08/01/2025 lúc 21:40 (GMT+7)
Breaking News

PGS.TS.NCVCC.Trần Huy Hoàng: Sáng danh dòng tộc khoa bảng

Đầu Xuân, tôi có duyên trò chuyện với Tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp Trần Huy Hoàng - Trưởng phòng thí nghiệm Kháng kháng sinh, Phó trưởng khoa Vi khuẩn - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Anh là một nghiên cứu viên cao cấp gắn bó với chuyên ngành đặc thù “Y tế công cộng”, “Kháng kháng sinh” vinh dự công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2024. Anh đã tiếp nối truyền thống dòng tộc gia đình, dành trọn tâm huyết của mình trên con đường Y khoa.

PGS.TS. NCVCC. Trần Huy Hoàng - Trưởng phòng thí nghiệm Kháng kháng sinh, Phó trưởng khoa Vi khuẩn - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Tiếp nối truyền thống đại gia đình hiếu học.

Nguyên quán PGS.TS. Trần Huy Hoàng ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nhưng anh sinh ra và lớn lên tại Sơn La, trong dòng tộc khoa bảng thời phong kiến. Cụ tổ chi Hải Dương là Trần Huy Liễn, đăng khoa tiễn sĩ năm 1779 chiều Lê Cảnh Hưng, được phong là đông các đại học sĩ; tiếp theo là Cụ Trần Huy Đan, đăng khoa Tiến sỹ triều Tự Đức năm 1856 và thời này có gần chục người đỗ Tiến sĩ.

Đến thế hệ gia đình anh, vốn theo truyền thống ngành Y (có bố mẹ đều là bác sĩ công tác trên tỉnh Sơn La). Để rồi đến thế hệ anh, cả 5 anh chị em đều tiếp nối truyền thống quý báu đó, theo học ngành Y cao quý. Trong đó nhiều người đạt chuẩn chức danh Giáo sư, như: Giảng viên, bác sĩ Trần Mai Huyên (1968) - Trường cao đẳng Y tế Hà Nội; GS.TS, GVCC. Trần Vân Khánh (1973) - Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử; Giám đốc Trung tâm Gen-protein, Trường ĐH Y Hà Nội và GS.TS Trần Huy Thịnh (1978) - Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, Trưởng phòng NCKH - Trường ĐH Y Hà Nội (trong đó GS. Trần Vân Khánh đã giành giải thưởng L'oreal-UNESCO cho nhà nữ khoa học trẻ có thành tích vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học năm 2011; đạt giải thưởng Kovalevskaia dành cho nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học năm 2017; Chị đã được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019,…) và GS. Trần Huy Thịnh là 1 trong 2 nghiên cứu sinh người Việt của GS. Tasuku Honjo người đạt giải thưởng Nobel Y học và Sinh lý học năm 2018; TTƯT, TS.BS. Trần Huy Thọ (1975) - Phó Giám đốc thường trực bệnh viện Đặng Văn Ngữ, là 1 trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành Ký sinh trùng; và anh, TS. Trần Huy Hoàng – vừa được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành Y học. Hiện nay, các thế hệ con, cháu anh vẫn nối dõi truyền thống ngành Y. Đại gia đình có 4 con, cháu đang theo học Đại học Y khoa (trong đó có con gái anh, hai cháu trai con chị cả và con trai GS. Khánh).

Và điều ít người biết về TS. Trần Huy Hoàng, tốt nghiệp chuyên ngành Vệ sinh Dịch tễ, trường ĐH Y Hà Nội năm 1994. Sau đó anh về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với vai trò Nghiên cứu viên, Phòng thí nghiệm Vi khuẩn đường ruột, Khoa Vi khuẩn.

Tại đây, anh được cử đi học cao học tại ĐH Tổng hợp Oslo, Na-Uy, năm 2003 nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành: Y tế công cộng. Về nước, anh tiếp tục công tác nghiên cứu viên và làm Nghiên cứu sinh tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Năm 2014 anh nhận bằng Tiến sĩ, chuyên ngành Y tế công cộng.

Năm 2012, anh được bổ nhiệm Trưởng phòng thí nghiệm Kháng kháng sinh, Phó trưởng khoa Vi khuẩn - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Nhà khoa học tràn đầy năng lượng…

Quá trình công tác, PGS.TS, NCVCC. Trần Huy Hoàng chuyên tâm các hướng nghiên cứu: Dịch tễ học phân tử và ứng dụng các kỹ thuật SHPT nghiên cứu vi khuẩn kháng kháng sinh trong bệnh viện và cộng đồng; Nghiên cứu đặc điểm vi sinh, dịch tễ học và sinh học phân tử của vi khuẩn gây bệnh đường ruột;…

Có biết bao kỷ niệm với nghề, nhâm nhi chén trà ấm, anh chia sẻ: “…Ngay từ năm 2007, sự xuất hiện của ổ dịch tả đã trở thành cảnh báo đối với các nhà khoa học về tốc độ kháng kháng sinh mạnh mẽ của vi khuẩn tại Việt Nam.Vi khuẩn này đe dọa hiệu quả điều trị của kháng sinh và gia tăng gánh nặng cho các bệnh truyền nhiễm - nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc, tử vong cao. Anh cùng các cộng sự là những người đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và phát hiện được các vi khuẩn gram âm mang các gene như KPC và NDM-1 kháng lại carbapenem - nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay và thuộc nhóm "lựa chọn cuối cùng" của các chủng vi khuẩn Gram âm phân lập trên các bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện và trong môi trường bệnh viện….Để rồi, năm 2016, Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài nghiên cứu "Đánh giá thực trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn tại Việt Nam, xác định đặc điểm cấu trúc gene và yếu tố liên quan của các vi khuẩn kháng thuốc thường gặp ở Việt Nam" do anh làm chủ nhiệm. Nghiên cứu này thực hiện ở mức độ cao hơn, định danh nhanh vi khuẩn, nấm; kỹ thuật PCR phát hiện gene kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn. Đặc biệt việc giải toàn bộ trình tự genome của vi khuẩn bằng máy giải trình tự gene thế hệ mới (Miseq) giúp phân tích sâu về hệ gene của vi khuẩn kháng kháng sinh. Sau ba năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện kỹ thuật khoanh giấy kháng sinh khuếch tán, PCR phát hiện gene kháng kháng sinh đạt chứng nhận ISO 15189. Quy trình ứng dụng phần mềm phân tích hệ gene giúp vận hành phòng nghiên cứu chuyên sâu về hệ gene của vi khuẩn KKS tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng được xây dựng, từng bước hình thành phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia có chức năng khẳng định kết quả định danh, kháng sinh đồ, PCR và phân tích sâu hệ gene phát hiện các biến thế mới của vi khuẩn kháng kháng sinh. "Từ các phân tích sẽ giúp tìm ra giải pháp, xây dựng chiến lược phòng, chống vi khuẩn kháng kháng sinh trong tương lai"”.

Bên cạnh những đóng góp nổi bật trong nghiên cứu khoa học Kháng kháng sinh, anh đã hoàn thành 06 đề tài NCKH, trong đó 01 đề tài Nghị định thư cấp Nhà nước; 01 đề tài cấp Nhà nước; 02 đề tài Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (Nafosted) và 02 đề tài cấp cơ sở, chủ nhiệm 01 đề tài Nghị định thư cấp Nhà nước; 01 đề tài Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (Nafosted) và 01 đề tài cấp cơ sở. Đặc biệt anh có thành tích đáng nể, đã công bố trên 100 bài báo khoa học, trong đó 36 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; đã xuất bản 01 chương sách, thuộc nhà xuất bản uy tín: Đại học Oxford (Oxford University Press). Anh còn tgia giảng dạy tại các Trường, Viện: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Trường ĐH Y Hà Nội; Trường ĐH Y Khoa Vinh và hướng dẫn thành công 03 NCS và nhiều học viên hoàn thành chương trình Thạc sĩ,….

Tiếp tục cống hiến công sức của mình cho khoa học ngành Y tế công cộng.

TS, NCVCC. Trần Huy Hoàng luôn đề cao chuẩn mực đạo đức kép trong nghề y, bao gồm cả y đức và đạo đức nghề nghiệp. Anh cho rằng, y đức và y thuật phải song hành chặt chẽ với nhau, tạo nên mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Niềm vui lớn nhất là mang lại giá trị tích cực cho bệnh nhân và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là sự trăn trở trước những điều chưa hoàn thiện, anh luôn nỗ lực vượt qua mọi thử thách và khó khăn trong nghề, xem đó là con đường để thực sự tiến bộ và nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ ngành Y.

Vậy nên, dù ở cương vị nghiên cứu viên, Trưởng phòng thí nghiệm Kháng kháng sinh, Phó trưởng khoa Vi khuẩn - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; hay tham gia giảng viên giảng dạy ở các Trường Đại học, Viện hiện nay, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Anh thường xuyên đổi mới về phương pháp, cập nhật về nội dung giảng dạy và đặc biệt chú trọng phát triển khả năng tư duy độc lập, cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm nghiên cứu và cho học trò. Đồng nghiệp luôn nhận thấy tinh thần cầu thị và sự nỗ lực học hỏi vươn lên hoàn thiện bản thân từ anh. Anh luôn nhận được sự quý mến từ đồng nghiệp, các nghiên cứu viên.

Với những cống hiến thầm lặng ấy, TS, NCVCC. Trần Huy Hoàng nhận được nhiều danh hiệu CSTĐ cấp Cơ sở, được Bộ Y tế tặng Bằng khen. Niềm vui nhân đôi, đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 2024 anh vinh dự được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành Y học.Anh đã tiếp nối truyền thống đại gia đình để có được những thành quả đáng tự hào trong ngành Y.

Việt Hùng