08/05/2024 lúc 07:34 (GMT+7)
Breaking News

Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ở nước ta, nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện nay, nông thôn là địa bàn sinh sống của 65,6% dân số cả nước với cộng đồng 54 dân tộc, thống nhất trong đa dạng văn hóa; cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống con người và phục vụ các ngành kinh tế quốc dân; là nơi sản sinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; có vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái... Chính vì vậy, giai cấp nông dân không chỉ giữ vai trò trung tâm và quyết định đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Nông dân - lực lượng đông đảo, hùng hậu của cách mạng
Trong suốt chiều dài lịch sử của nước ta, đời sống và sản xuất của giai cấp nông dân luôn là cội nguồn của nền văn hóa dân tộc; nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc của nước nhà. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong thế kỷ XX có sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sinh thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người khẳng định: “Công nông là gốc cách mệnh” (1), vì thế, phải “tổ chức dây cày”, “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng” (2). Trong Sách lược vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, (thông qua ngày 3/2/1930) đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ phong kiến” (3). Luận cương chính trị của Đảng tháng 10/1930 nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền” (4). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giai cấp nông dân trong mối quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân” (5).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã đoàn kết, tập hợp trong tổ chức Tổng Nông hội Đông Dương - tổ chức tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam sau này. Trong từng giai đoạn cách mạng, giai cấp nông dân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính giai cấp nông dân và chủ yếu cũng là nông dân đã cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ độc lập dân tộc và giang sơn đất nước.
Theo đó, trong những năm tháng lầm than của cả dân tộc, nhân dân ta “một cổ ba tròng”, thì phong trào yêu nước của nông dân là “bà đỡ” cho phong trào công nhân phát triển và là điều kiện thúc đẩy cho Đảng ra đời. Từ khi thành lập Đảng Cộng sản (1930), giai cấp nông dân một lòng đi theo Đảng, chống sưu cao thuế nặng, đòi giảm tô, giảm tức, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh, chống đế quốc-phát xít, phong kiến tay sai phản động, chống thu thuế, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, với các khẩu hiệu như “Chống nhổ lúa để trồng đay”, “Đoàn kết dân tộc, đánh đuổi Nhật - Pháp”, “Phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói”; xây dựng căn cứ địa cách mạng, chớp thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa bàn nông thôn là căn cứ địa của 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Có thể nói, trong những lúc khó khăn nhất, địa bàn nông thôn là chỗ dựa của cách mạng, là nơi bảo vệ, chở che cái nôi cách mạng; giai cấp nông dân là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền nhân dân còn non trẻ và những lúc khó khăn nhất, Đảng, chính quyền đã dựa vào nông dân. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thông qua các phong trào rộng khắp như “Phong trào thi đua ái quốc, sản xuất lập công đề cao chiến sĩ”; xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”; “Bình dân học vụ”; “Phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc”, phong trào rào làng kháng chiến, diệt tề trừ gian, chống khủng bố, chống bắt phu, bắt lính… thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; các phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, “chắc tay súng, vững tay cày”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”; phong trào đấu tranh chính trị, đồng khởi, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng, phá ấp chiến lược, chống đàn áp, bắt bớ... trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, giai cấp nông dân tiếp tục đóng góp sức người, sức của cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến thắng lẫy lừng, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc. Để có được những tháng lợi trên, hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường là nông dân.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng, Đảng ta đã đánh giá vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là: Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thực chất là cuộc cách mạng của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng...
Góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển
 Giai cấp nông dân và kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là 3 nhân tố góp phần quan trọng để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm của thập niên 1980. Kể từ những năm đầu thập niên 1990, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, đặc biệt, xuất khẩu gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản... nhiều năm liền đứng tốp đầu trên thị trường thế giới.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” cho nền kinh tế và là “tiền đề” cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực khác thành công. Trong đó, giai cấp nông dân đang là chủ lực quân của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đang là chủ thể, lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Đảng, đứng trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng với những yêu cầu khắt khe của thị trường và những khó khăn dồn dập do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh..., nông dân nước ta một lần nữa lại phát huy truyền thống quả cảm của mình, không chỉ giữ vững an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19,... góp phần đưa Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm.
Hiện nay, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học - công nghệ thông minh, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, vị trí, vai trò của giai cấp nông dân không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước. Những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách tập trung phát triển nông nghiệp đúng hướng, kịp thời của Đảng và Nhà nước, nông nghiệp nước ta đã và đang chiếm lĩnh, cạnh tranh với nhiều quốc gia trên các thị trường thế giới, luôn là một trong 50 nước xuất khẩu nông sản, hải sản lớn, có kim ngạch xuất khẩu cao, sản phẩm nông nghiệp có mặt ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành công đó trước hết thuộc về giai cấp nông dân.
Giai cấp nông dân Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội và chất lượng nguồn nhân lực lao động nước ta. Đa số lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong xã hội được cung cấp từ những người nông dân, do nông dân nước ta sản xuất. Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn từ những người nông dân.
Giai cấp nông dân vẫn là nguồn cung cấp lao động chủ yếu cho các ngành kinh tế khác. Địa bàn nông thôn vẫn là thị trường đầy tiềm năng để khai thác các nguồn lực và tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư.
Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng đã tiếp tục khẳng định: Nông dân với nông nghiệp, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.
Minh Duyên (TTXVN)
(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 288
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 2, tr. 339
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 3, tr. 4
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 2, tr.101
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 8, tr.42
...