Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng vay vốn bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là hộ nghèo có chủ hộ hoặc có vợ, chồng của chủ hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.
Khách hàng vay vốn được sử dụng vốn vào các mục đích: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, hỗ trợ nhà ở và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
(-) Mức cho vay, lãi suất, thời hạn vay vốn của từng đối tượng cụ thể như sau:
Đối với cho vay hỗ trợ đất ở: Khách hàng vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí để có đất ở (chi phí tạo mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai), với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/khách hàng; lãi suất 3%/năm; thời hạn cho vay tối đa 15 năm. Trong đó 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc.
Đối với cho vay hỗ trợ nhà ở: Khách hàng vay vốn để sử dụng vào việc trang trải chi phí xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở; mức cho vay tối đa 40 triệu đồng/khách hàng; lãi suất 3%/năm và thời hạn vay vốn tối đa 15 năm. Trong đó 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc.
Đối với cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Khách hàng vay vốn để sụng dụng vào mục đích trang trải chi phí để tạo quỹ đất sản xuất (chi phí khai hoang, phục hóa, cải tạo đất sản xuất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất theo quy định của pháp luật đất đai); chi phí học nghề, chuyển đổi nghề (chi phí mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác). Mức cho vay đối với hỗ trợ đất sản xuất tối đa 77,5 triệu đồng/khách hàng; đối với cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề mức cho vay tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ (hiện nay là 10 triệu đồng/khách hàng); lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; thời hạn cho vay tối đa 10 năm.
Đối với cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị: Đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.
(-) Điều kiện vay vốn:
Đối với hộ nghèo, cận nghèo: Hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng điều kiện vay vốn theo chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại NHCSXH, có tên trong danh sách thành viên tham gia chuỗi giá trị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (UBND cấp huyện phê duyệt đối với dự án do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư; UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Thủ trưởng sở, ban, ngành trực thuộc phê duyệt đối với dự án do cơ quan, đơn vị cấp tỉnh làm chủ đầu tư). Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: Được thành lập, hoạt động hợp pháp, có phương án vay vốn để tham gia chuỗi giá trị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận tham gia vào chuỗi giá trị. Được NHCSXH nơi cho vay tham gia thẩm định phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của NHCSXH và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Mục đích sử dụng vốn vay: Khách hàng được vay vốn để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(-) Mức cho vay, thời hạn cho vay:
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo: Mức cho vay, thời hạn cho vay áp dụng theo quy định hiện hành về chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại NHCSXH.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: Mức cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.
(-) Lãi suất cho vay:
Đối với hộ nghèo: Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
Đối với hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã: Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ.
Phạm Hòa