PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Thọ - Trưởng bộ môn Lao và Bệnh Phổi, Khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM.
Tin yêu chuyên ngành đã chọn.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1975 trong gia đình nông dân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa năm 2000 tại Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, anh tiếp tục học Bác sĩ nội trú bệnh viện, chuyên ngành: Lao và Bệnh Phổi. Năm 2004 tốt nghiệp bác sĩ nội trú, anh được giữ lại làm Giảng viên Bộ môn Lao và Bệnh Phổi; Khoa Y, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Duyên phận nghề giáo bén duyên từ đây. Bên cạnh đó, anh làm Bác sĩ điều trị tại các khoa lâm sàng khác nhau như khoa Bệnh lao, ung thư phổi và bệnh phổi không lao tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch từ năm 2004 đến nay.
Năm 2008 tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lao và Bệnh Phổi, sau đó anh được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, năm 2015 anh nhận bằng Tiến sĩ Y học chuyên ngành: Nội hô hấp - Trường Đại Học Y Khoa Shiga, Nhật Bản. Trong thời gian 5 năm tại Nhật Bản, anh đã từng làm nghiên cứu viên người nước ngoài, sau đó là Giáo sư trợ lý (Assistant Professor) tại Phân môn Nội Hô hấp, Trường Đại Học Y Khoa Shiga. Anh còn được cử đi học tập nâng cao tại nhiều nước trên thế giới.
Được tín nhiệm, TS.BS. Nguyễn Văn Thọ được bổ nhiệm Phó trưởng Bộ môn, Bộ môn Lao và Bệnh Phổi, Khoa Y, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (2017-2018), Phụ trách Bộ môn Lao và Bệnh Phổi (2018-2020); Từ 2020 đến nay anh giữ cương vị: Trưởng bộ môn Lao và Bệnh Phổi, Khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM.
Những năm tháng gắn bó với Bộ môn Lao và Bệnh Phổi, Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, anh luôn tận tâm trong công tác giảng dạy, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lao và bệnh phổi. Anh chuyên tâm các hướng nghiên cứu: (1) Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán bệnh lao phổi và đánh giá di chứng của lao phổi; (2) Ứng dụng hình ảnh học và chức năng hô hấp trong phân loại kiểu hình và theo dõi diễn tiến các bệnh lý đường thở như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; (3) Tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư phổi bằng CT ngực liều thấp và nội soi phế quản;… Đặc biệt những năm nước ta bị ảnh hưởng dịch bệnh covid -19 luôn là một thách thức, cũng chính là cơ hội để anh và đồng nghiệp phát triển nghề và hỗ trợ cộng đồng. Anh góp phần nhỏ bé công sức của mình trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM, nhờ đó anh được Bộ Y tế và UBND TPHCM tặng Bằng khen.
PGS.TS.BS. Nguyễn VănThọ (thứ 2 từ phải qua) được bầu làm Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Hen-Dị Ứng-Miễn dịch lâm sàng TPHCM nhiệm kỳ 2024-2029.
Anh để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp trong công tác giáo dục của chuyên ngành được trân trọng là nghề cao quý. Anh tham gia giảng dạy, hướng dẫn thành công nhiều khóa luận, luận văn cho sinh viên, học viên cao học, BSCKI, BSCKII, Nội trú,… Đến nay, anh đã công bố hơn 40 bài báo khoa học, trong đó gần 20 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Anh còn tham gia viết và xuất bản 07 sách, trong đó có 04 cuốn hướng dẫn, tham khảo, chuyên khảo thuộc nhà xuất bản có uy tín. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất của anh trong công tác giảng dạy là kết quả các thế hệ sinh viên, học viên ra trường gặt hái nhiều thành tích tốt, được nhiều thế hệ sinh viên và đồng nghiệp quý mến, bên cạnh đó là công tác khám, chữa bệnh thành công cho người bệnh.
Niềm vui nhân đôi, đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, anh vinh dự được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành Y học, chuyên ngành đặc thù: Lao.
Những dấu ấn cùng nghề.
Những gì thầy giáo, thầy thuốc Nguyễn Văn Thọ đã và đang làm rất đáng được ghi nhận và trân trọng! Một nhà giáo luôn mang trong mình niềm khát khao được cống hiến và sẻ chia nỗi đau bệnh tật cùng cộng đồng và các thế hệ học trò. Người bác sỹ luôn đặt cái tâm lên hàng đầu để phục vụ bệnh nhân, đó chính là lấy “y đức làm nền móng”, “lấy y thuật làm căn bản” để đóng góp sức lực và trí tuệ nhỏ bé của mình cho công cuộc chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật nhân dân.
Đồng nghiệp, sinh viên, học viên và người bệnh đã và đang làm việc với anh, đều có chung cảm nhận: tân PGS. Nguyễn Văn Thọ là một thầy giáo mẫu mực, tâm huyết, yêu thương học trò và đầy trách nhiệm; một bác sĩ tận tâm. Cho dù ở cương vị giảng viên, bác sĩ hay Trưởng bộ môn Lao và Bệnh Phổi, Khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM, thì anh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Anh thường xuyên đổi mới về phương pháp, cập nhật về nội dung giảng dạy và đặc biệt chú trọng phát triển khả năng tư duy độc lập, cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho học trò. Anh luôn truyền động lực cho sinh viên, học viên trong học tập và phát triển nghề nghiệp. Anh cũng mong muốn các thế hệ sinh viên, học viên, bác sĩ trẻ phát huy tư duy phản biện, tinh thần của tuổi trẻ để đóng góp cho ngành Y học nói chung, cho chuyên ngành Nội Hô hấp, Lao và bệnh phổi nói riêng.
PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Thọ chụp hình lưu niệm với sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM trong giảng đường tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Và anh luôn thấu hiểu hơn ai hết những vất vả, gian nan của một nghề cao quý - nghề chữa bệnh cứu người. Đối diện hàng ngày, hàng giờ với yêu cầu cấp bách chữa bệnh cứu người, không ít trường hợp bệnh nhân nặng, khó chữa, nhưng nhờ bản lĩnh nghề nghiệp, sự quyết đoán và đặc biệt là lòng yêu thương con người nơi anh và các y bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua được phút hiểm nghèo trong sự “vỡ òa” niềm vui hạnh phúc của mọi người.
PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Thọ luôn nêu cao y đức và y thuật trong công tác giảng dạy và khám chữa bệnh. Anh cho rằng y đức và y thuật phải luôn luôn song hành và có mối quan hệ hết sức mật thiết. Sẽ rất vui với những điều mình làm được cho người bệnh, cho sinh viên, học viên của mình; nhưng cũng luôn trăn trở với những cái mà mình chưa làm được, phải đối mặt và cố gắng vượt mọi khó khăn thì mới có được sự tiến bộ thực sự. Ở vai trò Thầy giáo, phải là nền tảng vững chắc về kiến thức, thắp sáng niềm tin và nhiệt huyết cho các thế hệ sinh viên. Ở vai trò người Thầy thuốc, phải là chỗ dựa về chuyên môn và tinh thần vững chắc để người bệnh trao gửi niềm tin, yên tâm điều trị.
Nụ cười tươi, khiêm nhường, vui vẻ trong từng câu chuyện, hình ảnh tân Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thọ luôn hằn trong suy nghĩ chúng tôi về và các thế hệ học viên, sinh viên, người bệnh về một người song hành hai vai “Thầy giáo, Thầy thuốc” luôn nỗ lực vì sinh viên, vì người bệnh, vì ngành, vì khoa học.