03/05/2024 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến hoạt động tự học tiếng anh của sinh viên

Trong suốt thời gian học tập ở trường đại học, nhà trường không thể trang bị đầy đủ tri thức làm hành trang suốt cuộc đời cho sinh viên mà chỉ có thể trang bị những tri thức cơ bản để khi ra trường, nó trở thành nền tảng tri thức và sinh viên có thể dựa vào đó để học tập và vận dụng sâu sắc, hợp lý và linh động theo đặc thù công việc và thời thế. Vì vậy, việc tự học đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập ở bậc đại học của sinh viên.

Tự học phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên, giúp sinh viên làm chủ tri thức, giúp việc học trở nên hiệu quả hơn. Bài viết tìm hiểu những đặc điểm cá nhân ảnh hưởng tới năng lực tự học của người học. Hay nói cách khác, nghiên cứu tìm hiểu những nhân tố chủ quan ảnh hưởng tới hoạt động tự học của người học.

Những yếu tố chủ quan có vai trò điều khiển, điều chỉnh đối với hoạt động tự học. Hiệu quả của hoạt động tự học tiếng anh sẽ chịu sự chi phối bởi các yếu tố đặc trưng cá nhân và yếu tố tâm lý cá nhân.

Nhận thức về tự học Tiếng Anh

Hoạt động tự học tiếng anh, hay tự học bất cứ một môn học nào khác thì nhận thức cũng là yếu tố đầu tiên đóng vai trò định hướng cho hoạt động tự học của sinh viên. Vì đặc trưng của hoạt động tự học là hoạt động mang tính độc lập, tự giác, tích cực. Cá nhân chỉ tự giác khi họ nhận thức đúng về hoạt động mà họ sẽ thực hiện. Việc học tiếng anh sẽ được thực hiện một cách tự giác khi sinh viên nhận thức được mục đích, ý nghĩa, nội dung cũng như cách thức tiến hành việc tự học tiếng anh. Tức hoạt động tự học đó phải xuất phát từ động cơ, nhu cầu, hứng thú của người học, chứ không vì một sự “thúc ép” từ bên ngoài.

Với phương thức học tập theo tín chỉ, nếu sinh viên chỉ tham gia các giờ học ở trên lớp là không đủ mà sinh viên phải tự trau dồi thêm những kiến thức và kỹ năng phục vụ cho môn học. Như vậy, sinh viên phải thấy được ý nghĩa và vai trò của tự học là vô cùng cần thiết. Hơn nữa, tiếng anh lại là công cụ để giúp sinh viên hội nhập trong xã hội hiện đại, giúp sinh viên có thêm những cơ hội việc làm cũng như tự khẳng định vị thế bản thân.

Khi nhận thức đúng đắn, sinh viên luôn có ý chí cố gắng vươn lên, tự giác trong học tập, tự tìm và tự tạo cho mình cơ hội để thực hành, luyện tập. Ngược lại, khi không nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học sinh viên sẽ chỉ học với tính chất đối phó nên không thực sự cố gắng vượt qua các trở ngại trong quá trình tự học dẫn đến kết quả học tập không cao hoặc có khi thất bại trong việc học tập.

Theo quan điểm triết học Mác-Lênin, nhận thức được định nghĩa là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn. Hoạt động nhận thức của con người đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.

Theo Từ điển Tiếng Việt, nhận thức là quá trình nhận ra và biết được, hiểu được (Hoàng, 1995).

Nhận thức về hoạt động tự học được hiểu đơn giản là những hiểu biết của sinh viên về các vấn đề liên quan đến hoạt động tự học, bao gồm: hiểu biết về bản chất của hoạt động tự học, vị trí vai trò và ý nghĩa của tự học trong trường đại học, các hành động tự học sinh viên cần thực hiện, các nội dung tự học, các phương pháp tự học và các yêu cầu của việc tự học. (Phạm, 2014).

Từ những cách hiểu về nhận thức và nhận thức về hoạt động tự học trên có thể khái quát, nhận thức về tự học tiếng Anh là quá trình sinh viên nhận ra và hiểu được tầm quan trọng của tự học tiếng Anh, cách thức, phương tiện, nguồn tài liệu phục vụ cho việc tự học tiếng Anh một cách hiệu quả, cũng như vị trí, vai trò của tiếng Anh trong xã hội hiện đại.

Hứng thú tự học tiếng Anh

Hứng thú có vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động của con người, cùng với nhu cầu, hứng thú kích thích hoạt động, làm cho con người hoạt động tích cực, say mê và đem lại kết quả cao trong học tập, lao động, công tác. Ngược lại, khi không có hứng thú, không có sự say mê con người sẽ thực hiện nó một cách gượng ép, không mang tính tự giác, hoạt động trở nên khó khăn, nặng nhọc hơn, dễ gây cho con người mệt mỏi, chán nản và hiệu quả đạt được sẽ không cao.

- Hứng thú tự học là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với hoạt động tự học, nó mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá tình thực hiện hoạt động tự học. Hứng thú tự học biểu hiện ở sự tập trung chú ý cao độ, sự say mê hấp dẫn của bản thân với nội dung hoạt động tự học. Hứng thú tự học làm nảy sinh khát vọng tự học, làm tăng hiệu quả của hoạt động tự học. Hứng thú tự học phụ thuộc vào ý nghĩa của vấn đề tự học, phụ thuộc vào việc giáo viên hướng dẫn thế nào, kết quả tự học đạt đến đâu.

Hứng thú tự học phát triển ở mức cao biểu hiện ở sự say mê tự học, tự đào sâu kiến thức và tự tìm ra các phương pháp học tập mới. Mức độ này của sinh viên được thể hiện bằng sự miệt mài tự học, việc tự học chiếm phần lớn thời gian và đôi khi họ ít có thời gian để tham gia vào các hoạt động khác nên kết quả học tập của họ luôn đạt ở mức cao. Như Khổng Tử nói “Học không biết chán, học không biết mỏi”.

Từ sự phân tích trên có thể hiểu: Hứng thú tự học tiếng Anh là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với hoạt động tự học tiếng Anh, nó mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá tình thực hiện hoạt động tự học tiếng Anh.

Hứng thú tự học tiếng anh của sinh viên được biểu hiện qua các mặt sau:

  • Sự chú ý cao độ, say mê, hấp dẫn với nội dung môn học tiếng Anh.
  • Mong muốn được học tiếng Anh mọi nơi, mọi lúc.
  • Luôn thích được giao tiếp bằng tiếng Anh với mọi người.
  • Tự đào sâu kiến thức và tự tìm ra phương pháp học tập mới.
  • Mong muốn có nhiều thời gian để học tiến Anh hơn.
  • Có khả năng học tiếng Anh hiệu quả.
  • Có những sở thích liên quan đến tiếng Anh  

Tính chủ động của người học

Theo từ điển Oxford, sự chủ động là khả năng hành động và đưa ra quyết định mà không bị kiểm soát hay điều khiển bởi người khác. Đăc tính chủ động của mỗi cá nhân sẽ chi phối cách người đó hành động trong học tập, công việc và cuộc sống. Theo đó, một cá nhân có tính chủ động sẽ phát huy đặc tính này trong quá trình học tập (Benson, 2012) và vì vậy, người đó sẽ hành động và đưa ra quyết định riêng về việc học tập của mình.

Holec (1981) đã phát triển định nghĩa về sự chủ động trong học tập mà theo ông là khả năng chịu trách nhiệm về việc học của người học. Trong đó, ông nhấn mạnh khả năng đó bao gồm việc lập kế hoạch, lựa chọn học liệu, giám sát tiến độ học tập, tự đánh giá và cách quản lý học tập hàng ngày. Mặc dù từ thời gian đó đến nay  rất nhiều nghiên cứu đã phát triển định nghĩa về sự chủ động trong học tập nhưng tầm quan trọng của việc chịu trách nhiệm về việc học của cá nhân người học vẫn được khẳng định.

Chính sự chủ động cá nhân và sự chủ động trong việc học trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động tự học tiếng Anh của người học. Benson (2012) cho rằng, sự chủ động trong việc học ngôn ngữ cần được đặt trong mối quan hệ với sự chủ động trong việc học, và rộng hơn là sự chủ động của cá nhân. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng chính chủ động cá nhân sẽ ảnh hưởng tới sự thể hiện bản thân và sự chủ động trong việc học cũng như việc sử dụng ngôn ngữ. Ngược lại, học ngôn ngữ là một quá trình học tập trung vào sự tương tác xã hội và sự phát triển cá nhân, hay nói cách khác, sự chủ động trong việc học ngôn ngữ là một trải nghiệm, một nhân tố quan trọng để đạt được sự tự chủ cá nhân.

Động lực cá nhân

Động lực học tập là sự thúc đẩy những nỗ lực, mong muốn đạt được mục tiêu học tập, và niềm yêu thích đối với việc học ngôn ngữ (Gardner, 1985). Cụ thể hơn, theo Dörnyei (2001), động lực là nguyên nhân tại sao con người quyết định làm điều gì đó, chi phối nỗ lực của họ khi theo đuổi điều đó và thời gian họ sẵn sàng duy trì hoạt động đó. Theo đó, động lực học tập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự học của con người.

Ushioda (1996) một trong những người đầu tiên khám phá ra và khẳng định mối liên hệ này. Bà cho rằng động lực cá nhân là một trong những nhân tố quyết định chi phối sự tự học. Rất nhiều công trình nghiên cứu sau đó đã phát triển quan điểm này và khẳng định tăng cường động lực là điều kiện để người học có trách nhiệm với việc học của chính mình (Lamb 2001; da Silva 2002; Takagi 2003; Ushioda 2003, 2006). Từ đó, người học sẽ phát triển năng lực tự học của mình.

Trong khi đó, Ryan và Deci (1985) phát triển thuyết tự xác định và đưa ra khái niệm về động lực cho thấy động lực và sự tự học có mối liên hệ chặt chẽ. Theo Ryan và Deci (2000), có động lực nội sinh (intrinsic motivation) và động lực ngoại sinh (extrinsic motivation). Trong đó, động lực nội sinh là động lực tự nhiên, xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân. Con người hành động vì thấy thú vị, thích thú và hài lòng. Để con người cảm thấy có động lực nội sinh, thuyết tự xác định nhấn mạnh ba nhu cầu tâm lý bẩm sinh cần được thỏa mãn đó là: sự tự chủ (trong việc quyết định làm gì và làm như thế nào), năng lực (khả năng và kĩ năng kiểm soát môi trường của mình), và sự liên kết (mối quan hệ qua sự tương tác với người khác). Trong quá trình học tập, người học thường có động lực nội sinh trong môi trường mà những nhu cầu này của họ được thỏa mãn.

Tự học là vô cùng quan trọng vì sinh viên có thể khai thác triệt để thời gian của mình, đặc biệt, sinh viên có thể rèn luyện khả năng nghiên cứu, tiếp cận tri thức và chủ động trong công việc và cuộc sống sau này. Tuy nhiên, tổ chức hoạt động tự học khoa học, hiệu quả không chỉ là trách nhiệm của sinh viên mà còn là trách nhiệm đào tạo của nhà trường và giảng viên. Tìm hiểu những nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến hoạt động tự học Tiếng Anh của sinh viên sẽ giúp giảng viên Tiếng Anh và nhà trưởng vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp để hoạt động học tập hiệu quả, đạt mục tiêu và chuẩn đầu ra của học phần nói riêng và chương trình đào tạo nói chung.   

Phùng Thị Minh Trang

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Benson, P. (2012).Autonomy in language learning, learning and life. GERFLINT.
  2. Da Silva, D. (2002). Autonomy, motivation and achievement. In Mackenzie & McCafferty (eds.), 65–72.
  3. Dörnyei, Z. (2001).Motivational Strategies in the Language Classroom. Cambridge: Cambridge UP.
  4. Gardner, R. (1985). Social Psychology and Second Language Learning: The Role of Attitudes and Motivation. London: Edward Arnold.
  5. Hoàng Phê (chủ biên).(1994). Từ điển tiếng Việt. NXB Khoa học xã hội – Trung tâm Từ điển tiếng Việt.
  6. Lamb, T. E. (2001). Metacognition and motivation: Learning to learn. In G. Chambers (ed.), Reflections on motivation. London: CILT, 85–93.
  7. Phạm Văn Tuân. (2014). Các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực tự học của sinh viên trường Đại học Trà Vinh, Journal of Science, 5 (1), 106-112.
  8. Rowley: Newbury House, 1972.Holec, H. (1981). Autonomy in foreign language learning. Oxford: Pergamon.
  9. Takagi, A. (2003). Learner autonomy and motivation in a cooperative learning class. In Barfield & Nix (eds.), 129–140.
  10. Ushioda, E. (1996). Learner autonomy 5: The role of motivation. Dublin: Authentik.
  11. Ushioda, E. (2003). Motivation as a socially mediated process. In Little et al. (eds.), 90–102.
  12. Ushioda, E. (2006). Motivation, autonomy and sociocultural theory. In Benson (ed.), 5–24.
  13. Vygotsky, L. S. (1986). Thought and language(A. Kozulin, Trans. ed.). MA: The MIT Press.
...