VNHN - Từ chỗ là tỉnh nghèo của cả nước, sau 25 năm tái lập, Hưng Yên đã trở thành một trong ba tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và là một trong 16 tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách, có đóng góp một phần vào ngân sách quốc gia.
Vùng đất “địa linh, nhân kiệt”
Ngày mùng 4 tháng 11 năm 1831, vua Minh Mạng đã ban Chiếu, chia các trấn phía Bắc thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Khi thành lập, tỉnh Hưng Yên gồm có 2 phủ, 8 huyện. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, Hưng Yên hiện có 8 huyện, 1 thị xã và một thành phố.
Không chỉ có lợi thế nằm ở cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, Hưng Yên còn là trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là tỉnh duy nhất của cả nước không có rừng núi, không có biển. Bù lại, Hưng Yên được thiên nhiên bao bọc bởi hai dòng sông lớn, như sông Hồng và sông Luộc nên đất đai phù sa màu mỡ.
Với truyền thống đoàn kết, cần cù thông minh và sáng tạo, các thế hệ người dân nơi đây đã nối tiếp nhau vượt khó đi lên. Trong 10 thế kỷ khoa cử của các triều đại phong kiến, Hưng Yên có 228 người đỗ đại khoa, đứng thứ ba của cả nước. Trong đó, có 8 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, 47 Hoàng giáp. Tiêu biểu là Nguyễn Trung Ngạn, người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, nổi danh thần đồng, 16 tuổi đỗ tiến sĩ. Ba làng được vinh danh là làng khoa bảng Việt Nam.
Cùng với truyền thống hiếu học, Hưng Yên tự hào là vùng quê có bề dày truyền thống cách mạng. Sinh thời, Bác Hồ đã 10 lần về thăm Hưng Yên. Nhưng lần đầu tiên là lần rất đặc biệt, bởi chỉ sau cuộc tổng tuyển cử 4 ngày (ngày mùng 10 tháng 1 năm 1946), Hưng Yên đã vinh dự được đón bác về thăm. Hưng Yên cũng tự hào là quê ngoại của Bác.
Thực hiện nghị quyết số 504 ngày 26 tháng 1 năm 1968 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Ngay sau khi hợp nhất, Đảng bộ đã động viên các lực lượng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, cùng với chi viện sức người sức của cho miền Nam. Quân dân Hải Hưng còn chắc tay cày, vững tay súng, bắn rơi 85 máy bay Mỹ, bắt sống 17 tên giặc lái.
Đổi thay diệu kỳ
Ngày mùng 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Hưng Yên chính thức được tái lập. Những năm đầu, mặc dù gặp không ít khó khăn và thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các đơn vị cơ quan trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không chỉ vượt qua khó khăn thách thức, mà còn khẳng định được vị thế của mình.
Trên lộ trình sớm trở thành tỉnh công nghiệp, trong những năm qua, Hưng Yên tiếp tục đưa ra nhiều chủ trương, các giải pháp, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Với cách làm sáng tạo, quyết liệt và linh hoạt, Hưng Yên đã hình thành được những khu, cụm công nghiệp hiện đại có tầm cỡ trong khu vực, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Đại hội các nhiệm kỳ, tỉnh đã tập trung đột phá về giao thông, tiếp nhận thu hút được các doanh nghiệp lớn về tỉnh, đi đôi với việc phát triển công nghiệp và công nghiệp sạch, tiếp tục quy hoạch khoảng một nghìn hecta khôi phục vốn cổ và một nghìn hec-ta để phát triển sân golf, đô thị và khu vui chơi giải trí, bổ sung đầu tư công trung hạn, kết nối di sản đi theo ven đê sông Hồng nối thẳng với thủ đô Hà Nội, mở nút giao Tân Phúc đi ba huyện, khai thác tất cả những vùng lõm.
Chia sẻ về lý do và quá trình đầu tư tại Hưng Yên, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH ECOLAND, cho hay: Sau khi đầu tư thành công khu đô thị sinh thái Ecopark, chúng tôi đã thành lập công ty cổ phần TDH ECOLAND thuộc tập đoàn Ecopark để hợp tác với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nghiên cứu phát triển tổ hợp khu đô thị công nghiệp dịch vụ logistics Lý Thường Kiệt với quy mô hơn một nghìn hec-ta. Lý do, Hưng Yên nằm trong tam giác phát triển của khu vực phía Bắc, có hạ tầng kết nối giao thông cả đường sông, đường bộ, đường sắt, hàng không, được chấp thuận đủ điều kiện để các nhà đầu tư có thể triển khai được những khu đô thị, những tổ hợp khu công nghiệp với quy mô lớn chất lượng cao.
Khi tái lập tỉnh, Hưng Yên là một trong ba tỉnh nghèo của cả nước. Sau 25 năm tái lập, Hưng Yên đã trở thành một trong ba tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, thu ngân sách đạt 17.300 tỷ đồng, gấp 190 lần năm 1997. Hiện, Hưng Yên là một trong 16 tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách và có đóng góp một phần vào ngân sách quốc gia./.