứu.

…Từ sự nỗ lực, phấn đấu và tận tâm với người bệnh, say mê nghiên cứu khoa học, đào tạo giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Văn Chi đã luôn đóng góp hiệu quả cho chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, một lĩnh vực nhiều áp lực, nhiều khó khăn…

Tâm sự về chuyên ngành mình đã gắn bó cả cuộc đời, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết chuyên ngành hồi sức cấp cứu là một chuyên ngành khó, rất khắc nghiệt với nhiều áp lực, khối lượng công việc lớn với cường độ làm việc cao, nên đòi hỏi người bác sĩ có tinh thần trách nhiệm cao, phải nắm vững nhiều kiến thức chuyên môn của nhiều chuyên khoa tốt để có thể tiếp cận sớm với các vấn đề bệnh lý của bệnh nhân. Từ đó, mới có thể giải quyết tốt nhất cho người bệnh ngay từ khi người bệnh được tiếp nhận tại khoa Cấp cứu.

Lựa chọn dấn thân và theo đuổi chuyên ngành khó, điều thuận lợi với PGS.TS Nguyễn Văn Chi khi ngay từ lúc bước chân vào học bác sĩ nội trú, ông đã may mắn được học tập trong môi trường A9 đòi hỏi rất cao về chuyên môn và trách nhiệm với các thầy cô rất danh tiếng của A9 dẫn dắt, đào tạo như GS. Đỗ Đình Địch, GS. Vũ Văn Đính, GS. Nguyễn Thị Dụ,.. và các bậc đàn anh là những bác sĩ xuất sắc của A9… Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành HSCC của trường ĐH Y Hà Nội với đề tài “bệnh lý tổn thương phổi cấp”, ông về công tác tại Khoa HSCC A9 Bệnh viện Bạch Mai. PGS Chi luôn có quan điểm, muốn làm tốt cho người bệnh thì mình phải không ngừng nghiên cứu, học hỏi, cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Từ quan điểm ấy, nên vừa làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Chi vừa tích cực tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên ngành như: Chương trình cấp cứu và Y học thảm họa tại Nhật Bản; Đào tạo cấp cứu hồi sức thần kinh tại BV Saint Anthony, Mỹ; Đào tạo chuyên đề đột quỵ não của Hội đột quỵ châu Âu tại CH Áo; Chương trình chuyên đề nội tiết đái tháo đường tại Pháp; Chương trình liên trường của Đại học Nantes CH Pháp phối hợp với trường ĐH Y Hà Nội; Chương trình về đái tháo đường của Hội Khoa học Việt - Mỹ… Năm 2011, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài “Tăng đường huyết và nhồi máu cơ tim” tại Trường ĐH Y Hà Nội. Với những thành tựu nổi bật trong công tác chuyên môn và NCKH, năm 2008 ông được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú, chiến sĩ thi đua cấp Bộ 2009, tiến sĩ 2011, bác sĩ cao cấp 2015 và phong học hàm Phó Giáo sư 2018.

Nỗ lực làm việc, nỗ lực học tập để có hôm nay, nhiều đồng nghiệp, học trò và bệnh nhân luôn quý mến, hình ảnh PGS.TS Nguyễn Văn Chi - người thầy thuốc tận tụy, trách nhiệm, miệt mài với chuyên môn, nghiên cứu khoa học đồng thời cũng là người thầy giáo hết lòng vì các thế hệ học trò của của Bộ môn HSCC của trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Thăng Long và Viện đào tạo và nghiên cứu y dược Bệnh viện Bạch Mai. Trong quá trình công tác, ông đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong hoạt động điều trị, đặc biệt là điều trị bệnh lý phức tạp về tim mạch, hô hấp, đột quỵ não, đái tháo đường, chuyển hóa…

 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi hội chẩn một trường hợp cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Những năm còn khó khăn thiếu thốn phương tiện, PGS.TS Nguyễn Văn Chi đã có sáng tạo cải tiến dụng cụ hỗ trợ cho bệnh nhân, qua đó nhiều bệnh nhân được điều trị hiệu quả cao. Trong lĩnh vực đột quỵ não, PGS Chi cũng có nhiều nỗ lực đóng góp phát triển, năm 2005, PGS Chi và cộng sự tại A9 đã triển khai đề án tiêu sợi huyết stretokinase cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, sau đó đến năm 2009, lại tiếp tục cùng A9 triển khai tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột quỵ với Alteplase. PGS Chi chia sẻ, do số lượng bệnh nhân đột quỵ não vào cấp cứu tại A9 quá lớn nên việc phát triển các kỹ thuật cấp cứu đột quỵ não tiên tiến của thế giới là một yêu cầu cấp thiết, đây là thời điểm A9 nở rộ nhiều kỹ thuật mới tiên tiến như: Kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp với cửa sổ trong vòng 3 giờ và cửa sổ mở rộng từ 3 đến dưới 4,5 giờ; Kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết não thất cho bệnh nhân xuất huyết não có tắc não thất cấp; Các kỹ thuật can thiệp phối hợp với chuyên khoa điện quang can thiệp mạch não lấy huyết khối, phối hợp tiêu sợi huyết với lấy huyết khối cơ học; Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối thì dầu với cửa sổ mở rộng trên 8 giờ, can thiệp túi phình mạch não vỡ, đo áp lực sọ não liên tục; kỹ thuật theo dõi ô xy mô não; Kỹ thuật dẫn lưu não thất cấp cứu tại giường, sử dụng dung dịch NaCl ưu trương trong điều trị phù não; các kỹ thuật hồi sức thần kinh cho bệnh nhân đột quỵ… đã được ông và đồng nghiệp tại A9 nghiên cứu, đưa vào thường quy, cùng với những kỹ thuật cao chuyên sâu như can thiệp đường thở, kiểm soát huyết động, lọc máu, hạ thân nhiệt được chuyển giao cho tuyến dưới, nhiều bệnh nhân nặng được chữa bệnh kịp thời mà không phải chuyển tuyến. Công tác hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới của PGS.TS Nguyễn Văn Chi và đồng nghiệp đã giúp phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu tại các địa phương, kịp thời giúp cho người dân sớm được tiếp cận kỹ thuật và giúp giảm tải cho BV Bạch Mai.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi và Đoàn bác sĩ thiện nguyện tham gia khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 /2/ 2024

… Dấu ấn nhà quản lý, nhà khoa học tâm huyết, nhiệt thành của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai…

Với vị trí lãnh đạo của A9 và Phó Chủ tịch Hội cấp cứu Việt Nam VSEM, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, với tư duy quản lý nhạy bén ông đã đề xuất nhiều chương trình kế hoạch hiệu quả để phát triển A9 và hệ thống, do nhu cầu phát triển tháng 11/2020, với trách nhiệm trưởng khoa ông đã cùng với ban lãnh đạo khoa đề nghị bệnh viện tách đơn vị đột quỵ của A9 ra để thành lập Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai và đề xuất PGS Mai Duy Tôn phó khoa làm giám đốc Trung âm đột quỵ, phát huy thành tích của đơn vị đột quỵ A9 chỉ sau một thời gian ngắn Trung tâm đột quỵ đã giành được chứng nhận kim cương của Hội đột quỵ thế giới. Để tiếp tục phát triển theo mô hình thế giới là Trung tâm cấp cứu đa năng, ông đã tiếp tục đề nghị sát nhập khoa cấp cứu ngoại vào A9 để thành lập Trug tâm cấp cứu A9 vào tháng 1/2021 và ông đã trở thành giám đốc đầu tiên của Trung tâm cấp cứu A9 mới, cùng với sự hỗ trợ của Ban giám đốc bệnh viện trong việc mở rộng diện tích cho A9, ông cũng nỗ lực tìm nguồn hỗ trợ đểxây dựng, nâng cấp hoàn thiện cơ sở mặt bằng phục vụ cho phát triển chuyên môn kỹ thuật, xây dựng các đề án phát triển chuyên môn kỹ thuật theo kịp xu hướng và hội nhập thế giới, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bệnh viện giao cho, phát triển tốt nhất chuyên môn kỹ thuật phục vụ người bệnh.Xây dựng và phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu là một nhiệm vụ ông thường xuyên quan tâm và trực tiếp tham gia chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển hệ thống các khoa cấp cứu hồi sức và cấp cứu trước bệnh viện, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật tiến tiến trong chuyên môn lâm sàng. Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đến nay PGS.TS Nguyễn Văn Chi đã tham gia 5 đề tài cấp Bộ y tế với tư cách chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm và thành viên nghiên cứu, tham gia 5 nghiên cứu hợp tác quốc tế về đột quỵ não và tăng huyết áp trong đó có 3 nghiên cứu ông là chủ nhiêm đề tài. Ngoài ra ông còn làm chủ nhiệm 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, biên soạn và tham gia biên soạn 29 đầu sách y học, hơn 100 bài báo và công trình khoa học trong đó có 15 bài báo khoa học đăng ở các tạp chí y học quốc tế. Về kết quả đào tạo, ông đã hướng dẫn khoa học thành công cho 20 nghiên cứu sinh, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, cao học, bác sĩ nội trú, trong đó có 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ xuất sắc. Ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức 6 hội thảo quốc tế lớn thường niên về lĩnh vực cấp cứu hồi sức, quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đên từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản và nhiều quốc gia, ông đã tham dự và báo cáo khoa học tại nhiều hội thảo quốc tế và quốc gia. Ông cũng nỗ lực trong các chương trình hợp tác quốc tê với Liên đoàn cấp cứu quốc tế (IFEM), hội cấp cứu Mỹ (ACEP), Nhật Bản, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, hội cấp cứu trước viện châu Á,...

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid - 19 bùng phát trên cả nước, PGS.TS Nguyễn Văn Chi cùng với các y bác sĩ A9, BV Bạch Mai luôn sẵn sàng lên đường không quản khó khăn, nỗ lực hết mình để điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân covid nặng. Đội tiên phong chống Covid của A9 BV Bạch Mai do PGS.TS Nguyễn Văn Chi dẫn đầu đã xông pha vào các điểm nóng, vùng tâm dịch trên cả nước như Đà Nẵng, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Chí Linh, Vĩnh Phúc, Tây Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh và An Giang để trực tiếp chi viện, hỗ trợ và góp sức điều trị cho bệnh nhân. Những dấu ấn sâu đậm ấy của bệnh viện Bạch Mai, của A9 và cá nhân ông đã góp sức cùng ngành y tế cả nước từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19, giảm thiểu nguy cơ thương vong do đại dịch, mang lại sự bình yên, sức khỏe cho nhân dân.

… đến thành quả tự hào từ khát vọng và niềm trăn trở nâng tầm chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu phát triển hội nhập cùng thế giới:

Suốt nhiều năm làm việc, nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Chi vẫn luôn say mê, tận tâm theo đuổi công việc gắn bó với thực hành lâm sàng, chuyên môn. Với ông, Bệnh viện Bạch Mai như một ngôi nhà thứ hai, thân thuộc và gắn bó. Thời gian biểu của ông gần như dành trọn cho công việc chuyên môn, người bệnh và đọc sách viết bài thâu đêm. Người thầy thuốc mẫu mực, tận tâm và đáng kính ấy còn rất nhiều tâm huyết muốn gửi gắm đến các thế hệ đồng nghiệp, các học trò với một mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành hồi sức cấp cứu. Ông chia sẻ, dù chịu nhiều áp lực, khó khăn, đội ngũ cán bộ y bác sĩ ở A9 vẫn làm việc với nhiệt huyết, trách nhiệm cao với người bệnh và luôn thể hiện niềm vinh dự và tự hào là bác sĩ A9 Bạch Mai. Làm bác sĩ luôn phải chịu nhiều áp lực, ở A9 Bạch Mai, áp lực đó còn lớn hơn rất nhiều vì hầu hết các trường hợp bệnh nhân vào đây đều nặng, nguy kịch, được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên. Thời gian cấp cứu rất khẩn trương, lượng bệnh nhân lớn, cơ hội sống phụ thuộc rất nhiều vào việc xử trí sớm, đúng, tích cực.Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, dù đối mặt với bao khó khăn, áp lực và thử thách là thế nhưng các thế hệ thầy thuốc, y bác sĩ A9 suốt bao năm qua luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu phát huy tinh thần của thương hiệu A9 từ xưa đến nay là hết lòng vì người bệnh, tận tâm, trách nhiệm với người bệnh. Do đó, A9 luôn là một mũi nhọn, một tấm chắn chuyên môn quan trọng cho hệ thống lâm sàng, trong việc phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề bệnh lý của người bệnh để can thiệp hiệu quả hoặc phối hợp với các chuyên khoa trong bệnh viện can thiệp chuyên sâu cho người bệnh, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và bệnh viện. Từ nhiều năm qua A9 đã luôn nỗ lực để giữ vững danh hiệu A9 anh hùng, vị trí tiền tiêu phên dậu của bệnh viện và các khoa lâm sàng, PGS.TS Nguyễn Văn Chi chia sẻ, A9 luôn phấn đấu để ngày càng làm tốt hơn nữa, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn nữa để đáp ứng tốt nhất yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và cũng mong A9 có những điều kiện tốt hơn về đời sống thu nhập cho CBNV A9 để có điều kiện cống hiến tốt nhất dành cho người bệnh, chăm sóc điều trị cho người bệnh ngày càng tốt hơn, tiếp tục xây dựng A9 lên những tầm cao mới.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi và các đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học Hồi sức Cấp cứu toàn quốc năm 2024 tại Tp. Cần Thơ

Được biết, hệ thống cấp cứu trước bệnh viện cũng là một vấn đề quan trọng mà nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Văn Chi và đồng nghiệp còn nhiều băn khoăn trăn trở. Ông nhận định, Bộ Y tế và chuyên ngành hồi sức cấp cứu đã rất nỗ lực cho việc xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu trước bệnh viện nhưng đến nay sự phát triển vẫn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. PGS. Chi nhấn mạnh, chúng ta rất cần một cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, tạo cơ hội tốt cho phát triển cấp cứu trước bệnh viện. Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu hồi sức, sau 16 năm quy chế ra đời, hệ thống  hồi sức cấp cứu đã có nhiều bước phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, công cuộc chống dịch covid vừa qua là phép thử khách quan cho chuyên ngành hồi sức cấp cứu đã cho thấy nhiều khu vực tỉnh, thành vẫn còn quá thiếu và yếu. PGS. Chi bộc bạch niềm mong mỏi hệ thống y tế có đủ nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị tốt, điều kiện con người tốt để phát triển nâng tầm hệ thống hồi sức cấp cứu nói riêng và hệ thống y tế nói chung xứng tầm nhiệm vụ và hội nhập quốc tế. Là người kế thừa truyền thống từ các thế hệ bậc thầy đi trước, PGS.TS Nguyễn Văn Chi luôn tận tâm truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ kế nhiệm để tiếp tục nỗ lực xây dựng, phát triển A9 và phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu ngày càng hiện đại, hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập sâu rộng với thế giới, có tiếng nói chung với thế giới, ông rất tự hào là lần đầu tiên ở Bệnh viện Bạch Mai có Giám đốc Bệnh viện PGS. Đào Xuân Cơ trưởng thành từ chuyên ngành hồi sức cấp cứu, đang rất nỗ lực phát triển bệnh viện và rất quan tâm đến chuyên ngành hồi sức cấp cứu, ông cũng rất tự hào về đội ngũ kế nhiệm ông là những bác sĩ rất xuất sắc như PGS. Nguyễn Anh Tuấn, PGS. Mai Duy Tôn, PGS. Đỗ Ngọc Sơn, PGS. Lương Quốc Chính, TS. Nguyễn Hữu Quân, TS. Trần Hữu Thông, TS. Đào Việt Phương, TS. Nguyễn Tuấn Đạt... và nhiều bác sĩ khác, ông coi đội ngũ đó là tài sản quý giá nhất của A9 và bệnh viện Bạch Mai.

Phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu luôn là những mong ước, khát vọng và tâm huyết lớn nhất của PGS.TS Nguyễn Văn Chi nhằm xây dựng và phát triển hệ thống hồi sức cấp cứu hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập.

 

Tiến Đức