Đối với nền kinh tế, nguồn lực sản phẩm là tập hợp các tài sản vật chất, cơ sở hạ tầng và công nghệ… được tạo ra bằng các hoạt động sản xuất để sẵn sàng góp phần vào sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Các sản phẩm của ngành sản xuất công nghiệp là phương tiện sản xuất không thể thiếu và là nguồn lực nền tảng cho các nguồn lực khác được sử dụng hiệu quả, đảm bảo sức mạnh quốc gia vì nó thường đóng góp quan trọng vào bốn mục tiêu vĩ mô quan trọng: Tăng trưởng GDP và cung cấp việc làm; Nguồn lực chính phát triển thương mại và dịch vụ; Giảm thâm hụt thương mại; Là nội dung chính trong các chương trình nghị sự bền vững, kể cả an ninh quốc phòng.
Trong bối cảnh của những cuộc chiến tranh thương mại cũng như xung đột vũ trang trong khu vực và trên thế giới dưới ảnh hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) và tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh…, chúng ta có thể nhận thấy 3 xu hướng chính tác động mạnh mẽ đến sản phẩm và nền sản xuất công nghiệp:
Thứ nhất, lĩnh vực trọng tâm: Dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự hình thành và phát triển các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế như CPTPP, RCEP, sáng kiến "One road, one belt", và đặc biệt là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF)… Thực tế đó đã dẫn đến hai lĩnh vực lớn được đặt ra: Tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm hay nói cách khác là thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng, sự tiếp cận hàng hoá theo quy chuẩn chính xác và thời gian nhanh nhất vì mục đích cuối cùng của hoạt động kinh tế, sản xuất, thương mại là có được sản phẩm.
Thứ hai, phát triển bền vững: Hầu hết các tương tác giữa vốn tự nhiên và vốn con người để tạo ra sản phẩm được thực hiện qua sản xuất công nghiệp. Vì vậy, ngành sản xuất công nghiệp tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và gây ra sự thay đổi môi trường chẳng hạn như biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến môi trường sống cũng như nguy cơ đứt gẫy trong chuỗi cung ứng vật liệu. Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi, đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Thứ ba, liên kết vùng công nghiệp (industrial cluster): Các Liên kết vùng công nghiệp bao gồm các doanh nghiệp, nhà cung cấp phụ trợ, cơ sở giáo dục, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau trong một khu vực không gian nhất định. Sự tập trung mạnh mẽ của các ngành sản xuất công nghiệp liên quan ở các vùng được gọi là liên kết vùng công nghiệp. Các liên kết sản xuất công nghiệp mạnh trong một khu vực sẽ giúp định vị chiến lược vùng công nghiệp cạnh tranh trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu về năng suất, việc làm và đầu tư tư nhân nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ.
Ngoài ra, lịch sử thế giới cho thấy các quốc gia đều vừa phải xây dựng, vừa bảo vệ đất nước. Vì vậy luôn có sự liên kết giữa công nghiệp quốc phòng và dân sự như các sản phẩm công nghệ quân sự đột phá phục vụ mục đích quân sự chuyển sang công nghiệp dân sự. Đặc biệt, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dòng chuyển giao công nghệ đã bị đảo ngược sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và các ngành công nghiệp dân dụng đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển công nghệ trong thời đại kỹ thuật số.
Ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách ngoại giao linh hoạt, sự phát triển của sản xuất công nghiệp dân sự đã làm cơ sở cho việc chế tạo ra các vũ khí quốc phòng chiến lược ngay từ thời kỳ đầu dựng nước. Như nỏ thần Kim quy hay tên lửa SAM-2 cải tiến bắn rơi pháo đài bay B52 cách đây đúng nửa thế kỷ trong trận Điện Biên Phủ trên không ở Miền Bắc… góp phần quyết định thắng lợi các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc.
Trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý như đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế (chiếm hơn 30% trong GDP của cả nước, bình quân tạo thêm khoảng 300.000 việc làm/năm…). Mặc dù đạt được một số thành tựu, nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo các mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững về năng suất cạnh tranh, tiêu chuẩn chất lượng và sự liên kết chưa chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp dân sự và quốc phòng nói riêng trong chuỗi cung ứng sản phẩm quốc gia và toàn cầu.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nêu rõ mục tiêu phấn đấu nâng tỉ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%…
Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên và đảm bảo nguồn lực sản phẩm phát huy tối đa sức mạnh nền tảng, cần có chính sách sản xuất công nghiệp tập trung vào 5 nội dung sau:
Thứ nhất, nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn hoá sản phẩm: Trong thời đại "vạn vật kết nối" (Internet of Things) các sản phẩm đều phải có tiêu chuẩn phù hợp để có thể kết nối với nhau nhằm tự động hóa liên tục và đạt được hiệu quả tối đa. Hệ thống đường sắt ở nước ta hiện nay không phát huy được hiệu quả chủ yếu là do tiêu chuẩn lạc hậu so với quy chuẩn vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và hơn nữa không kết nối chuẩn mực được với hạ tầng giao thông khác như đường bộ, đường thủy, đường không và đặc biệt là với hạ tầng kỹ thuật quốc tế.
Ngoài ra, tất cả nguồn lực sản phẩm đều là kết quả của sản xuất công nghiệp, do đó cần có sự nghiên cứu, xây dựng và phát triển cũng như hợp tác quốc tế để hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm như "Made in Việt Nam" và các tiêu chuẩn liên quan (trong cả 3 lĩnh vực: kỹ thuật, môi trường và xã hội) nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong các doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm tốt để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế hiệu quả.
Thứ hai, học tập suốt đời ở doanh nghiệp: Việc học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số phát triển như ngày nay là một phần quan trọng để đạt được các mục tiêu hiệu suất. Tuy nhiên, nếu không kết nối việc học với hiệu quả công việc, doanh nghiệp sẽ không bao giờ nhận được lợi ích của việc học tập suốt đời. Cần đảm bảo rằng mọi nhân viên đều có cơ hội chọn mục tiêu đào tạo mà họ thực sự đầu tư và điều đó luôn góp phần vào hiệu suất công việc cũng như gắn liền đến phát triển sự nghiệp cá nhân của họ.
Thứ ba, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính: Cần có các chính sách quy hoạch, xây dựng chiến lược các ngành sản xuất và công nghiệp cốt lõi trong thời đại công nghệ số để có chính sách tài khoá và tiền tệ phù hợp hỗ trợ hiệu quả cho các ngành này thoe chiều sâu và chuyên nghiệp. Đặc biệt, chính sách định giá, thuế và phát hành trái phiếu nên có sự nghiên cứu và quản lý hiệu quả để hỗ trợ cho những ngành sản xuất công nghiệp có sản phẩm đột phá và lan tỏa như logistics, năng lượng, công nghệ cao…
Thứ tư, phát triển bền vững: Tăng cường vai trò của người lao động trong quan hệ lao động ba bên để đảm bảo một thị trường sản xuất công nghiệp có chế độ tiền lương, điều kiện lao động và các chính sách bảo hiểm tiến bộ và bền vững cho lực lượng lao động. Cần thiết lập một hệ thống đại diện giới chủ (bảo gồm chủ yếu là các nhà sản xuất công nghiệp tiên phong) độc lập và chuyên nghiệp để đảm bảo vận hành cơ chế ba bên thiết thực và hiệu quả lâu dài trong việc hoạch định chính sách phát triển sản xuất công nghiệp trong thời đại công nghệ số. Ngoài ra, cần xây dựng và từng bước áp dụng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn như mô hình chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đây cũng chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp nhằm thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.
Thứ năm, liên kết vùng công nghiệp: Ngành sản xuất công nghiệp phát triển thiếu gắn kết chặt chẽ ở cấp vùng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và khả năng phát huy tối đa lợi thế, đồng thời gây lãng phí nguồn lực và mất cân bằng quy mô kinh tế (Economy of scale) trong một không gian hệ sinh thái kinh tế khu vực, cuối cùng là rơi vào các bẫy nợ quốc tế. Chính vì vậy, cần có chính sách xây dựng các liên kết vùng công nghiệp, trong đó có liên kết công nghiệp dân sự và quốc phòng để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngành công nghiệp quốc phòng phát triển các công nghệ tiên tiến để đảm bảo ưu thế sức mạnh quốc gia và các ngành công nghiệp dân dụng đã được hưởng lợi từ kết quả của sự phát triển công nghệ quân sự. Do đó, các ứng dụng lưỡng dụng rất quan trọng để thương mại hóa và sử dụng các công nghệ này cho cả hai bên và để đạt được sự phát triển chung. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, công nghiệp quốc phòng cần cải thiện và tăng cường quan hệ với các ngành công nghiệp dân dụng trong nước.
Giữ gìn hòa bình là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia và toàn thế giới. Có một sự đồng thuận lịch sử và toàn cầu rằng hòa bình chỉ được duy trì bởi các lực lượng phù hợp và đủ sức răn đe. Vì vậy, có một nền quốc phòng được tổ chức tốt, phát triển và liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân dụng là một công cụ không thể thiếu để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Không chỉ lực lượng vũ trang, an ninh mà công nghiệp nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng cũng là một bộ phận cấu thành chính của nền quốc phòng toàn dân. Chính vì vậy, phát triển sản xuất công nghiệp dân sự liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng phải là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế để tạo ra các sản phẩm Việt kỳ diệu.
Chính sách phát triển sản xuất công nghiệp mạnh mẽ cùng với xây dựng các liên kết vùng công nghiệp nói chung và liên kết với công nghiệp quốc phòng nói riêng sẽ hình thành những pháo đài công nghiệp với các ngành phụ trợ bao quanh, có sức cạnh tranh cao bảo vệ độc lập và phát triển đất nước công nghiệp hiện đại. Các ngành công nghiệp được liên kết là sự thể hiện cao nhất của tinh thần đoàn kết bất diệt của người Việt Nam, góp phần khắc họa thực tế sinh động hình ảnh hàng tre xanh, được hình thành từ những cụm tre tuyệt vời có gốc rễ bám sâu vào lòng đất mẹ Việt một cách vững chắc để bảo vệ làng mạc quê hương thanh bình trước những cơn mưa bão khắc nghiệt nhất. Chiến lược phát triển các không gian vùng liên kết công nghiệp kết hợp hoàn hảo với chính sách ngoại giao theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" chắc chắn sẽ đảm bảo sự trường tồn và hùng cường của đất nước.
TS. Đoàn Duy Khương