05/11/2024 lúc 20:59 (GMT+7)
Breaking News

Pacific Airlines: Ngập trong nợ nần, nguy cơ chấm dứt hoạt động

Sau ba lần tái cơ cấu, Pacific Airlines liên tục âm vốn chủ sở hữu, báo cáo tài chính mới nhất của Vietnam Airlines cho thấy, đến tháng 6/2022, tình hình tài chính của Pacific Airlines thiếu hụt nghiêm trọng, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động.
Pacific Airlines: Tình hình tài chính rất nghiêm trọng, nguy cơ chấm dứt hoạt động

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và dự kiến tổ chức vào ngày 28/6 tới đây.

Theo báo cáo của HĐQT Vietnam Airlines, đợt dịch Covid-19 lần 3 đã làm doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021 mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines gần như bị đóng băng, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt 489.000 khách, bằng 1,4% trước đại dịch (năm 2019). Trong khi đó, thị trường nội địa chỉ đạt 14,6 triệu khách, giảm 61% so với năm 2019 và thấp hơn 47% so với dự báo.

Hai yếu tố trên khiến các hãng hàng không Việt Nam chỉ khai thác được 60-70% công suất của đội tàu bay. Do dư thừa cung, giá vé máy bay cũng giảm 34% so với cùng kỳ.

Vietnam Airlines cho rằng nếu dịch Covid được kiểm soát như hiện nay và không phát sinh các biến chủng mới thì đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi trước dịch bệnh.

Năm 2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng và giải ngân khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, hoàn thành phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 7.961 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Tại đợt phát hành này, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đầu tư gần 6.895 tỷ đồng để mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines...

Liên quan đến đề án tái cơ cấu tổng thể, Vietnam Airlines cho biết đến thời điểm hiện nay (tháng 6/2022), sau khi rà soát, cập nhật số liệu chi tiết của các kịch bản và kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2022 - 2025 sát với tình hình thực tế, doanh nghiệp đã hoàn thiện các nội dung đề án, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, về việc tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết thực hiện chủ trương đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, HĐQT của công ty đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.

"Đến thời điểm này (tháng 6/2022), tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn, đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động", Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines

Noài ra, Vietnam Airlines cũng cho biết quy trình lựa chọn nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

Đối với việc nhượng vốn tại Cambodia Angkor Air (K6), Vietnam Airlines cho biết năm 2021 đã hoàn tất việc đàm phán và thực hiện ký kết bộ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho K6. Trogn quý I/2022, về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Về chủ trương bán 6 tàu ATR72, Vietnam Airlines cho biết do thị trường tàu bay chưa thuận lợi nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất việc bán các tàu bay này. Năm 2022, Vietnam Airlines khẳng định sẽ tiếp tục triển khai bán các tàu bay này kể cả theo hình thức "sale and lease back".

Về chủ trương bán 5 tàu A321 CEO năm 2019 và 9 tàu A321 CEO năm 2020, Vietnam Airlines cho biết đã bán 5 tàu sản xuất 2004-2005, còn 9 tàu sản xuất 2007-2008 mặc dù thực hiện bán 2 lần vào năm 2021 nhưng chưa thành công.

Năm 2022, Vietnam Airlines cho biết đang triển khai bán 2 tàu (VN-A353 và VNA354) thông qua hình thức bán và thuê lại sau khi chuyển đổi cấu hình sang tàu chở hàng. Hãng cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai bán 7 tàu còn lại trong thời gian tới.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 17 triệu khách; 271,2 nghìn tấn hàng hóa. Doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 45.252 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là âm 9.335 tỷ đồng; tổng kinh phí đầu tư 376 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng trình đại hội đồng cổ đông sửa đổi điều lệ, bổ sung 1 điều khoản về chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines theo hướng đảm bảo nguyên tắc thị trường công khai,minh bạch.

Cũng theo tài liệu đại hội đồng cổ đông, Vietnam Airlines dự kiến bầu bổ sung ông Hiroyuki Kometani vào HĐQT, thay thế ông Tomoji Ishii từ nhiệm cuối tháng 3/2022. Ông Hiroyuki Kometani sinh năm 1965, hiện là phó chủ tịch cấp cao, giám đốc chiến lược tập đoàn và sáng tạo tương lai tại ANA Holdings.

Vietnam Airlines hiện đang điều hành 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco. Tại ngày 31/12/2021, tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines là 68,85%. Cổ đông lớn thứ hai của Pacific Airlines với tỷ lệ sở hữu 30% là Qantas Group. Đến năm 2020, Qantas Group đã tặng lại Vietnam Airlines 30% cổ phần của Pacific Airlines.

Trong quý I/2022, HĐQT Vietnam Airlines đã ban hành nghị quyết về việc tiếp nhận toàn bộ cổ phần được tặng và nâng tỷ lệ kiểm soát vốn tại Pacific Airlines lên gần 99%.

Pacific Airlines hiện nay có vốn điều lệ là 3.522 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong các hãng hàng không của Việt Nam.

Đinh Tịnh - Văn Hiệp