07/11/2024 lúc 07:46 (GMT+7)
Breaking News

Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Đã đến lúc nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn

Là nơi có điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp thuận lợi nhất và được đầu tư nhất cả nước, song, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, điều đó là chưa đủ để “cất cánh” cho nền nông nghiệp đất “Chín rồng”. Điều quan trọng nhất lúc này là cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

Là nơi có điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp thuận lợi nhất và được đầu tư nhất cả nước, song, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, điều đó là chưa đủ để “cất cánh” cho nền nông nghiệp đất “Chín rồng”. Điều quan trọng nhất lúc này là cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Đã đến lúc nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn

Từ trăn trở của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 6/3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp Đất Chín Rồng xanh-sinh thái-bền vững,” do Bộ NN&PTNT và UBND của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức.

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ "rất trăn trở" với ĐBSCL, vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung là thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vì sao ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế? Phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phát triển ĐBSCL như thế nào, Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.

Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước), có truyền thống lịch sử văn hóa, rất hào hùng trong chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đầu tư cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trong vùng có nhiều nỗ lực nên vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những bước phát triển vượt bậc.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm lực. Nguyên nhân do có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức lớn như: việc chuyển đổi tư duy sản xuất còn chậm, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ lực. Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ.

Sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng bởi những tác động khách quan như: biến đổi khí hậu-nước biển dâng; các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong...

Thủ tướng lấy ví dụ điển hình về sự phát triển Phú Quốc của Kiên Giang-huyện đảo chiếm 0,18% diện tích cả nước, với tư tưởng đột phá là phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế. Muốn vậy, trước hết phải phát triển hạ tầng với việc làm sân bay, đầu tư về điện, nước ngọt và một số cơ chế, chính sách, từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy đầu tư của Nhà nước không đáng bao nhiêu so với đầu tư của tư nhân khi các nhà đầu tư tự tìm đến hòn đảo này và trong khoảng 10 năm qua, Phú Quốc phát triển rất nhanh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu 3 vấn đề quan trọng của ĐBSCL đó là phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và cách quản trị, liên kết vùng. 13 tỉnh thành không thể phát triển rời rạc được mà phải là một thực thể nhưng không trông chờ ỷ lại vào nhau. Liên kết chặt chẽ nhưng lấy sự độc lập để thúc đẩy liên kết. Cuối cùng là thị trường, rất quan trọng quyết định phát triển sản phẩm của ĐBSCL.

“Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã giải quyết được gì rồi? Bây giờ về thể chế cần làm gì, phạm vi của Chính phủ phải làm ngay việc gì?”, Thủ tướng nói và cho biết, sau hội nghị này sẽ có Chỉ thị của Thủ tướng để giải quyết rốt ráo hơn các vấn đề còn tồn tại ở ĐBSCL để giúp khu vực này phát triển nhanh hơn nhưng bền vững.

Đã đến lúc nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn

Trước những trăn trở của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” và đã đến lúc cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

Theo Bộ trưởng, nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL, đang đối mặt những thách thức lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh Covid-19 và những sự kiện thời sự nóng bỏng những ngày gần đây là minh chứng rõ nét về một thế giới đầy rẫy "biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ".

"Nhưng theo tôi, còn thách thức lớn hơn, được nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn, đó là, một nền nông nghiệp "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát", "thiếu tính liên kết vùng". Thách thức đó, như một lời nguyền, nếu không vượt qua được, thì sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất, và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, với sự thay đổi nhanh chóng, khó lường của xu thế toàn cầu, vừa mở ra nhiều cơ hội nhờ các hiệp định thương mại, vừa đối mặt các rào cản liên quan đến bảo hộ mậu dịch và chiến lược tự chủ lương thực của nhiều quốc gia", Bộ trưởng nói.

Đồng thời, gần 10 triệu hộ nông dân tại ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy thoái, sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Vùng nguyên liệu cây ăn trái, thuỷ sản, lúa gạo tương đồng, phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.

Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thoả đáng những nút thắt vừa nêu, thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu. Chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, lại càng thêm xa.

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Bộ trưởng cho biết, một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với ông: "Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta – ĐBSCL".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Liên kết Vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước – Thị trường – Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.

Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ khai trương Văn phòng điều phối Nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.  

Đồng thời Bộ sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp cấp Vùng.

Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.

Bộ NN&PTNT hiện đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.

Ngay tại Hội nghị ngày hôm nay, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, cùng UBND, thành phố ĐBSCL sẽ ký kết chương trình phối hợp về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.