Nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới
Năm 2022, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (theo giá SS 2010) năm 2022 tăng 8,62% so với năm 2021, vượt cao so kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng 3,04%, cao nhất từ trước đến nay; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,67%, riêng công nghiệp tăng 5,96%; khu vực dịch vụ tăng mạnh mẽ, đạt 15,45%; thuế nhập khẩu, sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99%. Quy mô nền kinh tế đạt 81.775 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ với tỷ trọng dịch vụ là 44,2%; công nghiệp - xây dựng là 45,2%; nông, lâm, thủy sản là 10,6%.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, nhất là các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có tính chất chiến lược. Tỉnh đã khởi công và triển khai thi công đảm bảo tiến độ xây dựng đường Đông - Tây giai đoạn 1 (dự kiến cơ bản hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2023, vượt tiến độ 1 năm), tuyến đường T21, đường ĐT.482, đường QL21B từ cầu Tu đến cầu Cọ… thông xe, khánh thành đường cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; khánh thành Âu Kim Đài; khởi công và thi công cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477, đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi Khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu, rút ngắn thời gian thi công khoảng 50%. Đặc biệt, đã tháo gỡ vướng mắc, tồn tại nhiều năm của một số dự án, như: Hoàn thành thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công viên văn hóa Tràng An để tiếp tục thực hiện GPMB thôn Ích Duệ; điều chỉnh dự án và bảo vệ thi công xây dựng Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân Golf hồ Yên Thắng.
Ngành nông nghiệp phát triển toàn diện cả 3 khu vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy, hải sản; khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh đó là phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức tiên tiến, bền vững. Các lĩnh vực dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 17,95% so với năm 2021.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 ước đạt 23.300 tỷ đồng, tăng 16,4% so với dự toán, tăng 11,2% so với năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm là 18.551 tỷ đồng, tăng 13,8% so với dự toán, tăng 17,5% so với thực hiện năm 2021. Trong đó: chi đầu tư phát triển chiếm 42,7% tổng chi ngân sách, tăng 16,5% so với dự toán; chi thường xuyên tăng 2,5%.
Phát triển các hoạt động Văn hóa – xã hội
Tỉnh chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, chính sách người có công với cách mạng được UBND tỉnh quan tâm và thực hiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế - xã hội cho phép; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Công tác lao động việc làm được quan tâm; tăng cường công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; đã giải quyết việc làm vượt 5,67% kế hoạch, xuất khẩu lao động đạt 100% kế hoạch năm.
Trong năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đến du khách trong nước và thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Ninh Bình là một trong ba tỉnh của cả nước dẫn đầu về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đến hết năm 2022 tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 88,8%; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục và đào tạo.
Công tác xây dựng chính quyền được quan tâm
Chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh được nâng lên. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện nghiêm chủ đề công tác năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính”.
Trong đó đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đáp ứng yêu cầu. Duy trì hiệu quả và nâng cao vai trò Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp. Triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin trọng yếu, vận hành hoạt động hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Năm 2021, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số.
Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tập trung cao độ, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; nguy cơ suy thoái kinh tế, sức ép lạm phát, tăng trưởng có xu hướng chậm lại, bên cạnh đó dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường. Tuy nhiên, với việc thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cùng với những thành quả đạt được trong những năm qua và sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự thống nhất, đồng thuận của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Tin rằng, đó sẽ tiếp tục là tiền đề, nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.