Ngày 8/7 vừa qua, HĐQT Novaland đã tổ chức họp và thông qua việc hủy bỏ thực hiện phương án phát hành và rút hồ sơ chào bán trái phiếu ra công chúng đã nộp cho Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước theo các Nghị quyết số 91, Nghị quyết số 92 và Nghị quyết số 134. Lý do là Novaland điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với tình hình kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước.
Trước đó, Novaland từng bị Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn các Nghị quyết số 91 về phương án phát hành trái phiếu ra công chúng và Nghị quyết số 134 về việc sửa đổi nội dung Điều 1 Nghị quyết số 91.
Trên website của Novaland, các Nghị quyết số 91 và 134 năm 2021 cũng không được đăng tải. Trong khi Nghị quyết 92 cho thấy, NVL sẽ dùng bất động sản và các tài sản khác (nếu cần thiết) để đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu 1.500 tỷ đồng.
Novaland được biết đến là doanh nghiệp gia đình của Cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn trực thuộc Tập đoàn NovaGroup, tiền thân là Công ty TNHH Thành Nhơn, do ông Bùi Thành Nhơn sáng lập từ năm 1992.
Sau 30 năm thành lập, hiện NovaGroup trải qua 2 lần tái cấu trúc. Năm 2007, NovaGroup tái cấu trúc lần thứ nhất thành hai tổng công ty: Anova Corporation (lĩnh vực thuốc thú ý, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm...) và tham gia vào lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Novaland Group.
Trong những năm qua, để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của NVL, các thành viên trong gia đình ông Bùi Thành Nhơn như bà Cao Thị Ngọc Sương, Bùi Cao Nhật Quân đã dùng cổ phiếu sở hữu tại NVL làm tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các công ty là cổ đông lớn của Novaland cũng dùng cổ phần để đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho các đợt phát hành trái phiếu của NVL.
Vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, Novaland đã đẩy mạnh vay nợ qua kênh trái phiếu.
Trong năm 2021, nợ vay trái phiếu của Novaland đã tăng 11.000 tỷ đồng so với đầu kỳ lên đến gần 37.000 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu do Novaland và các công ty con phát hành lãi suất dao động khoảng 9,5% - 11%/năm. Đa số tài sản bảo đảm là cổ phần của công ty thuộc sở hữu của các cổ đông.
Mục đích huy động vốn nhằm tăng quy mô hoạt động và thực hiện góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển Dự án đảo Phượng Hoàng, dự án NovaWorld Hồ Tràm; góp vốn vào Công ty TNHH đầu tư bất động sản Khánh An; góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển dự án Khu đô thị tại xã Long Hưng, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai; các dự án tại cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh...
Cũng trong năm 2021, Tập đoàn NovaGroup tái cấu trúc lần 2 với 8 tổng công ty thành viên: Novaland, Nova Service, Nova Consumer, Nova Tech, Nova Capital Partners, Nova Logistic, Nova Industry, Nova Finance. NovaGroup hướng đến tầm nhìn trở thành tập đoàn đầu tư và phát triển kinh tế hàng đầu Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực: dịch vụ - công nghệ - công nghiệp.