VNHN-Vừa qua, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu”, nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu về sản phẩm tôm Bạc Liêu ra thế giới.
Dự tọa đàm có Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bí thủ Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương hai tỉnh Bạc Liêu, Quảng Ninh và đại diện Trưởng cơ quan đại diện các nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam...
Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhấn mạnh, Bạc Liêu là địa phương hội đủ điều kiện về tự nhiên, nguồn lực, các yếu tố về thời tiết, kỹ thuật… để phát triển ngành tôm.
Hiện tỉnh đi đầu trong công nghệ sản xuất tôm và có nguồn con giống lớn nhất nước là thủ phủ nuôi tôm công nghệ cao. Tỉnh có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ và sản xuất tôm. Do đó, tỉnh hội đủ điều kiện để thực hiện các trọng trách do Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Bạc Liêu là công xưởng sản xuất tôm lớn nhất cả nước.
Tại tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, ngành tôm của Việt Nam đang có những cơ hội rất lớn để nâng tầm phát triển và vươn ra thế giới. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sẽ cán mốc 10 tỷ USD/năm.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy sản, cho biết trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì con tôm là đối tượng chủ đạo. Trước tác động của biến đổi khí hậu, thì con tôm được chú trọng để phát triển, sản lượng tôm nuôi không ngừng tăng. Đó là thành quả từ công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ban ngành trung ương và các địa phương một cách sâu sát, chặt chẽ, đi đúng hướng.
Để con tôm Việt Nam vươn tầm và khẳng định vị thế thì phải bảo đảm chuỗi sản xuất liên kết từ khâu đầu vào, đầu ra ổn định, đạt chất lượng về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phát triển tôm nuôi theo hướng công nghệ cao, phát triển theo cách bày bản, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời buổi phát triển công nghệ.
Theo ông Luân, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về sản xuất tôm manh mún, nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chất lượng về hạ tầng... là những yếu tố cần được thay đổi để đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành tôm.
“Hiện sản lượng tôm của Việt Nam chiếm khoảng 50% thị trường thế giới. Để tổ chức sản xuất ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới được vươn xa, thì các địa phương cần chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển”, ông Luân nói. Từ đó, từng bước ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, hướng đến Việt Nam là xưởng sản xuất tôm của thế giới.
Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh, Bạc Liêu đã không ngừng đổi mới để phát triển ngành tôm theo hướng công nghệ cao. Con tôm Bạc Liêu đang đứng trước những cơ hội rất lớn để nâng tầm, vươn ra thế giới. Thị trường lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay là Trung Quốc, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kết nối với các thị trường lớn, khó tính, với mục đích đưa con tôm Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung vươn tầm cao mới.
Thông qua tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước đã đưa ra định hướng chiến lược, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành tôm, góp phần lựa chọn được nguồn tôm sạch và mang tầm thương hiệu quốc gia.