19/01/2025 lúc 09:36 (GMT+7)
Breaking News

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Một trong những việc khó khăn mà Thành phố Hồ Chí Minh cần giải quyết khi xây dựng chính quyền đô thị là số lượng người dôi dư khá lớn và trên diện rộng.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là việc xây dựng chính quyền đô thị ở các thành phố lớn để giảm bớt các tầng nấc trung gian nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy đô thị phát triển nhanh hơn, bền vững hơn là yêu cầu có tính cấp thiết hiện nay, nhất là “đô thị đặc biệt” như Thành phố Hồ Chí Minh. Và để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 16/11/2020 Quốc hội đã ban hành Nghị̣ quyết số 131/2020/QH14 về việc tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Việc triển khai trên thực tế mô hình chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cần quan tâm đến những vấn đề sau đây:

Ảnh minh họa - SGO

Vấn đề nhận thức về chính quyền đô thị

Thời gian qua, các cấp ủy và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho thấy, vẫn còn không ít người dân, trong đó có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về chủ trương của Đảng, các nội dung trong Nghị quyết số 131/2020/QH14. Để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động của mọi người dân, đòi hỏi các cơ quan, nhất là các cơ quan truyền thông, báo chí cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các nội dung, điểm mới trong các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; cũng như các đề án, chương trình hành động, kế hoạch triển khai của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc xây dựng chính quyền đô thị đến với người dân một cách hiệu quả hơn. 

Để nâng cao nhận thức cho người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các nội dung liên quan về xây dựng chính quyền đô thị đến các cơ quan, đơn vị... Nội dung tuyên truyền cần súc tích, cô đọng nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung cơ bản. Hình thức tuyên truyền cần phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, nghề nghiệp, địa bàn cư trú. Ngoài các hình thức tuyên truyền trực tiếp, truyền thống, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền gián tiếp thông qua các trang mạng xã hội, các nền tảng ứng dụng, các chương trình tuyền hình, phát thanh, báo chí… Khi nhận thức được thống nhất và nâng cao, người dân không chỉ đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chương trình hành động, kế hoạch của Thành phố, mà còn có thể đóng góp nhiều ý kiến giá trị cho việc xây dựng chính quyền đô thị. 

Mặt khác, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục còn giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình; thuận lợi trong việc liên hệ với chính quyền giải quyết công việc khi cần thiết. Công tác tuyên truyền về xây dựng chính quyền đô thị không chỉ diễn ra một lần, mà phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, lâu dài. Trong quá trình thực hiện việc tuyên truyền, bên cạnh đảm bảo tính toàn diện, cần phải quán triệt quan điểm trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, tập trung tuyên truyền rộng rãi tới các cá nhân, tổ chức, khu vực hành chính chịu ảnh hưởng, tác động nhiều nhất khi triển khai thực hiện xây dựng chính quyền đô thị. Thực hiện giải pháp này làm cho các cá nhân, tổ chức có hiểu rõ hơn, từ đó nhất trí, ủng hộ và tham gia có hiệu quả việc triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước.

NGUỒN NHÂN LỰC ĐỂ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Ngày 16/7/2021, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức. Theo lộ trình, đến ngày 31/12/2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 830 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bị dôi dư. Cụ thể, có 316 người dôi dư do triển khai không tổ chức HĐND ở quận, phường; 279 người dôi dư do thành lập thành phố Thủ Đức; 102 cán bộ, công chức cấp xã và 133 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại 19 phường thuộc Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, quận Phú Nhuận và thành phố Thủ Đức dôi dư do việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã(1). 

Một trong những việc khó khăn mà Thành phố Hồ Chí Minh cần giải quyết khi xây dựng chính quyền đô thị là số lượng người dôi dư khá lớn và trên diện rộng. Để giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền Thành phố cần lưu ý một số vấn đề cơ bản như: 1) Tiến hành tổng rà soát, đánh giá toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố với các tiêu chí cụ thể như: độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, năng lực, thâm niên công tác, nguyện vọng… 2) Dựa trên dữ liệu đó để sắp xếp, bố trí nhân sự lại theo yêu cầu, nhiệm vụ mới, đảm bảo tính khách quan, khoa học, đúng người, đúng việc, đúng pháp luật; lấy năng lực, hiệu quả, uy tín trong công tác làm ưu tiên hàng đầu khi sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm; 3) Đối với những trường hợp dôi dư sau khi sắp xếp hoặc không còn nguyện vọng công tác, cần làm tốt công tác tư tưởng; có sự hỗ trợ về kinh phí để họ ổn định cuộc sống trong khoảng thời gian chưa tìm được công việc mới hay đang chờ công việc mới; 4) Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với những người nghỉ hưu sớm, nghỉ việc… theo  quy định. 

Ngoài ra, Thành phố cần thực hiện các chính sách đặc thù để giữ chân, thu hút được nhiều người tài tham gia vào các cơ quan của chính quyền đô thị; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy năng lực và cống hiến. Việc sắp xếp, bố trí, sử dụng nhân lực, giải quyết tốt vấn đề người lao động dôi dư; thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ hiện tại và tạo nguồn lực cho tương lai không chỉ sớm giúp bộ máy chính quyền đô thị sớm đi vào ổn định, hoạt động hiệu quả; mà còn góp phần duy trì sự đoàn kết, phát huy hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy chính quyền đô thị phát triển nhanh và bền vững.

VẤN ĐỀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHÍNH QUYỀN 

Ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội. Theo đó, tại 16 quận và thành phố Thủ Đức chỉ còn một cấp chính quyền là UBND Thành phố Hồ Chí Minh, còn UBND quận và phường sẽ thành cơ quan hành chính quận, phường; 05 huyện còn lại trên địa bàn Thành phố được tổ chức chính quyền ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Nghị quyết cũng quy định UBND các quận và phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND quyết định và tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật cho phép. So với trước đây, chủ tịch UBND quận, phường được giao nhiều quyền lực và có trách nhiệm cao hơn trong chính quyền đô thị. Việc tăng thêm quyền lực và trách nhiệm giúp chính quyền đô thị giải quyết nhanh chóng các vấn đề đặt ra trước nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, là điều kiện quan trọng để người đứng đầu thể hiện sự năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy đô thị phát triển. 

Tuy nhiên, để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực như lạm quyền, độc quyền, Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm một số vấn đề sau: 1) Cần khách quan, khoa học trong việc lựa chọn, bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận và phường. Ngoài việc tuân thủ quy định của Đảng và Nhà nước, còn cần dựa trên uy tín, kết quả công việc để cân nhắc, quyết định; nên thực hiện chính sách thi tuyển để chọn lãnh đạo quận, phường; 2) Cần phát huy và tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ; có cơ chế kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời những sai sót, lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực; cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát huy vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của người dân, báo chí và dư luận xã hội; 3) Khi phát hiện các biểu hiện sai phạm, phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn hậu quả.

VẤN ĐỀ QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI DÂN Ở CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Thực tế thời gian qua cho thấy, HĐND quận và phường ở các thành phố trực thuộc Trung ương bộc lộ những bất cập như: thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết, tự chịu trách nhiệm, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị. Vì vậy, việc không tổ chức HĐND quận và phường trong chính quyền đô thị để bộ máy tinh gọn, ít tầng nấc, hoạt động thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân, tiết kiệm ngân sách là phù hợp. Tuy nhiên, khi không còn tổ chức HĐND quận và phường thì chức năng giám sát, quyền đại diện của người dân sẽ như thế nào... thì cần có nghiên cứu, đánh giá quá trình triển khai thực hiện.

Theo quy định hiện hành, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền giám sát, đại diện cho người dân thuộc về đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND Thành phố, các ban, các tổ đại biểu HĐND... Để hoạt động giám sát thực hiện tốt, đảm bảo các quyền đại diện của người dân, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của HĐND Thành phố và đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội trong đổi mới hoạt động giám sát, đặc biệt là các hoạt động giám sát chuyên đề. Bên cạnh đảm bảo số lượng theo quy định, cần chú ý đến cơ cấu đặc biệt là chất lượng đại biểu HĐND. Tổ chức chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ đối với chủ tịch UBND quận một cách khách quan, thực chất, tránh hình thức; sau khi lấy phiếu tín nhiệm phải có cơ chế kiểm tra, giám sát sự thay đổi, kết quả khắc phục nếu có phiếu tín nhiệm thấp; dựa trên kết quả đó làm cơ sở đánh giá, quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm. 

Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị  - xã hội trong việc tiếp nhận thông tin, ý kiến kiến nghị của người dân ở đô thị; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ; giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết trong dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội một cách kịp thời. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, cơ quan báo chí, truyền thông nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người dân. Khi không còn cơ chế giám sát của HĐND đòi hỏi UBND quận, phường cần chủ động thực hiện công khai, báo cáo nhanh chóng, đầy đủ các hoạt động kinh tế - xã hội để cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

VẤN ĐỀ ĐẢNG LÃNH ĐẠO CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Hiện nay, tính tự chủ, phân cấp, phân quyền và tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị được nâng cao; bộ máy tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt trong nhận thức cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện đòi hỏi phải có sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng. 

Để sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng có hiệu quả trong chính quyền đô thị, cấp ủy đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, trước hết phải bám sát quan điểm, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, phải dựa trên các luận cứ khoa học, các cuộc khảo sát, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn ở cơ sở để xây dựng, ban hành phù hợp với đặc thù, yêu cầu phát triển của địa phương. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2)... “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(3). Do đó, đòi hỏi các cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ theo hướng lựa chọn cán bộ ưu tú, việc lựa chọn cán bộ phải đáp ứng các yêu cầu của Đảng, đặc thù, yêu cầu phát triển của địa phương; cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tạo nguồn kế cận. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên.

Để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, khai thác hiệu quả các nguồn lực và điều kiện để đô thị phát triển nhanh, bền vững, cần phải có sự quan tâm và giải quyết hiệu quả các vấn đề quan trọng, vừa có tính cấp thiết nhưng phải đảm bảo quy định của Đảng và Nhà nước. Đây là những vấn đề, những công việc khó khăn và phức tạp, đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần kiên định đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn của Thành phố./. 

Ghi chú:

(1) https://www.sggp.org.vn/tphcm-len-phuong-an-sap-xep-830-can-bo-doi-du-722618.html

(2),(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2004, tr.269, tr.240. 

TS Biền Quốc Thắng - Học viện Chính trị khu vực II,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Tạ Văn Soát - Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai

...