Ngày 28/6/2022, PV Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có buổi trao đổi với ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận. Theo ông; ở một tỉnh còn nghèo như Ninh Thuận, đời sống của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; chăm lo phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở những vùng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Ninh Thuận.
Ðược sự giúp đỡ của T.Ư, Ninh Thuận đã triển khai lồng ghép tám chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất cho khu vực miền núi với tổng kinh phí hơn 210 tỷ đồng. Ðến nay, cơ bản các xã miền núi trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao các mô hình sản xuất mới, cấp thêm đất sản xuất, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi... giúp đồng bào miền núi phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả.
Sự chuyển biến ấy được ghi nhận rõ nét tại huyện miền núi Bác Ái. Năm 2009, huyện Bác Ái trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Qua, chương trình này đã phân bổ kinh phí cho Bác Ái hàng chục tỷ đồng và địa phương đã tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, phát triển dạy nghề, giáo dục, nâng cao dân trí... cho người dân. Hơn 22 nghìn ha rừng đã giao cho 28 cộng đồng dân cư ở các thôn nhận quản lý, bảo vệ với mức chi trả 200 nghìn đồng/ha/năm và hỗ trợ bà con cải tạo, phục hóa đất sản xuất gần 660 ha. Hàng loạt mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp cũng đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất của đồng bào. Nguồn kinh phí của chương trình cũng được sử dụng mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào; hỗ trợ xây dựng nhà ở, xây dựng trường học và thi công hệ thống kênh mương thứ cấp đưa nguồn nước từ hồ sông suối về tưới cho hơn 1.500 ha đất sản xuất...
Ông Trương Khắc Trí cho biết, trong năm 2021 - 2022, tình hình thời tiết khá thuận lợi để địa phương phát triển các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng Sở và các cơ quan, ban, ngành đã chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể với kịch bản phát triển sản xuất gắn phòng chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế của địa phương.
Trong 06 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 5.903,969 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 4,85% so cùng kỳ. Trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.556,934 tỷ đồng, tăng 3,35% so cùng kỳ (trong đó Trồng trọt tăng 1,46%, Chăn nuôi tăng 8,38%, Dịch vụ tăng 0,98% so cùng kỳ,...); Lĩnh vực lâm nghiệp đạt 40,036 tỷ đồng, giảm 1,45% so cùng kỳ; Lĩnh vực thủy sản đạt 3.306,999 tỷ đồng, tăng 6,12% so cùng kỳ (trong đó khai thác tăng 7,76%, nuôi trồng tăng 3,03%, sản xuất giống tăng 4,42% so cùng kỳ); Nông thôn mới có 02 huyện, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 06 xã nâng cao) và 04 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt: 96,5% (KH 97%).
"Năm 2022 là năm thứ hai của kỳ kế hoạch 5 năm nên nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia như xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội phê duyệt, đang còn khó khăn về nguồn vốn để triển khai. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các địa phương theo kế hoạch, khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện Chương trình OCOP".
Khi được PV hỏi về công tác truyền thông đối với ngành Nông nghiệp, Ông Trương Khắc Trí nhấn mạnh, công tác Truyền thông góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là những diễn biến thời sự thị trường nông sản. Từ khi internet, mạng di động và điện thoại thông minh còn chưa phổ biến, báo chí đã là kênh thông tin quan trọng về các mô hình làm nông nghiệp hiệu quả, truyền tải những thành tựu khoa học mới trong nông nghiệp để nông dân các nơi học hỏi, ứng dụng vào thực tế. Báo chí cung cấp thông tin về thị trường trong nước và quốc tế, qua đó định hướng sản xuất cho nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Báo chí cũng là kênh phản biện chính sách hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của nông dân, của doanh nghiệp ngành nông nghiệp.
Góp phần cổ vũ các mô hình làm nông nghiệp hiệu quả, tiên tiến, các thương hiệu mới, các sản phẩm sáng tạo của nông dân và doanh nghiệp ra thị trường. Rất nhiều các quy định bất hợp lý từ khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh đến xuất khẩu được báo chí phản ánh, tác động đến các bộ ngành để tháo gỡ, chỉnh sửa theo hướng tôn trọng các nguyên tắc thị trường hơn, tôn trọng quyền tự do sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn…
Trong thời đại của công nghệ 4.0, không còn hữu xạ tự nhiên hương nữa mà thời đại của truyền thông, quảng cáo, đặc biệt là tại thị trường thế giới. Vì thế, vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng. "Tôi cho rằng, Phản biện chính sách, thúc đẩy việc hình thành chính sách cũng là một vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Với kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà"./.
Nguyễn Hương