Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư phát triển với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương có những chuyển biến tích cực, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm 2021 - 2022 đạt 8,91%, năm 2023 đạt 9,40% xếp thứ 09/63 tỉnh thành cả nước và thứ 02/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Ninh Thuận với lợi thế hơn 100km chiều dài bờ biển.
Hiện nay GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 87,7 triệu đồng/người, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và bằng 81,2% bình quân cả nước. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Thuận ngày càng được cải thiện và nâng cao đáng kể, chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 30/63 thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất, chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 về quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tỉnh Ninh Thuận mục tiêu phát triển kinh tế đa dạng, đa lĩnh vực, khai thác hết hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đa dạng, đa lĩnh vực, khai thác hết hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận xác định rõ đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài, là sự nghiệp chung, là khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội và là một trong những nhân tố quyết định để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai và các tài nguyên khác; là nhân tố quan trọng cho phát triển văn hoá - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực (Trung tâm logistics gắn với Cảng tổng hợp Cà Ná, Cảng Ninh Chữ, các cảng chuyên dùng phục vụ du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ).
Tập trung ưu tiên phát triển các ngành đột phá về năng lượng tái tạo.
Đối với các nhà đầu tư, tỉnh Ninh Thuận luôn áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư vào tỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng luôn thống nhất quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Tỉnh.
Trung tâm logistics gắn với Cảng tổng hợp Cà Ná.
Với lợi thế chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để có thể phát triển đa dạng nhóm ngành khu vực biển. Tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển và các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển,... Ngoài ra công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển, khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp khai thác; chế biến muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới; sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, chế biến nước mắm... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp; năng lượng tái tạo; du lịch… cũng được chú trọng quan tâm và đầu tư nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có của địa phương giúp nâng cao hình ảnh, thu hút nhà đầu tư, khách du lịch đến Ninh Thuận giúp cải thiện và dần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần nhân dân trong tỉnh.
Văn hóa đặc sắc giúp cho ngành du lịch tại Ninh Thuận thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đình Tiến