22/12/2024 lúc 23:03 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Ngày 28/4, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề "Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các đối tác, chuyên gia, hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giới thiệu tổng quan về khát vọng, quyết tâm phát triển, tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cũng tại hội nghị, 14 nhà đầu tư đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1319/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.

Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới; với mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững, với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển.

Đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại; hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước…

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, theo Quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng dự hội nghị trong không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị được tổ chức với tinh thần truyền cảm hứng, tao động lực cho Ninh Thuân phát triển nhanh và bền vững.

Theo Thủ tướng, Ninh Thuận là một trong những tỉnh xây dựng quy hoạch sớm nhất, bản quy hoạch đầu tiên của tỉnh đã được ban hành, thực hiện trong hơn 10 năm, đưa Ninh Thuận vươn lên, tiến kịp, đi cùng các địa phương trên cả nước, từ một tỉnh nhóm dưới về phát triển trở thành một tỉnh phát triển trung bình, "đi lên từ "khó, khô và khổ", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Đánh giá bản Quy hoạch vừa được công bố mang tính kế thừa và phát triển, Thủ tướng hy vọng Ninh Thuận có thể vượt lên trong thời gian tới.

Dành thời gian phân tích, nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, việc lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch). Việc thực hiện đồng bộ, bài bản, có hiệu quả các quy hoạch này sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 quan điểm trong công tác quy hoạch: Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực, là mục tiêu, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch; quy hoạch tổng thể, dài hạn nhưng thực hiện có thể phân kỳ, lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên nguồn lực, làm việc nào dứt điểm việc đó; thực hiện quy hoạch với tư tưởng chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không phụ thuộc quá nhiều vào Trung ương; phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình.

Thủ tướng cũng chỉ ra 5 yêu cầu của công tác quy hoạch: Bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát các quy hoạch của quốc gia, vùng, ngành; bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng và mong muốn của nhân dân; triển khai quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; thực hiện quy hoạch phải kết hợp, hài hòa, hợp lý hiệu quả giữa quy hoạch tỉnh, vùng, ngành và quốc gia.

Thủ tướng nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm của công tác quy hoạch là: Tìm ra và phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình cụ thể để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện; tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không cầu toàn, rà soát, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận 

Theo Thủ tướng, Quy hoạch đã xác định 6 lợi thế của Ninh Thuận.

Theo đó, Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược nối liền 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch; nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng (Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương).

Tỉnh có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; bờ biển dài 105 km; là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Là địa bàn lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp. Nhiều sản phẩm nổi tiếng như nho, táo, hành, tỏi, dê, cừu…

Ninh Thuận có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo; có tốc độ gió lớn nhất nước (trung bình 7,5 m/s); số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất nước (7,7 giờ mỗi ngày) với cường độ lớn.

Tỉnh cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc và tiểu thủ công nghiệp. Có 2 khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và nhiều cụm công nghiệp.

Ninh Thuận có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời; là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em với nền văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc. Người dân Ninh Thuận có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện; ham học, ham làm, luôn có quyết tâm, khát vọng vươn lên.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng đánh giá tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 của tỉnh đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Quy mô GRDP năm 2023 đạt trên 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9 lần so năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tỉnh đạt nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (năm 2023, chỉ số PCI xếp thứ 30, tăng 19 bậc; chỉ số PAPI thứ 6 cả nước, đứng đầu khu vực Nam Trung Bộ…)

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp cho thành tựu chung của cả nước.

Về khó khăn, hạn chế, thách thức, tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô hạn; thiếu nước xảy ra thường xuyên; xuất phát điểm khá thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh hạn chế; doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho các nhà đầu tư

Để thực hiện các định hướng lớn trong Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận cần chú trọng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững).

Cùng với đó, tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát huy hiệu quả 3 vùng động lực; ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên.

Quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (yếu tố con người là quyết định, phải có chính sách ưu tiên phát triển con người), nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, năng lượng tái tạo…

Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, hệ thống đập ngăn mặn, kè chống sạt lở…

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến sâu rộng Quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng. Thủ tướng gợi ý tỉnh Ninh Thuận xây dựng Cung triển lãm quy hoạch.

Về nhiệm vụ của các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên tỉnh, thành phố.

Với các bộ, ngành Trung ương, tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Ninh Thuận; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ Ninh Thuận, các địa phương vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển, thực hiện tốt quy hoạch.

Lưu ý thêm một số nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách với điện tái tạo và triển khai các nhiệm vụ để quy hoạch, khai thác sân bay Thành Sơn của Ninh Thuận.

Cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp đã chọn Ninh Thuận để đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 3 cùng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư: "Cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "chia sẻ tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; phù hợp định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh…; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đóng góp ý kiến cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ; thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.

"Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận. Tôi tin tưởng Ninh Thuận sẽ hiện thực hóa được Quy hoạch và nếu Ninh Thuận là một tỉnh khó khăn làm được thì sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng, góp phần để vùng duyên hải miền Trung, cả nước cùng phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận hỗ trợ từ 23 doanh nghiệp, nhà hảo tâm với kinh phí hơn 7 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, góp phần thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.

* Trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn.

Theo Thủ tướng, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm nước canh tác, sản xuất và sinh hoạt của người dân của tỉnh Ninh Thuận trên diện tích 7.000 ha và cả phía nam Khánh Hòa, bắc Bình Thuận, nhất là kịp thời ứng phó cao điểm khô hạn trong tháng 5, tháng 6 tới đây.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quy hoạch lại hệ thống hồ thủy lợi, khai thác liên thông, dẫn nước giữa các hồ để điều tiết, sử dụng nước hài hòa, phù hợp, hiệu quả, cố gắng khắc phục vấn đề khô hạn trong năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi.

Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hiện bà con chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, cần đổi mới theo hướng sản xuất lớn, liên kết theo mô hình hợp tác xã, vận dụng các quy định mới của Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất về các ngành hàng có lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, huy động sự tham gia của doanh nghiệp để hỗ trợ sản phẩm đầu vào và đầu ra, sự tham gia của ngân hàng để hỗ trợ về vốn, từ đó mang lại hiệu quả, giá trị cao hơn.

Xuân Hòa